Bổ sung Collagen là thói quen tốt cho làn da và sức khỏe, tuy nhiên nhiều người sử dụng thường bị nổi mụn. Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như dùng sai cách, bổ sung sản phẩm kém chất lượng…

Bác sĩ Thanh Tuấn- Bệnh viện Medlatec cho biết, sở dĩ nhiều người chọn bổ sung Collagen dạng nước để uống vì đây là dạng được đánh giá có hiệu quả cao nhất, khi đi vào cơ thể dễ hấp thụ và thẩm thấu để cải thiện mạng lưới cấu trúc Collagen. Các loại Collagen dạng bột và viên uống cần nhiều thời gian hòa tan và phân cắt hơn nên hiệu quả thường thấp.

Do Collagen sở hữu nhiều công dụng nên không ít chị em phụ nữ đã lựa chọn các sản phẩm bổ sung Collagen đang được bán trên thị trường. Tuy nhiên, một số người uống Collagen bị nổi mụn do nhiều nguyên nhân.

Sử dụng sai cách: Mỗi ngày cơ thể chỉ có khả năng hấp thụ khoảng 3000 – 5000mg collagen. Bổ sung quá nhiều gây dư thừa Collagen trong cơ thể và không được đào thải kịp có thể gây nổi mụn, phát ban do nóng trong. Uống Collagen bị nổi mụn có thể do bổ sung không đúng cách, không đúng liều lượng

Chọn loại Collagen không phù hợp: Có nhiều loại Collagen với chức năng khác nhau trong đó loại 1 và 3 là có nhiều nhất ở gân và da; loại số 2, 4 và 5 lại có nhiều ở cơ bắp, sụn và xương; loại số 6 có nhiều ở màng tế bào. Nếu lựa chọn sai loại Collagen và uống sai cách có thể gây ra tình trạng nổi mụn. Để không rơi vào tình huống này tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được loại Collagen phù hợp với mục đích sử dụng.


Có rất nhiều nguyên nhân khiến da bị mụn khi bổ sung Collagen. (Ảnh minh họa)

Hệ tiêu hóa nhạy cảm: Một số người uống Collagen bị nổi mụn là do cơ địa nhạy cảm với thành phần có trong sản phẩm này. Đặc biệt, có trường hợp bị phát ban, nổi mề đay, dị ứng sau khi uống Collagen. Ngoài ra, cũng có trường hợp uống Collagen bị nổi mụn và gặp các vấn đề về dạ dày. Muốn phòng tránh tình trạng này, khi bắt đầu uống Collagen hãy dùng liều thấp để thử phản ứng của hệ tiêu hóa sau đó hãy dùng với liều được khuyến cáo.

Mua sản phẩm kém chất lượng: Thị trường hiện có nhiều dòng sản phẩm Collagen đến từ nhiều nhà sản xuất trong đó không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng. Để tránh rơi vào trường hợp uống Collagen bị nổi mụn thì trước khi mua nên tìm hiểu cẩn thận và chọn được đúng địa chỉ bán hàng uy tín.

Tăng cường sản xuất dầu: Do Collagen có khả năng kích thích sản xuất dầu nên nếu người có làn da dầu thì việc bổ sung Collagen có thể là nguyên nhân dẫn đến nổi mụn.

Tương tác giữa các thành phần trong Collagen: Các sản phẩm Collagen bổ sung đường uống thường có thêm một số thành phần khác với công dụng điều hòa nội tiết tố, cải thiện sức khỏe,… Những thành phần này có thể gây tương tác với nhau tạo nên phản ứng dị ứng bằng kết quả nổi mụn trên da.

Trong trường hợp uống Collagen bị nổi mụn cần tìm hiểu kỹ và chọn đúng loại Collagen cần bổ sung để tránh bị nổi mụn và đạt được hiệu quả sử dụng tốt nhất.

