Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua các năm, với dự án đa dạng các ngành nghề, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa được bền vững.
Các chuyên gia cho biết, tín dụng xanh được định nghĩa là bất cứ khoản tín dụng nào dùng để tài trợ hoặc tái tài trợ một phần hoặc toàn bộ các dự án xanh. Các khoản tín dụng xanh được thể hiện dưới hình thức tín dụng có kì hạn (term loan) hoặc các khoản tín dụng tuần hoàn (revolving credit facilities). Tín dụng xanh cung cấp nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp cho các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính và những biến động bất thường của khí hậu, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Theo thống kê trên thế giới, doanh số tín dụng xanh toàn cầu đã tăng 12 lần trong 5 năm (từ 55,9 tỷ USD vào năm 2018 lên mức 661 tỷ USD vào năm 2023. Trong năm 2023, châu Âu dẫn đầu thế giới trong việc cấp tín dụng cho phát triển bền vững khi chiếm tới hơn 80% dư nợ của thị trường này. Khu vực châu Á, với 2 quốc gia nổi bật là Singapore và Nhật Bản cũng đang có sự tăng trưởng về doanh số nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với các quốc gia và khu vực còn lại. Tuy nhiên đây cũng là khu vực đang thu hút được nhiều dự án xanh.
Tại Việt Nam, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học Viện Ngân hàng cho biết, khung pháp lý về thể chế liên quan đến hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh ngày càng được hoàn thiện, cụ thể như: Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 2030; Ngành ngân hành tiếp tục quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn điều chỉnh hoạt động tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững tại các tổ chức tín dụng và trung gian tài chính Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc phát triển ngân hàng xanh trở thành một phần quan trọng trong các chính sách phát triển mang tính định hướng dài hạn cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa được bền vững. Ảnh minh họa.
Đánh giá chung về phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2018-2030 tại nước ta, bà Hoàng Anh cho biết, dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua các năm, với dự án đa dạng các ngành nghề; Các sản phẩm tín dụng xanh ngày càng phong phú, đa dạng theo các chương trình khác nhau của Chính phủ.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa được bền vững; động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước hơn là nhu cầu phát triển của các ngân hàng thương mại; Các tài liệu như Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành vẫn chỉ mang tính tham khảo, khuyến khích chứ chưa mang tính bắt buộc.
Nguyên nhân được cho là do các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp; Thiếu đồng bộ về tiêu chí “xanh”; Nguồn vốn để thực hiện chương trình tín dụng xanh còn hạn chế; Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức trong thực hiện quản lý rủi ro về môi trường – xã hội; Các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là những ngành nghề rất mới ở Việt Nam nên có thể xảy ra rủi ro thị trường cao;…
Vì vậy, bà Hoàng Anh cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh; Đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam, xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ;
Trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh, không phụ thuộc vào phương thức hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, gia hạn vay,…); Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khác: phát triển trái phiếu xanh; giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức; thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài FDI; thúc đẩy việc sử dụng báo cáo bền vững.
Thanh Tùng
https://vietq.vn/chuyen-gia-neu-giai-phap-phat-trien-tin-dung-xanh-ben-vung-tai-viet-nam-d227580.html