Hiện nay nhiều gia đình khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường ở mắt thay vì đến gặp bác sĩ để tư vấn lại tự động đến các cửa hàng kính mắt để cắt kính cho con, việc làm này của phụ huynh là sai lầm.

Khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em tại một số trường tiểu học và trung học cơ sở năm 2020 tại Hà Nội và năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh của Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy, tại Hà Nội có 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6%, trong đó số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt trung ương, các nghiên cứu gần nhất cho thấy, tỷ lệ cận thị ở trẻ ngày càng tăng, đặc biệt ở các thành phố. Thậm chí, một lớp có trên 50% học sinh bị cận thị.

Giới khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến cận thị. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng cận thị như: Thời gian nhìn gần quá nhiều trong không gian hẹp, hạn chế chơi ngoài trời, thời gian đọc sách nhìn gần quá nhiều, sử dụng các thiết bị điện tử…


Ảnh minh họa

Hiện, nhiều gia đình thấy trẻ có biểu hiện bất thường ở mắt thay vì đến gặp bác sĩ để tư vấn lại tự động đến các cửa hàng kính mắt để cắt kính cho con, việc làm này của phụ huynh là sai lầm.

Trước hết, chúng ta cần hiểu, kính để điều trị các tật khúc xạ được gọi là kính thuốc mà kính thuốc thì chắc chắn phải được tư vấn, cắt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Với các trẻ đi khám tật khúc xạ bình thường, để ra được một độ kính kết quả chính xác ít nhất cũng phải trên một giờ đồng hồ. Có những trẻ sẽ được bác sĩ cho nhỏ thuốc để điều tiết sau 5 – 7 ngày sau mới ra được độ kính chính xác.

Với những trường hợp muốn việc cắt kính diễn ra nhanh chóng nên tìm đến các cửa hiệu không có bác sĩ nhãn khoa, chỉ đo thị lực bằng máy đo điện tử sẽ cho ra cặp kính sai số, quá số hoặc chưa tới số làm cho trẻ mất một thời gian dài sử dụng kính sai số, gây nhiều hệ luỵ nguy hiểm cho thị giác của trẻ.

Những năm gần đây có sự gia tăng nhanh về tình trạng tật khúc xạ ở trẻ em lứa tuổi học đường, đặc biệt là giai đoạn tiểu học. Nguyên nhân phần lớn do sự tiếp xúc sớm các thiết bị điện tử và hạn chế thời gian cho trẻ hoạt động ngoài trời.

Yếu tố hàng đầu hiện nay khiến tình trạng mắc các tật khúc xạ ở Việt Nam tăng nhanh là môi trường sống. Thời đại công nghệ phát triển, trẻ em được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử như laptop, máy tính bảng, tivi, điện thoại… có nguồn ánh sáng xanh cực kỳ nguy hiểm.

Bên cạnh yếu tố môi trường, yếu tố di truyền cũng rất quan trọng trong phát triển khúc xạ nhãn cầu. Các nghiên cứu yếu tố gia đình đã ước tính nguy cơ xuất hiện tật khúc xạ cao hơn nếu có anh chị em ruột bị tật khúc xạ. Con cái có bố mẹ bị cận thị có xu hướng có trục nhãn cầu dài hơn và nhiều khả năng bị cận thị trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu chớp mắt hoặc các dấu hiệu bất thường về thị lực, cha mẹ không nên tự ý đưa con đến các quầy kính thuốc để đo và cắt kính cho con mà cần đưa con đi gặp bác sĩ nhãn khoa, đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Để phòng các tật khúc xạ ở trẻ, PGS.TS Phạm Ngọc Đông khuyến cáo, cha mẹ cần tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, với không gian mở và hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có màn hình như: Điện thoại, máy tính, tivi… Đặc biệt là phải điều tiết thời gian sử dụng máy tính, điện thoại… của trẻ.

Bên cạnh đó cần tuân thủ nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 feet (khoảng 6m).

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/phu-huynh-khong-nen-tu-y-dua-tre-di-cat-kinh-d226151.html