Theo một nghiên cứu mới nhất của Mỹ cho thấy những thực phẩm dán nhãn ăn kiêng vẫn có tác động không tốt đối với những bệnh nhân tiểu đường type 2.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Journal of the Academy of Nutrition and Dietetics của Mỹ cảnh báo một số thực phẩm siêu chế biến (UPF) vẫn có thể làm tăng đường huyết kéo dài ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Chúng bao gồm các loại nước ngọt ăn kiêng, bánh và ngũ cốc đóng gói, một số loại sữa chua… được dán nhãn là “ăn kiêng”, không đường.

Trong thí nghiệm, 273 tình nguyện viên mắc bệnh tiểu đường type 2 được ăn theo chế độ khác nhau trong 24 giờ và xét nghiệm máu đo HbA1C, là chỉ số phản ánh đường huyết. Các tác giả từ Đại học Texas ở Austin (Mỹ) đã phát hiện ra rằng số gam UPF mà các tình nguyện viên tiêu thụ trong ngày càng nhiều, khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể càng kém đi.

Một chế độ ăn có 10% là UPF có liên quan đến mức HbA1C cao hơn trung bình 0,28 điểm %. Ngược lại, tăng thêm chỉ 10% thực phẩm tươi hoặc được chế biến sẵn ở mức tối thiểu giúp mức HbA1C thấp hơn trung bình 0,30 điểm %. Để đạt được mức HbA1C dưới 7 – là mức tốt ở bệnh nhân tiểu đường – họ không được tiêu thụ quá 18% lượng thực phẩm trong ngày là UPF.


Thực phẩm ăn kiêng không hoàn toàn tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia từ Đại học Texas, lý do khiến thực phẩm siêu chế biến trở thành mối đe dọa cho bệnh nhân tiểu đường nằm ở các chất phụ gia được sử dụng trong quy trình chế biến. Những chất phụ gia này, dù không có đường hoặc ít muối, vẫn có thể gây ra rối loạn trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Các chất phụ gia không chỉ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết mà còn tác động tiêu cực đến các chức năng quan trọng khác trong cơ thể.

Nghiên cứu trước đây cũng đã chứng minh rằng việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như bệnh tim mạch, béo phì và một số bệnh ung thư. Đặc biệt, chất làm ngọt nhân tạo, thường được sử dụng trong các loại thực phẩm “ăn kiêng” hoặc không đường, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo là có hại cho quá trình chuyển hóa của cơ thể. Báo cáo của WHO giữa năm 2023 chỉ ra rằng những chất làm ngọt này không chỉ không giúp kiểm soát bệnh tiểu đường mà thậm chí còn góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Kết quả từ nghiên cứu trên đã cung cấp những bài học quý giá cho cả bệnh nhân tiểu đường lẫn những người quan tâm đến chế độ ăn uống lành mạnh. Việc tin tưởng mù quáng vào những sản phẩm được quảng cáo là “ăn kiêng”, “không đường”, hoặc “ít calo” có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là với người mắc tiểu đường type 2. Điều quan trọng là không chỉ tập trung vào nhãn mác của sản phẩm mà còn cần xem xét kỹ thành phần và quy trình chế biến để đảm bảo lựa chọn thực phẩm an toàn.

Một chế độ ăn dựa vào thực phẩm tươi sống, ít chế biến sẽ giúp cơ thể duy trì khả năng kiểm soát đường huyết tốt hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa. Điều này không chỉ áp dụng cho người mắc bệnh tiểu đường mà còn cho tất cả những ai mong muốn duy trì sức khỏe lâu dài. Trong bối cảnh mà thực phẩm siêu chế biến ngày càng phổ biến và tiện lợi, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải cẩn trọng hơn với những gì mình tiêu thụ.

Ngoài ra theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, ngoài những thực phẩm kể trên, một số thực phẩm mà bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn như bánh mì trắng, khoai nướng, gạo xát kỹ, miến dong, đường, các loại bánh kẹo, nước ngọt, các loại hoa quả ngọt.