Cần điều chỉnh lại lượng Collagen cần uống. Nếu uống Collagen quá nhiều, vượt ngưỡng hấp thụ của cơ thể không những không đạt hiệu quả mà còn dễ gây nóng trong. Vì thế, cần bổ sung Collagen với liều lượng phù hợp nhất để đạt được mục đích sử dụng. Với trường hợp cần bổ sung Collagen cho xương khớp, da, tóc, móng thì nên dùng tối thiểu 3000mg/ngày và không vượt ngưỡng 5000mg/ ngày.

Để tránh gặp phải hiện tượng uống Collagen bị nổi mụn cần thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn theo hướng tăng cường trái cây và rau xanh để cơ thể được cung cấp thêm vitamin và khoáng chất. Uống nhiều nước mỗi ngày để thải độc và thanh lọc cơ thể. Giảm thiểu đồ ăn giàu đường, tinh bột, đồ cay nóng. Dành thời gian 30 phút/ngày tập thể dục.

Sau khi trang điểm cần vệ sinh da thật sạch để tránh gây tắc lỗ chân lông dẫn đến nổi mụn trên da. Tăng cường thực phẩm tự nhiên giàu Collagen vào chế độ ăn như: đậu nành, cá hồi,… Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để cơ thể sản sinh Collagen tốt hơn như: cà chua, cam, việt quất,…

Nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa để chọn dùng đúng loại Collagen phù hợp với cơ thể và chọn mua sản phẩm uy tín với sự rõ ràng về xuất xứ, thành phần và hàm lượng.

Ngoài những chú ý giúp tránh tình trạng uống Collagen bị nổi mụn như trên, để phát huy tốt nhất công dụng của việc bổ sung này tốt nhất nên uống Collagen vào buổi tối. Đây là thời điểm cơ thể có thời gian nhiều nhất cho việc chuyển hoá và tái tạo Collagen nên hãy bổ sung vào thời điểm trước khi đi ngủ khoảng 1 giờ.

Ngoài ra, khi bổ sung Collagen cần tránh một số loại thực phẩm tiêu thụ cùng lúc như thực phẩm nhiều đường do chúng có thể cản trở hiệu quả sản phẩm. Khi ăn thực phẩm chứa nhiều đường, đường sẽ tương tác với protein để tạo thành các sản phẩm cuối của quá trình glycosyl hóa. Quá trình này tạo ra các enzyme có thể làm suy yếu, phá vỡ các sợi collagen và elastin khiến da bị lão hóa nhanh, làm trầm trọng thêm các tình trạng da như mụn trứng cá… Thực phẩm nhiều đường cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hấp thụ collagen. Không chỉ vậy, lượng đường cao còn cản trở quá trình sản xuất collagen mới. Quá nhiều đường dễ dẫn đến việc cơ thể không sử dụng đủ vitamin C.

Caffeine là chất kích thích hệ thần kinh trung ương, nó kích thích cơ thể giải phóng các hormone gây căng thẳng như adrenaline, từ đó làm tăng nhịp tim và huyết áp, tạo ra tác dụng sảng khoái. Tuy nhiên, quá trình sinh lý như vậy có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình tổng hợp collagen. Hormon căng thẳng quá mức làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, đây là tác nhân chính gây ra sự phân hủy collagen. Ngoài ra, hút thuốc và tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời cũng làm giảm sản xuất collagen, khiến collagen bị phân hủy nhanh hơn.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20-1:2024/BYT giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Quy chuẩn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 12/2024/TT-BYT ngày 18 tháng 7 năm 2024. Quy chuẩn kỹ thuật này quy định giới hạn tối đa các chất ô nhiễm (kim loại nặng và vi sinh vật); lấy mẫu và phương pháp thử; yêu cầu quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với sản phẩm rượu bổ được công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó yêu cầu về giới hạn tối đa kim loại nặng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quy định về asen là 5,0 và 1,5 mg/L; cadmi là 3,0 và 1,0mg/L; chì là 10,0mg/L; thủy ngân là 0,5mg/L. Việc ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố sản phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025 theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Hồ sơ, trình tự đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-chi-ra-nhieu-nguyen-nhan-khien-da-bi-mun-khi-bo-sung-collagen-d225532.html