Một nghiên cứu mới từ Brazil cho thấy việc bổ sung vitamin D liều thấp có thể giúp tăng gần gấp đôi hiệu quả của quá trình hóa trị trong điều trị ung thư.
Các nhà khoa học tại Trường Y Botucatu, Đại học bang São Paulo (Brazil) đã thực hiện nghiên cứu trên 80 bệnh nhân ung thư vú, độ tuổi trên 45, bắt đầu điều trị tại bệnh viện thuộc trường. Những người tham gia được chia thành hai nhóm: một nhóm gồm 40 người được bổ sung 2.000 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D mỗi ngày, trong khi nhóm còn lại dùng giả dược.
Tất cả bệnh nhân đều trải qua hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Phần lớn đều có mức vitamin D trong máu dưới 20 ng/mL thấp hơn ngưỡng khuyến nghị (40–70 ng/mL).
Theo Giáo sư Eduardo Carvalho-Pessoa, mức vitamin D ở nhóm được bổ sung tăng dần trong suốt quá trình điều trị, góp phần cải thiện khả năng phục hồi. Sau 6 tháng, 43% người trong nhóm dùng vitamin D có khối u biến mất sau hóa trị, trong khi nhóm dùng giả dược chỉ đạt 24%. Điều này đồng nghĩa việc bổ sung vitamin D giúp tăng hiệu quả hóa trị lên 1,79 lần, theo Scitech Daily.
Giáo sư Carvalho-Pessoa nhấn mạnh, dù số lượng người tham gia nghiên cứu còn hạn chế, nhưng kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Liều dùng trong nghiên cứu cũng tương đối thấp, cho thấy vitamin D có thể là lựa chọn bổ trợ hiệu quả thay cho các loại thuốc tăng cường hóa trị khác vốn đắt đỏ hoặc khó tiếp cận.
Nghiên cứu việc bổ sung vitamin D liều thấp có thể làm tăng hiệu quả điều trị ung thư. Ảnh minh họa
Vitamin D vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc hấp thụ canxi và phốt pho, giúp xương chắc khỏe. Gần đây, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin D còn hỗ trợ hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng và một số bệnh mạn tính, bao gồm cả ung thư. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu trước đây dùng liều cao, còn nghiên cứu mới mở ra hướng đi mới với liều thấp an toàn hơn.
Giáo sư Carvalho-Pessoa kết luận đây là phát hiện đầy hứa hẹn, cần được mở rộng nghiên cứu trên quy mô lớn hơn để hiểu rõ vai trò của vitamin D trong tăng hiệu quả điều trị ung thư.
Bên cạnh đó, vitamin D không chỉ quan trọng với hệ xương mà còn ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung vitamin D khác nhau tùy vào tuổi tác, giới tính, lối sống và tình trạng sức khỏe. Nếu thiếu hụt vitamin D có thể khiến cơ thể kém hấp thụ canxi, dẫn đến loãng xương, còi xương và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tim mạch, rối loạn miễn dịch.
Ngoài ra do vitamin D chủ yếu được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời và hấp thụ qua thực phẩm. Nếu bổ sung quá mức có thể gây buồn nôn, yếu cơ, đau xương hoặc thậm chí sỏi thận. Do đó, việc bổ sung vitamin D hợp lý là cần thiết, nhất là với một số nhóm đối tượng cần thận trọng khi dùng vitamin D.
Đối với những người bị bệnh thận việc bổ sung quá mức có thể làm tăng gánh nặng lọc máu, dẫn đến tích tụ trong cơ thể. Người có sỏi thận cũng không nên bổ sung quá mức do nồng độ vitamin D cao có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu, góp phần hình thành và phát triển sỏi.
Người dị ứng hoặc có phản ứng phụ nếu bổ sung quá nhiều vitamin D có thể gặp tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi. Người đã tiêu thụ nhiều vitamin D qua thực phẩm cần cân nhắc tổng lượng bổ sung để tránh quá liều. Hay phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt.
TCVN 11428:2016 hướng dẫn bổ sung vitamin và khoáng chất vào thực phẩm
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11428:2016 (CAC/GL 55:2005) được xây dựng nhằm đảm bảo rằng việc bổ sung vitamin và khoáng chất vào thực phẩm hàng ngày là an toàn, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cộng đồng. Phạm vi áp dụng tiêu chuẩn bao gồm các sản phẩm thực phẩm bổ sung, chứa vitamin và/hoặc khoáng chất, dùng để hỗ trợ chế độ ăn uống hàng ngày. Những thực phẩm này có thể dạng rắn, lỏng, hoặc loại dùng để bổ sung trực tiếp.
Yêu cầu về hàm lượng dinh dưỡng quy định rằng mỗi khẩu phần bổ sung phải cung cấp ít nhất 15% mức khuyến cáo ăn hàng ngày (RDA) từ FAO/WHO đối với vitamin hoặc khoáng chất tương ứng. Đồng thời, mức tối đa cũng được thiết lập dựa trên đánh giá khoa học về mức an toàn tối đa, xem xét cả nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm khác và phản ứng của các nhóm dân cư nhạy cảm.
Bao gói và vật liệu chứa bắt buộc phải đảm bảo vệ sinh, có khả năng bảo quản chất lượng sản phẩm, không gây tương tác gây hại, và phù hợp với mục đích sử dụng. Nhãn mác phải tuân thủ TCVN 7087:2013, bao gồm thông tin rõ ràng về thành phần, hàm lượng vitamin/khoáng chất, khuyến cáo sử dụng, cảnh báo nếu cần, và đảm bảo minh bạch theo hướng dẫn quốc tế.
Ghi nhãn dinh dưỡng yêu cầu công bố hàm lượng vitamin và khoáng chất bằng số lượng rõ ràng, sử dụng đơn vị đo phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. Giá trị này nên được đưa ra theo khẩu phần khuyến cáo hoặc nếu khác, phải ghi chú rõ ràng trên nhãn.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/nghien-cuu-moi-bo-sung-vitamin-d-lieu-thap-giup-tang-gan-gap-doi-hieu-qua-hoa-tri-ung-thu-d234764.html