Hạn chế các chất tạo ngọt có chứa năng lượng như Saccharose, Glucose,…Trong các loại nước giải khát có đường không nên lạm dụng các chất tạo ngọt chứa ít năng lượng, như các sản phẩm chứa chất tạo ngọt có chữ “Light”. Không nên ăn mặn, đặc biệt ở những bệnh nhân bị cả đái tháo đường và tăng huyết áp.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12439:2018 về thức ăn công thức để kiểm soát cân nặng

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho thức ăn công thức để kiểm soát cân nặng, không áp dụng cho bữa ăn được bao gói sẵn nhằm kiểm soát năng lượng và ở dạng thức ăn thông thường.

Theo hướng dẫn tại tiêu chuẩn này, khi sử dụng sản phẩm ăn liền thì năng lượng từ hàm lượng protein của sản phẩm từ 25 % đến 50 % năng lượng của thức ăn. Hàm lượng protein tổng số không vượt quá 125 g/ngày. Protein phải có chất lượng dinh dưỡng tương đương với protein của trứng hoặc protein của sữa (protein chuẩn); Khi chất lượng protein thấp hơn protein chuẩn thì mức tối thiểu phải tăng để bù cho protein chất lượng thấp hơn. Không được sử dụng protein có chất lượng nhỏ hơn 80 % so với protein chuẩn trong thức ăn công thức dùng cho chế độ ăn nhằm kiểm soát cân nặng.

Những axit amin thiết yếu có thể được thêm vào để tăng chất lượng protein chỉ với một lượng cần thiết cho mục đích này. Chỉ sử dụng axit amin dạng L, nhưng cũng có thể sử dụng methionin dạng DL.

Thức ăn công thức để kiểm soát cân nặng cần được chuẩn bị từ các thành phần protein động vật và/hoặc thực vật đã được chứng minh phù hợp để sử dụng cho người và từ các phần cấu thành thích hợp khác để thu được thành phần thiết yếu của sản phẩm.

Phụ gia thực phẩm quy định trong tiêu chuẩn này phải ở mức cho phép không vượt quá mức ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được theo quy định hiện hành. Sản phẩm cần được chế biến theo thực hành sản xuất tốt sao cho không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nguyên liệu hoặc thành phần của thực phẩm hoặc nếu không thể tránh khỏi thì phải giảm đến mức tối đa có thể. Sản phẩm không được có dư lượng hoocmôn và chất kháng sinh xác định bằng các phương pháp phân tích thích hợp và thực tế không có các chất nhiễm bẩn khác, đặc biệt là chất có hoạt tính dược lý.

Trong phạm vi thực hành sản xuất tốt, sản phẩm không được chứa các chất không mong muốn. Sản phẩm được bao gói trong vật chứa đảm bảo an toàn vệ sinh và yêu cầu khác về chất lượng. Khi ở dạng lỏng, sản phẩm phải được chế biến nhiệt và được bao gói trong vật chứa kín khí để đảm bảo độ vô trùng; có thể sử dụng nitơ và carbon dioxit làm môi trường bao gói. Vật chứa, bao gồm vật liệu bao gói, phải được làm bằng chất liệu an toàn và phù hợp cho mục đích sử dụng.

Tiêu chuẩn chung đối với ghi nhãn và công bố về thực phẩm bao gói dùng cho chế độ ăn kiêng đặc biệt), cần tuân thủ các yêu cầu sau: Tên sản phẩm phải được ghi “Thức ăn công thức để kiểm soát cân nặng”. Danh mục đầy đủ các thành phần phải được công bố theo TCVN 7087 (CODEX STAN 1-1985) Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn. Giá trị dinh dưỡng phải được công bố trên nhãn trên 100 g hoặc 100 ml thực phẩm được bán và nếu có thể, trên lượng thức ăn quy định được đề nghị để tiêu dùng. Ngày sử dụng tối thiểu phải được công bố theo TCVN 7087 (CODEX STAN 1-1985).

Bất kỳ điều kiện cụ thể nào về bảo quản thức ăn đều phải được công bố trên nhãn nếu hạn sử dụng của thức ăn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản. Hướng dẫn bảo quản về bao gói thức ăn đã mở phải được in trên nhãn để đảm bảo thức ăn đã được mở vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng và chất lượng. Trên nhãn cần ghi cảnh báo nếu thức ăn không thể bảo quản được sau khi mở, hoặc không thể bảo quản được trong vật chứa sau khi mở.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/thuc-pham-an-kieng-van-co-the-gay-hoa-cho-nguoi-tieu-duong-d226626.html