Nước mía vắt chanh được coi là thức uống phổ biến nhiều người thích. Thậm chí hiện nay nhiều thông tin còn cho rằng có thể chữa được ung thư nhưng theo các bác sĩ, không có bằng chứng khoa học chứng minh điều này.
Trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin chữa ung thư tủy xương, ung thư máu bằng việc uống một lít nước mía vắt chanh. Theo đó nguyên văn bài đăng trên facebook của chủ tài khoản có tên T.Đ.C. nói rằng: “Ung thư máu, ung thư tủy xương, uống viên thuốc đặc trị cả chục ngàn đô la không ăn thua. Mỗi ngày uống 1 lít nước mía vắt chanh, nạp béo lipid và đạm protein, lăn cho ra mồ hôi là khỏi ghép tủy”.
Trong phần bài đăng của mình, T.Đ.C còn để lại hướng dẫn cụ thể về cách pha chế “thuốc” để chữa bệnh ung thư. Tài khoản này cho biết nếu không có nước mía thì có thể dùng đường mía thô thay thế.
“Không có nước mía thì pha 30 – 80 thìa cà phê đường mía thô vào nước vắt chanh uống như nước giải khát. Uống hết trong ngày. Nhớ là không được lười. Phải tập thể dục, phải lăn như em bé cho máu trải đều ra là khỏi bệnh thôi”, T.Đ.C. viết.
Bài đăng này đã thu hút hơn hàng ngàn lượt thích và rất nhiều người để lại bình luận xem đây là phương pháp hữu ích sẽ áp dụng làm theo.
Trước thông tin này bác sĩ CKI Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc uống nước mía vắt chanh mỗi ngày để thanh lọc tủy hay chữa ung thư là không có bằng chứng khoa học chứng minh. Những thông tin này từ mạng xã hội thường không đáng tin cậy, vì không có nghiên cứu chính thống nào cho thấy nước mía có khả năng “thanh lọc tủy” hoặc “chữa ung thư”.
Uống nước mía vắt chanh chữa khỏi ung thư là hoang đường người dân không nên tin tưởng. Ảnh minh họa
Ung thư là một bệnh lý phức tạp, cần được điều trị bằng các phương pháp y khoa được kiểm chứng. Việc áp dụng các chế độ ăn uống không hợp lý có thể gây hại cho người bệnh ung thư. Nước mía chứa nhiều đường tự nhiên, 70-80% là nước, còn lại là các dưỡng chất như vitamin B, C và các khoáng chất như sắt, kali, canxi.
Do đó, uống nước mía đôi khi có thể tốt trong những trường hợp cần năng lượng nhanh như trước tập luyện thể thao, người bệnh ăn uống kém cần thêm chất dinh dưỡng qua đường ăn uống, nhưng không nên uống hằng ngày, đặc biệt là với những người có nguy cơ hoặc mắc bệnh tiểu đường. Khi uống quá nhiều nước mía mỗi ngày có thể dẫn tới việc dư thừa năng lượng nhưng lại thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác như đạm và chất béo.
Bác sĩ Hà Hải Nam- Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cũng cho rằng, uống nước mía vắt chanh chữa ung thư là phương pháp hoang đường, mê tín. Không có bất kỳ bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào khẳng định chỉ uống nước mà chữa ung thư, thậm chí là khối u lành tính.
Đối với bệnh nhân ung thư tủy, bác sĩ điều trị bằng nhiều biện pháp kết hợp như miễn dịch, ghép tủy, thuốc đích… Uống nước mía vắt chanh không thể đào thải khối u hay thay máu, giúp khỏi bệnh. Bác sĩ cũng chưa gặp người chữa khỏi ung thư chỉ nhờ uống nước. Nhóm trẻ em, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh tiêu hóa cần cẩn trọng.
Ngoài ra, nước mía rất ngọt, một ly nước mía (240 ml) cung cấp khoảng 50 g đường. Kể cả người không bị ung thư, lạm dụng nước mía có thể gây đầu bụng, tiêu chảy, nguy cơ mắc tiểu đường, mỡ máu, gout. Uống hơn một lít nước mía mỗi ngày làm tăng nguy cơ béo phì, rước bệnh vào người. Chưa kể, nước mía vỉa hè có nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng nước, ảnh hưởng hệ tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc.
Trước thông tin này, PGS.TS. BS Lê Đình Roanh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư cho biết, hiện nay có vô vàn thông tin về các cách chữa ung thư chưa được nghiên cứu lan truyền khắp cõi mạng, như việc ăn kiêng, thực dưỡng…
Theo PGS.TS. BS Lê Đình Roanh, về điều trị ung thư cần phải theo y học hiện đại, điều trị theo thuốc và cập nhật phác đồ điều trị của tổ chức ung thư quốc tế đưa ra. Khi xác định đúng ung thư máu, ung thư tủy xương, các bác sĩ chuyên môn sẽ phân loại ra các thể bệnh và tùy từng loại sẽ điều trị theo phác đồ của quốc tế như hóa chất, ghép tủy…
Dưới góc độ Đông y, bà Bùi Thị Phương Hoa, Hội đông y Hà Nội cho biết, cho đến giờ phút này mọi phương thuốc cho một số bệnh nan y chưa được công bố một cách chính thống. Đến nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh nước chanh hay các sản phẩm từ chanh có thể diệt được tế bào ung thư. Do đó tôi khuyên mọi người không nên áp dụng.
Cũng theo bà Hoa nếu như người bệnh tự áp dụng theo các bài thuốc chữa bệnh lan truyền trên mạng xã hội thì bản thân họ là người phải gánh chịu hậu quả trực tiếp, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến tính mạng. Khi nhắc đến ung thư, nhiều người thường nghĩ ngay đến “án tử”, người bệnh thường có xu hướng “vái tứ phương” để tìm kiếm phương pháp điều trị hữu hiệu cho sức khỏe của chính mình. Thế nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh không nên tin theo lời lan truyền kẻo rước họa vào thân.
Đồng thời khuyên những bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính, khi thực hiện chế độ ăn uống đều cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị cũng như bác sĩ dinh dưỡng, đánh giá mức độ bệnh, thể trạng, nhu cầu để lên thực đơn. Bệnh ung thư lại càng cần một chế độ ăn khoa học, hợp lý để nâng cao thể trạng.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhieu-bac-si-canh-bao-khong-co-bang-chung-khoa-hoc-chung-minh-uong-nuoc-mia-vat-chanh-chua-duoc-ung-thu-d226219.html