Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bột protein được sản xuất bằng cách chiết xuất protein từ thực phẩm nguyên chất, sau đó cô đặc và chế biến thành dạng bột được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhưng không nên lạm dụng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc tiêu thụ quá nhiều bột protein cô đặc dưới dạng bột có thể gây tác dụng phụ. Việc quá tải protein có thể tạo áp lực lên thận, khiến chúng phải làm việc nhiều hơn để bài tiết những chất dư thừa.
Bột protein là một trong những chất bổ sung được sử dụng phổ biến nhất. Các nhà sản xuất đã tạo ra bột protein từ nhiều nguồn động vật và thực vật khác nhau. Whey protein được phân lập từ sữa bò – có nguồn gốc từ động vật. Còn Protein đậu lại có nguồn gốc từ thực vật.
Mọi người sử dụng bột protein cho nhiều mục đích. Một mục đích phổ biến nhất là xây dựng sức mạnh, tái tạo các mô và duy trì cơ bắp trong cơ thể. Ngoài ra, người ta còn sử dụng chúng để thay thế các bữa ăn, tăng lượng protein hoặc giúp giảm cân.
Không nên tiêu thụ quá nhiều protein cô đặc dưới dạng bột. Ảnh minh họa
Tuy nhiên theo tiến sĩ Aastha Khungar, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng tại Bệnh viện Max, Mohali (Ấn Độ), nhiều người lầm tưởng có thể đáp ứng nhu cầu protein chỉ bằng bột protein, trong khi thực phẩm tự nhiên vẫn là nguồn cung cấp tốt hơn.
Đối với người có mức độ hoạt động bình thường, không tập luyện cường độ cao, lượng protein khuyến nghị là khoảng 0,8-1,0 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
“Lượng protein này dễ dàng đạt được từ chế độ ăn cân bằng, giàu protein tự nhiên, kèm theo các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất béo lành mạnh, những chất mà bột protein đôi khi thiếu”, Tiến sĩ Aastha Khungar nói.
Bà Aastha Khungar nhấn mạnh về một chế độ ăn cân bằng giàu thực phẩm nguyên chất như thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu, hạt, và ngũ cốc nguyên hạt sẽ cung cấp đủ protein chất lượng cao và các dưỡng chất thiết yếu mà bột protein có thể thiếu. Thịt gà, đậu phụ, sữa chua Hy Lạp, đậu lăng, hạt diêm mạch và phô mai tươi không chỉ giàu protein mà còn cung cấp thêm vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất béo lành mạnh.
Do đó, việc tiêu thụ quá nhiều protein cô đặc dưới dạng bột có thể gây tác dụng phụ. Việc quá tải protein có thể tạo áp lực lên thận, khiến chúng phải làm việc nhiều hơn để bài tiết những chất dư thừa. Từ đó làm tăng nguy cơ sỏi thận, phản ứng dị ứng và mụn trứng cá, đặc biệt là đối với người dùng protein whey cô đặc. Một số loại bột protein còn có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh ruột kích thích và ung thư ruột kết.
Một số loại bột protein có thể chứa thêm đường, chất tạo ngọt nhân tạo, chất bảo quản, hoặc protein cô lập chất lượng thấp, điều này không lý tưởng cho sức khỏe lâu dài. Người dùng cũng thường gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, đầy bụng hoặc tiêu chảy, đặc biệt khi sử dụng bột protein chứa váng sữa (dành cho người không dung nạp lactose) hoặc chất tạo ngọt nhân tạo.
Khi lựa chọn bột protein, Tiến sĩ Amit Garg, cố vấn cấp cao về Phẫu thuật Bariatric tại Bệnh viện Livasa, Mohali (Ấn Độ) khuyên nên chú ý đến chất lượng, khả năng tiêu hóa và các chất gây dị ứng tiềm ẩn. Hãy đọc kỹ nhãn mác, thành phần và tìm kiếm các chứng nhận từ bên thứ ba để đảm bảo sản phẩm sử dụng an toàn và hiệu quả.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10560:2015 về Whey bột
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10560:2015, tương đương với CODEX STAN 289‑1995 (sửa đổi năm 2003 và bổ sung năm 2010), xác định các yêu cầu cơ bản cho sản phẩm whey bột và whey axit bột, được sử dụng trực tiếp hoặc làm nguyên liệu chế biến thực phẩm tiếp theo. Tiêu chuẩn này do Ban kỹ thuật quốc gia về sữa và sản phẩm sữa xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Theo tiêu chuẩn, whey bột là sản phẩm dạng bột thu được khi loại bỏ nước từ whey (dạng lỏng thu được sau khi tách phần đông trong quá trình chế biến phô mai hoặc casein) hoặc từ whey axit (sản phẩm thu được qua quá trình đông tụ nhờ axit).
Về nguyên liệu, whey bột phải được sản xuất từ whey hoặc whey axit, tuân thủ thành phần và chất lượng phù hợp với quy định chung về sữa. Đặc biệt, whey bột nếu được tinh chỉnh như trung hòa hoặc khử khoáng cũng phải đảm bảo không làm thay đổi quá giới hạn hàm lượng protein và nước so với thông số chuẩn.
Về phụ gia thực phẩm, tiêu chuẩn cho phép chỉ những loại phụ gia an toàn, có trong danh mục CODEX STAN 192, phù hợp với phân loại nhóm whey bột.
Về chất nhiễm bẩn, sản phẩm phải đảm bảo giới hạn an toàn tương đương quy định của CODEX STAN 193, đồng thời không được vượt quá mức cho phép của các chỉ tiêu như dư lượng thuốc thú y (theo TCVN 6711) và thuốc bảo vệ thực vật (theo TCVN 5624).
Về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất whey bột phải tuân thủ các nguyên tắc thực hành tốt trong chế biến sữa (CAC/RCP 1 và CAC/RCP 57), đồng thời đáp ứng các tiêu chí vi sinh theo TCVN 9632:2013, đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tóm lại, TCVN 10560:2015 đặt nền tảng cho việc sản xuất whey bột an toàn, chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/khong-nen-tieu-thu-qua-nhieu-protein-co-dac-duoi-dang-bot-d234842.html