Theo bác sĩ, hạt vừng đen chứa nhiều chất đạm, canxi, chất xơ… rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là giúp hỗ trợ tình trạng căng thẳng trên hệ thống tim mạch.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 3 cho biết, hạt vừng có tên khác là mè, chi ma, hắc chi ma… Có 2 loại hạt màu đen và trắng ngà, trong đó loại vừng đen (hắc chi ma) thường được ưa chuộng trong Y học phương Đông.
Với hương thơm đặc trưng cùng mùi vị bùi béo, hạt vừng là một trong những loại hạt quen thuộc được sử dụng từ lâu trong ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra, vừng được dùng để ép dầu. Dầu vừng có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo Đông y, vừng vị ngọt tính bình đi vào can, phế, tỳ, thận. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, râu tóc bạc sớm, da xanh thiếu máu, đau đầu hoa mắt chóng mặt, ù tai, điếc tai, tăng huyết áp, ít sữa, táo bón, huyết niệu, trĩ, kiết lỵ…Trong hạt còn vừng chứa khoảng 40-60% dầu, 22% chất đạm, ngoài ra còn có đồng, canxi oxalat, protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E… Dầu vừng chứa nhiều calo, chất béo no không bão hòa, axit béo omega-3 và omega-6, canxi, vitamin E, B… do đó có lợi cho tim mạch. Riêng vừng đen còn được đông y dùng như vị thuốc giúp đen tóc.
Các loại dầu tự nhiên được ép từ hạt vừng giúp giảm bệnh cao huyết áp, giảm sự căng thẳng trên hệ thống tim mạch và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Ngoài ra, hạt vừng cũng rất giàu magiê (với 36 g hạt vừng đã cung cấp tới 31,6% nhu cầu magie hằng ngày cho cơ thể) giúp hỗ trợ giảm và ổn định huyết áp, ngăn chặn những cơn đau tim, đột quỵ.
Hạt vừng đen rất tốt cho sức khỏe tim mạch nhưng cũng cần lưu ý khi sử dụng. Ảnh minh họa
Hạt vừng chứa sesamolin và sesamin giúp duy trì huyết áp và mức cholesterol. Những người bị cholesterol cao (có nguy cơ bị xơ vữa mạch máu, tuổi thọ ngắn) nên dùng món cháo vừng nấu với khoai mỡ. Khoai mỡ chứa nhiều chất nhầy có tác dụng “khóa” cholesterol không cho nó hoạt động và buộc nó theo chất thải ra ngoài. Riêng vừng đen kích thích gan tiết mật, giảm cholesterol. Nấu cháo với khoai mỡ cho nhừ rồi trộn vừng rang chín, nghiền nhuyễn vào.
Sử dụng hạt vừng thường xuyên còn cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất quan trọng như phốt pho, canxi, kẽm,… Các khoáng chất này là những bộ phận không thể tách rời trong việc tạo ra xương mới, tăng cường, tái tạo lại xương hoặc giúp phòng chống bệnh loãng xương.
Vừng có rất nhiều chất xơ, một yếu tố quan trọng trong việc tiêu hóa lành mạnh, sử dụng loại hạt này đúng cách sẽ giảm các tình trạng như táo bón, tiêu chảy, đồng thời bảo vệ sức khỏe của ruột già, giảm nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa và ung thư.
Ngoài ra nhờ có hàm lượng đồng cao, hạt vừng có thể làm giảm viêm ở khớp, xương và cơ. Đồng còn là một khoáng chất cần thiết để tăng cường lưu thông máu, bảo vệ thành mạch máu. Cải thiện sức khỏe răng miệng bởi dầu trong hạt vừng có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ, nó cũng làm giảm sự hiện diện của vi khuẩn Streptococcus, một loại vi khuẩn thông thường có thể tàn phá các khoang miệng và các bộ phận khác của cơ thể. Thậm chí trong hạt vừng có hàm lượng kẽm cao, một thành phần quan trọng trong sự hình thành collagen, giúp tăng cường mô cơ, tóc và da.
Mặc dù hạt vừng đen rất tốt cho sức khỏe nhưng theo Bệnh viện Vinmec, hạt vừng là một trong những thực phẩm hàng đầu gây dị ứng nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với một loại protein cụ thể. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng có thể phát triển nhanh chóng và tiến triển từ nhẹ đến nặng. Chúng có thể bao gồm mặt đỏ bừng,phát ban, nổi mề đay hoặc da đỏ và ngứa; sưng cổ họng, mắt, mặt, môi hoặc lưỡi; khó thở, nói hoặc nuốt; lo lắng, đau khổ, ngất xỉu, xanh xao hoặc yếu ớt; chuột rút, tiêu chảy hoặc nôn mửa; mất ý thức
Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể gây ra sốc phản vệ đe dọa tính mạng, cần được cấp cứu ngay lập tức. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, hãy đến bệnh viện: Sưng họng và nghẹt thở; giảm huyết áp nghiêm trọng; đường dẫn khí trong phổi bị hạn chế.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10908:2016 về hạt giống vừng – yêu cầu kỹ thuật
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu kỹ thuật đối với hạt giống vừng (Sesamum indicum L.). Theo đó tiêu chuẩn này yêu cầu về đất ruộng sản xuất hạt giống vừng phải sạch cỏ dại và các cây trồng khác, vụ trước không trồng vừng.
Khi kiểm định ruộng giống vừng phải được kiểm định ít nhất 2 lần: Lần 1 khi có khoảng 50% số cây ra hoa; Lần 2 trước khi thu hoạch từ 5 đến 7 ngày.
Ruộng sản xuất hạt giống vừng phải được cách ly tối thiểu với các ruộng trồng vừng khác theo quy định. Tại mỗi lần kiểm định, ruộng sản xuất hạt giống vừng phải đạt độ thuần tối thiểu theo quy định. Hạt giống vừng phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong 4.1 và các yêu cầu về độ sạch, tỷ lệ nảy mầm, độ ẩm.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-chi-ra-loi-ich-tu-hat-vung-den-toi-suc-khoe-tim-mach-tot-cho-nguoi-cao-huyet-ap-d228799.html