Theo cảnh báo từ các bác sĩ, Hàn Quốc là nơi tiêu thụ thịt lợn thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong đó trào lưu ăn thịt lợn tái sống cũng được người dân ăn rất nhiều. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm sán dây gây hại sức khỏe.
Theo tờ Chosun, ở Hàn Quốc, quan điểm thịt lợn phải nấu chín kỹ đang dần phai nhạt. Phục vụ thịt lợn hơi tái – trong tonkatsu (thịt lợn chiên xù), samgyeopsal (thịt ba chỉ nướng) hay các món khác đang ngày càng trở nên thịnh hành.
Năm 2021, một chủ nhà hàng nổi tiếng đề cập trên truyền hình rằng: “Không giống như trước đây, thịt lợn không cần nấu chín hoàn toàn nữa. Thịt ngon nhất ngay trước khi chín”.
Kể từ đó, nhiều nhà hàng đã phục vụ thịt lợn vẫn còn màu hồng đỏ. Tại các nhà hàng thịt lợn đen Jeju, khách được khuyến khích thưởng thức thịt lợn tái, với lời giải thích rằng “thịt sẽ mất hương vị khi nấu quá chín”.
Đặc biệt mới đây vào tháng 9, tại một nhà hàng ở Seoul, thực khách nhận thấy miếng thịt lợn vẫn có phần tái còn đỏ. Tuy nhiên, người phục vụ trấn an: “Thịt như vậy đủ chín để ăn rồi”. Tại một bàn khác, miếng thịt trông gần như còn sống, nước thịt màu đỏ chảy ra.
Hàn Quốc là nơi tiêu thụ thịt lợn thuộc hàng cao nhất thế giới. Dữ liệu từ Tổng công ty Nông – Thủy sản và Thương mại Thực phẩm Hàn Quốc cho thấy thịt lợn nướng là món ăn phổ biến nhất tại nhà hàng của đất nước này năm 2023.
Ăn thịt lợn tái có nguy cơ mắc giun sán dây trưởng thành gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa
Bất chấp những lo ngại trên, Hiệp hội Sản xuất Thịt lợn Hàn Quốc đã trấn an công chúng rằng “không có nguy cơ mắc bệnh sán lợn từ việc ăn thịt lợn trong nước chưa nấu chín”. Họ nhấn mạnh rằng lợn ngày nay được nuôi bằng thực phẩm an toàn, được kiểm soát chất lượng. Không có một trường hợp nào mắc bệnh sán lợn từ thịt lợn ở Hàn Quốc kể từ năm 1989.
Các chuyên gia Hàn Quốc đồng tình với quan điểm này, khẳng định không có nguy cơ mắc bệnh sán lợn từ thịt lợn trong nước. Tiến sĩ Seo Min, nhà ký sinh trùng học tại Đại học Dankook, giải thích: “Trong khi lợn ở một số nước vẫn ăn thực phẩm thừa của con người thì ở Hàn Quốc, chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy”.
Hàn Quốc có tiền lệ ăn thịt lợn sống. Yang Yong-jin, Giám đốc Viện Bảo tồn Thực phẩm Truyền thống Jeju, giải thích: “Trước đây, trong các bữa tiệc ở Jeju, người dân sẽ chia nhau những lát thịt cổ lợn sống, có mỡ cứng”. Mặc dù phong tục này gần như đã biến mất, nhưng một số phần thịt như thăn và chân giò vẫn được phục vụ khi còn tái để mềm hơn.
Tuy nhiên, tiến sĩ Sam Ghali, bác sĩ cấp cứu tại Đại học Florida Health Jacksonville (Mỹ) đã đăng một tấm ảnh đáng báo động. Hình chụp CT cho thấy chân của một bệnh nhân chứa đầy nang sán, giống như hạt gạo, kéo dài từ xương đùi đến dưới đầu gối. Tiến sĩ Ghali cảnh báo: “Để tránh bệnh sán dây không bao giờ được ăn thịt lợn sống hoặc nấu chưa chín”.
Đồng quan điểm này, ThS.BS Đào Đức An, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, tất cả mọi người cần chủ động phòng ngừa nhiễm sán lợn bằng cách vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý nguồn chất thải thật tốt. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần sử dụng nguồn nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm là điều vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh sán dây lợn.
Cần ăn chín uống sôi (nguồn nước phải được đun sôi, để nguội, rồi mới được sử dụng trực tiếp). Tuyệt đối không được ăn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (tiết canh, nem) khi chưa nấu chín, tránh xa thịt lợn gạo và hạn chế ăn rau sống. Chủ động phòng chống nhiễm sán dây lợn cho bản thân cũng là một cách để ngăn ngừa nhiễm sán cho người thân, gia đình và những người chung sống trong cùng khu vực. Đặc biệt, người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
Bị mắc bệnh sán trưởng thành ở ruột nếu ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo). Khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non, rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới. Mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 – 12 mét. Chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, chủ yếu gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Như vậy, có thể nói không chỉ tiết canh mà ngay cả khi thịt lợn chưa được nấu chín cũng có nguy cơ bị nhiễm giun sán rất cao. Để phòng bệnh thì không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán lợn).
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7046:2019 về thịt tươi
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này áp dụng cho thịt tươi được dùng làm thực phẩm. Yêu cầu chung đối với thịt tươi như gia súc, gia cầm, chim, thú nuôi đưa vào giết mổ và cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt tươi phải đáp ứng các quy định hiện hành về kiểm soát giết mổ, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Yêu cầu bề mặt thịt tươi phải luôn ở trạng thái khô, sạch, không dính lông và tạp chất; Mặt cắt mịn; Có độ đàn hồi, sau khi án ngón tay vào thịt không để lại dấu ấn trên bề mặt thịt; Màu sắc đặc trưng, không có mùi lạ.
Các chỉ tiêu ký sinh trùng trong thịt tươi của một số đối tượng gia súc được quy định đối với thịt trâu và bò không được phát hiện có gạo bò, thịt lợn không có gạo lợn và giun xoắn.
Bao bì, dụng cụ chứa đựng được làm bằng vật liệu đáp ứng các quy định hiện hành về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ghi nhãn theo quy định hiện hành. Thịt tươi được vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dùng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Sản phẩm được bảo quản ở nơi sạch; nên bảo quản ở nhiệt độ từ 0 °C đến 4 °C.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-han-quoc-canh-bao-kieu-che-bien-thit-lon-gay-nguy-hiem-cho-suc-khoe-d226850.html