Lòng lợn tuy là món khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh nếu không được chế biến kỹ lưỡng. Nhiều trường hợp nhập viện vì nhiễm khuẩn sau khi ăn lòng không đảm bảo vệ sinh.
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, lòng lợn giàu protein, chất béo, vitamin và khoáng chất nhưng có thể là nơi tích tụ nhiều chất độc hại từ môi trường và thức ăn của lợn. Nguy cơ này càng cao nếu lợn không được nuôi đúng cách hoặc lòng không được chế biến hợp vệ sinh.
Ruột non của lợn tuy chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng có thể còn lưu lại vi khuẩn và tạp chất từ thức ăn chưa tiêu hóa hết. Ruột già, nơi chứa chất thải và hấp thụ nước, lại càng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Vì vậy, dù lựa chọn phần lòng nào, điều quan trọng là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp nguy kịch do ăn lòng lợn không đảm bảo. Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh viện từng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 49 tuổi, trú tại Thái Bình, nhập viện trong tình trạng ban xuất huyết hoại tử vùng mặt, lan rộng toàn thân, đặc biệt ở tay và chân.
Trước đó một tuần, người này đã ăn lòng lợn, sau đó xuất hiện triệu chứng sốt cao tới 40 độ C, rét run, đau bụng dữ dội, tiêu chảy nặng, cơ thể mệt mỏi, tụt huyết áp. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis), một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể lây từ lợn sang người qua thực phẩm chưa nấu chín hoặc qua vết thương hở.
Các món nội tạng lợn được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa).
Đáng nói, trường hợp nêu trên không phải cá biệt. Một bệnh nhân khác là nữ, 59 tuổi, tại Hà Nội cũng nhập viện sau khi ăn lòng lợn. Bà bị sốt cao, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu và đau mỏi toàn thân. Sang ngày thứ hai, xuất hiện các mảng tím đen trên da, lơ mơ, tụt huyết áp, tổn thương da dạng ban tím toàn thân. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu lợn.
Ngoài nguy cơ nhiễm khuẩn, lòng lợn cũng không phù hợp với một số đối tượng có nguy cơ cao. Phụ nữ mang thai với hệ miễn dịch suy yếu có thể gặp biến chứng nghiêm trọng khi ăn lòng không đảm bảo vệ sinh. Trẻ em dưới 5 tuổi dễ bị tiêu chảy do vi khuẩn từ lòng.
Người trên 60 tuổi, người mắc các bệnh về gan, thận, gout, rối loạn lipid máu hoặc có vấn đề tiêu hóa đều có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi sử dụng món ăn này. Những người có hệ miễn dịch suy yếu như đang điều trị ung thư, nhiễm HIV/AIDS, hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng dễ bị nhiễm trùng nghiêm trọng.
Đối với người không thuộc nhóm nguy cơ, lòng lợn vẫn có thể là món ăn hấp dẫn nếu được chế biến đúng cách. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn mua từ nguồn uy tín, sơ chế kỹ càng, nấu chín hoàn toàn, tránh ăn lòng tái hoặc chưa được làm sạch cẩn thận. Việc kiểm soát khẩu phần ăn cũng rất quan trọng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dù quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, lòng lợn không phải là món ăn phù hợp với tất cả mọi người. Cân nhắc tình trạng sức khỏe và cách chế biến là điều cần thiết để hạn chế rủi ro và tận hưởng món ăn này một cách an toàn.
Thanh Hiền (t/h)
https://vietq.vn/nguy-co-tu-vong-vi-an-long-lon-khong-dam-bao-canh-bao-tu-bac-si-benh-nhiet-doi-d233066.html