Quế là một dược liệu quý có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt nó có thể hỗ trợ phòng ngừa bệnh ung thư nhưng để có hiệu quả tốt khi dùng không nên lạm dụng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh – cơ sở 3) cho biết, y học phương Đông xem quế là một trong 4 vị thuốc quý gồm sâm, nhung, quế, phụ. Việt Nam là một trong những nước trồng nhiều quế.
Lá và vỏ quế thường được dùng làm tinh dầu. Lớp ngoài vỏ quế được gọi là quế thông, sau khi gọt bỏ vỏ thô bên ngoài, lấy lớp trong gọi là quế tâm. Vỏ quế giàu tanin (5%) và chứa tinh dầu (1,2-1,5%), tinh dầu quế giàu aldehyd cinnamic (80,85%). Theo thống kê của các chuyên gia dinh dưỡng, một muỗng bột quế chứa 19 Calo, 4g chất xơ. Trong đó có 68% mangan, 8% canxi, 4% sắt, 3% hợp chất và lợi khuẩn thực vật có lợi cho sức khỏe như chất chống oxy hóa, flavonoid, cinnamate…
Bác sĩ Vũ cho biết, theo các tài liệu y văn cổ, tất cả các bộ phận của quế đều được sử dụng làm thuốc và có những tác dụng chữa bệnh khác nhau. Y học cổ truyền đã có cách sử dụng các vị thuốc từ quế rất đa dạng. Ngày nay, theo các nghiên cứu mới nhất, các vị thuốc từ quế còn có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ bệnh tim, kháng viêm mạnh, bảo vệ não khỏi chứng mất trí và suy giảm nhận thức, phòng ung thư, mụn trứng cá, loại bỏ hơi thở hôi, tốt cho da….
Quế là dược liệu quý nhưng không nên lạm dụng. Ảnh minh họa
Trong đời sống hằng ngày, quế có nhiều ứng dụng như làm gia vị, chăm sóc sức khỏe, túi thơm thảo mộc, xông nhà, làm miếng lót giày… Có thể sử dụng tinh dầu quế đốt lên và để trong góc phòng. Việc làm này sẽ tạo ra cơ chế khuếch tán hương thơm, làm cho không gian trong phòng có mùi thơm đặc trưng của thảo dược và dễ dàng ngủ sâu hơn. Quế ngâm rượu để xoa bóp giúp giảm đau khớp rất tốt.
Đặc biệt, quế là một trong những dược liệu quý trong y học cổ truyền có tính ấm, kháng khuẩn, trị cảm lạnh… Ngoài ra, các nghiên cứu trong y học hiện đại cũng cho thấy quế có nhiều tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa ung thư…
Bệnh viện Vinmec cũng chia sẻ, theo một nghiên cứu khác của Mỹ đăng trên trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cũng cho thấy, quế còn làm giảm nồng độ đường glucose dài hạn hoặc HbA1C (lượng đường glucose gắn với hemoglobin trong các tế bào hồng cầu) ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, quế hữu ích trong kiểm soát đường huyết nhưng không thể thay thế cho các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường truyền thống. Đặc biệt quế có thể làm hạn chế sự phát triển của các khối u.
Tại phòng thí nghiệm trên động vật và các tế bào ung thư, quế đã cho thấy nhiều hứa hẹn về khả năng làm chậm sự phát triển ung thư và thậm chí tiêu diệt các tế bào khối u. Cho đến nay, tác dụng này đang được nghiên cứu kỹ lưỡng với hy vọng sẽ mở ra thêm một phương thuốc mới trong việc chữa hoặc ngăn ngừa ung thư.
Một nghiên cứu khác trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất quế có thể làm giảm sự lây lan của tế bào ung thư và gây ra cái chết của chúng. Một nghiên cứu trong ống nghiệm khác cho thấy rằng tinh dầu quế ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư đầu và cổ, và cũng làm giảm đáng kể kích thước khối u.
Một nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra rằng chiết xuất quế gây chết tế bào trong các tế bào khối u, và cũng làm giảm lượng khối u phát triển và lây lan. Nghiên cứu trên chuột bị ung thư ruột kết tiết lộ rằng quế là một chất kích hoạt mạnh mẽ của các enzym giải độc trong ruột kết, bảo vệ chống lại sự phát triển thêm của ung thư.
Vì thế nên thêm 2-4 gam quế trong chế độ ăn uống mỗi ngày có thể có lợi trong việc ngăn ngừa ung thư và có thể đi kèm với các lợi ích khác, chẳng hạn như giảm lượng đường trong máu và giảm viêm.
Lưu ý cần thận trọng không nên dùng quá nhiều quế sẽ gây bỏng rát da vì quế rất nóng. Dùng nhiều quế có thể khiến môi miệng bị kích ứng, những người dị ứng với quế nên tránh các món ăn có quế làm gia vị, cũng không nên ăn quá nhiều quế vì quế tính nóng, gây mất cân bằng âm dương trong cơ thể.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13358-1:2021 giống cây lâm nghiệp – cây giống các loài lâm sản ngoài gỗ – phần 1: Quế
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng áp dụng đối với cây giống Quế (Cinnamomum cassia Blume.) được gieo ươm bằng hạt để trồng rừng.
Theo đó các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật về chất lượng của cây giống quế được quy định cụ thể: Về nguồn gốc giống yêu cầu vật liệu nhân giống được thu từ nguồn giống đã được công nhận hoặc từ cây mẹ được chọn ở các lâm phần hoặc cây phân tán có địa chỉ rõ ràng.
Tuổi cây tối thiểu 12 tháng tuổi kể từ khi gieo hạt hoặc cấy cây vào bầu. Chiều cao cây tối thiểu 25cm, đường kính cổ rễ 0,4cm.
Hình thái cây sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, lá xanh, không cụt ngọn. bầu cây phải có đường kính tối thiểu là 6 cm, chiều cao tối thiểu là 12 cm, hỗn hợp ruột bầu thấp hơn mặt bầu tối đa là 1cm, bầu không bị vở, bẹp. Không có biểu hiện sâu, bệnh hại.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-chia-se-loi-ich-cua-que-trong-viec-ho-tro-phong-ngua-benh-ung-thu-d227475.html