Theo các chuyên gia, có rất nhiều loại rau thủy sinh quen thuộc như rau cần, rau cải xoong… chứa ấu trùng sán gây bệnh. Đặc biệt các loại rau này được phát triển ở nguồn nước ô nhiễm.

Các chuyên gia Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sán lá ruột là loại sán nhỏ ký sinh trong ruột người và một số loại gia súc, đặc biệt là lợn. Sán lá ruột ký sinh trong ruột lợn và đẻ trứng. Trứng sán theo phân ra ngoài làm nhiễm bẩn các nguồn nước.

Sau một thời gian, ấu trùng hình thành, phát triển trong trứng và phá vỡ vỏ trứng ra ngoài tìm ốc để ký sinh. Sau khi ký sinh vào ốc, ấu trùng tiếp tục phát triển thành ấu trùng có đuôi. Lúc này chúng lại bỏ ốc, sống bám vào một số cây thủy sinh như bèo, ngó sen, củ niễng… và các thực vật mọc dưới nước. Con người khi ăn phải các loại rau củ thủy sinh đã bị nhiễm sán này có thể dẫn đến bệnh sán lá ruột. Các loại rau thường chứa nhiều ấu trùng sán gồm:

Rau muống nước

Rau muống nước ăn giòn, ngọt và đậm hơn rau muống cạn. Chính vì thế, loại rau thủy sinh này được người Việt ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, rau muống khi trồng dưới nước bẩn chứa rất nhiều giun sán. Bên cạnh đó, không ít trường hợp người trồng rau sử dụng hóa chất kích thích cây tăng trưởng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Rau muống nước có nguy cơ nhiễm giun sán nên cẩn trọng khi sử dụng. Ảnh minh họa

Rau cải xoong

Rau cải xoong được biết là loại rau có hàm lượng vitamin, canxi, iod cao. Loại rau này có nhiều công dụng trong việc phòng và trị các bệnh về tim mạch, chống lão hóa, bướu cổ, tẩy độc, lợi tiểu. Ngoài ra, vì có nhiều chất xơ, rau cải xoong có tác dụng tốt với dạ dày, thông gan mật và góp phần làm giảm bệnh ứ máu….Tuy nhiên, rau cải xoong có thể là “ổ chứa” giun sán nếu ở trong môi trường nước bị ô nhiễm nặng.

Rau cần

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu – Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), Rau cần gồm có hai loại là rau cần cạn trồng ở ruộng và rau cần nước được trồng ở các ao, vùng nước nông. Loại cần trồng dưới nước thường chứa nhiều giun sán hơn loại cần trồng trên cạn. Khi ăn sống rau cần có nhiễm ấu trùng sán, nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Trong môi trường tự nhiên, ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan lớn có thể bám vào rau thủy sinh. Do đó, người dân thường xuyên ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín kỹ như rau cần có thể khiến đưa sán lá gan lớn vào người.

Ngó sen

Ngó sen là một món ăn bổ dưỡng vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, canxi, photpho, sắt, vitamin C… Tuy nhiên, mọi người tuyệt đối không ăn ngó sen sống do chúng phát triển trong bùn, dưới đáy các hồ ao, đầm, đây là những nơi chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Ngoài những bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa, ngó sen còn là nơi trú ẩn của nhiều ấu trùng sán lá ruột.

Thông tin thêm về việc ăn rau thủy sinh nhiễm ấu trùng sán, Bệnh viện Medlatec cho biết, người bị nhiễm bệnh sán thường có thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong,…), ăn các đồ chưa nấu chính như gỏi, tiết canh, hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. Từ đó, sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan tạo nên các ổ áp-xe gan.

Với thói quen ăn đồ tái, ăn kèm rau sống của người dân Việt Nam đã làm gia tăng số người nhiễm sán lá gan lớn. Vì vậy, để phòng bệnh, không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống. Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước. Định kỳ tẩy giun sán 6 tháng 1 lần.

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Đề – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cảnh báo, nhiều bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nên các thể bệnh hết sức nặng nề như bệnh giun xoắn có thể tử vong và gây thành dịch, bệnh ấu trùng sán lợn gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt, bệnh sán lá gan nhỏ gây xơ gan, ung thư gan, sán lá gan lớn gây u gan… Đặc biệt nếu người dân ăn rau sống, đặc biệt là rau cần sống không đảm bảo trong quá trình nuôi trồng, sử dụng phân tươi hay dùng nguồn nước ô nhiễm để phun tưới hoặc không được chế biến cẩn thận, thì món ăn này có thể là nguy cơ lây nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau quả tươi theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12827:2023

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12827:2023 truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc và mô hình chuỗi cung ứng rau quả tươi nêu trong tiêu chuẩn này là mô hình ứng dụng hệ thống GS1 để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo tiêu chuẩn hướng dẫn, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng rau quả tươi phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định trong TCVN 12850:2019 truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc (gọi tắt TCVN 12850). Tất cả vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc phải được định danh của TCVN 12850 và thông tin này được chia sẻ cho tất cả các đối tác chịu ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng.

Tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng phải kết nối có hệ thống dòng sản phẩm với dòng thông tin về sản phẩm. Mã định danh vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc phải được truyền đạt trên các tài liệu thương mại có liên quan.

Mỗi đối tác truy xuất nguồn gốc (cơ sở sản xuất, kinh doanh) phải có khả năng định danh nguồn trực tiếp (nhà cung cấp) và bên tiếp nhận trực tiếp (khách hàng) của các vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc. Đây là nguyên tắc “một bước trước – một bước sau”. Điều này yêu cầu các đối tác trong chuỗi cung ứng thu thập, ghi lại/lưu giữ và chia sẻ những phần thông tin tối thiểu để truy xuất nguồn gốc.

Tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cần thực hiện truy xuất nguồn gốc nội bộ và truy xuất nguồn gốc bên ngoài (việc truy xuất nguồn gốc nội bộ phải đảm bảo duy trì được mối liên kết cần thiết giữa đầu vào và đầu ra). Mọi tài sản (ví dụ: pa-let có thể quay vòng) cần truy xuất ngược hoặc truy xuất xuôi phải được định danh đơn nhất.

Nhãn thể hiện mã định danh vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc phải ở trên bao gói cho đến khi thương phẩm đó được tiêu dùng hoặc tiêu hủy (bởi đối tác thương mại tiếp theo). Nguyên tắc này áp dụng khi vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc là một phần của hệ thống phân cấp đóng gói lớn hơn.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-ra-nhung-loai-rau-thuy-sinh-co-the-la-o-chua-giun-san-d225861.html