Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Ireland và Canada, có rất nhiều loại nước quen thuộc có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ nếu uống đủ lượng.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí về đột quỵ International Journal of Stroke của các nghiên cứu toàn cầu do Đại học Galway (Ireland) đồng dẫn đầu, hợp tác với Đại học McMaster Canada và mạng lưới các nhà nghiên cứu về đột quỵ quốc tế đã phân tích dự án nghiên cứu về đột quỵ
Đây là một nghiên cứu quốc tế lớn nhằm mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích về cách giảm nguy cơ đột quỵ. Cụ thể bao gồm 2 nghiên cứu: Một nghiên cứu xem xét tác động của nước ngọt có ga, nước ép trái cây và nước lọc đối với nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu thứ hai phân tích tác động của việc tiêu thụ trà và cà phê đối với nguy cơ này.
Cả hai nghiên cứu bao gồm gần 27.000 người tham gia từ 27 quốc gia, trong đó có gần 13.500 người đã bị đột quỵ lần đầu. Kết quả đã phát hiện ảnh hưởng của các loại đồ uống đến nguy cơ đột quỵ như sau:
Đối với nước lọc nếu uống hơn 7 ly nước mỗi ngày (240 ml một ly) thực sự giúp giảm nguy cơ đột quỵ do cục máu đông. Uống trà giúp giảm 18 – 20% nguy cơ đột quỵ. Với 3 – 4 tách trà đen (240 ml một tách) mỗi ngày giảm đến 29% nguy cơ đột quỵ. Và 3 – 4 tách trà xanh mỗi ngày giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, thêm sữa vào trà có thể làm giảm hoặc ngăn chặn tác dụng có lợi của chất chống oxy hóa trong trà và làm mất tác dụng ngăn ngừa đột quỵ của trà.
Tình trạng đột quỵ gia tăng cần có cách phòng ngừa hiệu quả từ việc sử dụng các loại đồ uống hàng ngày. Ảnh minh họa
Kết quả nghiên cứu cũng phát hiện uống ít hơn 4 tách cà phê mỗi ngày không làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nước ngọt có ga và đồ uống có ga dùng đường nhân tạo hoặc không đường đều làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 22% và nguy cơ này tăng mạnh nếu uống từ 2 đồ uống trở lên mỗi ngày. Nước ép trái cây đóng chai dùng nhiều loại thức uống này làm tăng 37% nguy cơ đột quỵ.
Nhà nghiên cứu chính, giáo sư Andrew Smyth, làm việc tại Đại học Galway, cho biết, nước ép trái cây tươi có nhiều khả năng mang lại lợi ích, nước trái cây đóng chai làm từ chất cô đặc, có nhiều đường và chất bảo quản bổ sung, có thể làm mất đi những lợi ích của trái cây tươi và có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ đột quỵ tăng lên khi uống đồ uống có ga thường xuyên hơn.
Giáo sư Smyth lưu ý mọi người tránh hoặc hạn chế tiêu thụ đồ uống có ga và nước trái cây đóng chai và cân nhắc chuyển sang uống nước lọc thay thế.
Trong diễn biến liên quan tới tình trạng đột quỵ, theo báo cáo, tỷ lệ mắc đột quỵ ngày càng gia tăng ở người trẻ và trung niên trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ được dự đoán sẽ tăng 50%, từ 6,6 ca năm 2020 lên 9,7 triệu ca đến năm 2050, với số năm sống điều chỉnh theo tình trạng khuyết tật tăng từ 144,8 lên 189,3 triệu trong cùng thời kỳ. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới. Gánh nặng tàn tật sau đột quỵ cũng rất lớn và đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình so với các nước thu nhập cao.
Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn
Trên thế giới, hiện nay các quốc gia cũng xây dựng các tiêu chuẩn cho các loại đồ uống không cồn khác nhau. Ví dụ: Australia và New Zealand có tiêu chuẩn riêng cho nước giải khát như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải; Trung Quốc có tiêu chuẩn riêng cho nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước quả, và các loại nước giải khát như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước uống chứa nước quả, nước uống chứa chè, nước uống chứa cà phê…
Tuy nhiên, các sản phẩm đồ uống không cồn là nhóm đối tượng quy chuẩn tương đồng, vì vậy trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam hiện nay chỉ có QCVN 6-2:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn, quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (kim loại nặng; độc tố vi nấm; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; vi sinh vật) và các yêu cầu quản lý đối với đồ uống không cồn, bao gồm nước rau quả, nectar rau quả và đồ uống pha chế sẵn không cồn (nước giải khát). QCVN 6-2:2010/BYT chỉ quy định các nội dung về an toàn thực phẩm, không quy định các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN) hiện nay đối với sản phẩm đồ uống không cồn đã có các TCVN về: Nước uống đóng chai [TCVN 6096:2010 (CODEX STAN 227-2001)]; Nước khoáng thiên nhiên [TCVN 6213:2010 (CODEX STAN 108-1981, Rev.2-2008)]; Nước rau quả [TCVN 7946:2008 (CODEX STAN 247-2005)]; Sữa đậu nành (TCVN 12443:2018); Nước giải khát (TCVN 12828:2019) .
TCVN 12828:2019 nước giải khát thay thế cho TCVN 7041:2009 đồ uống không cồn – Quy định kỹ thuật. TCVN 12828:2019 nước giải khát đã được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ công bố theo Quyết định số 4059/QĐ-BKHCN để thay thế cho TCVN 7041:2009.
Tiêu chuẩn TCVN 12828:2019 nước giải khát được áp dụng cho nhóm sản phẩm nước giải khát có mặt trên thị trường, như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải và các đồ uống đặc biệt khác, nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc.
TCVN 12828:2019 nước giải khát quy định các chỉ tiêu chất lượng, như yêu cầu nguyên liệu, yêu cầu cảm quan, yêu cầu lý hóa, yêu cầu về phụ gia thực phẩm, yêu cầu về an toàn thực phẩm (giới hạn về kim loại nặng, giới hạn về vi sinh vật) cũng như cập nhật các phương pháp thử hiện hành, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.
Ngoài ra, TCVN 12828:2019 nước giải khát cũng nêu định nghĩa chi tiết về một số nhóm sản phẩm nước giải khát có mặt trên thị trường, như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước giải khát chứa nước trái cây, nước giải khát có chứa chè… để giúp cho việc ghi nhãn sản phẩm được chính xác.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/phat-hien-moi-ve-mot-so-loai-nuoc-uong-quen-thuoc-giup-giam-dang-ke-nguy-co-dot-quy-d226018.html