Theo các bác sĩ, thói quen sinh hoạt và tiếp xúc với môi trường sống, hóa chất độc hại hàng ngày điển hình là các hóa chất phthalates, triclosan, bisphenol A có thể gây rối loạn nội tiết tố.

Thông tin về các dấu hiệu Bác sĩ Trương Quang Hải – chuyên gia sản phụ khoa, Đại học Y Hà Nội cho biết, mất cân bằng nội tiết là tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít một hoặc nhiều loại hormone. Khi tình trạng này diễn ra, chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhiều cơ quan, tăng nguy cơ mắc bệnh buồng trứng đa nang, suy giáp, cường giáp…Thậm chí khi nội tiết tố thấp khiến chị em thường xuyên bốc hỏa, cáu gắt, đổ mồ hôi, mất ngủ, da khô, sạm nám, đau mỏi lưng, tính khí nóng, ngực xệ…

Nồng độ hormone nội tiết có thể mất cân bằng do nhiều yếu tố như căng thẳng, thay đổi nội tiết tố khi dậy thì, mang thai, mãn kinh, mắc bệnh ung thư, tuyến giáp. Thói quen sinh hoạt và tiếp xúc với môi trường sống, hóa chất độc hại cũng tác động đến nồng độ hormone.

Thực tế, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn – Giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội nội tiết và IPEN có gần 85.000 hóa chất tồn tại, trong đó có khoảng 1.000 chất gây rối loạn nội tiết. Có 144 hóa chất, nhóm hóa chất có trong nhựa có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người được sử dụng thường xuyên từ hoạt tính kháng khuẩn đến chất tạo màu, chất chống cháy, dung môi, chất ổn định tia cực tím và chất làm dẻo.

Sự tiếp xúc với các hóa chất này có thể xảy ra từ quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa đến tiếp xúc với người tiêu dùng, tái chế, quản lý và xử lý chất thải. Chúng được tìm thấy trong nhiều sản phẩm hằng ngày, thông qua tiếp xúc da, không khí, nước và chế độ ăn uống. Khi được cơ thể hấp thu, những hóa chất này có thể làm giảm hoặc tăng nồng độ hormone bình thường trong máu bằng cách cản trở quá trình sản xuất hormone tự nhiên, phân bố, lưu trữ và phân hủy các hormone trong cơ thể.

Nhiều loại hóa chất tồn tại trong thực phẩm, đồ dùng hàng ngày gây rối loạn nội tiết. Ảnh minh họa

Một số loại có cấu trúc tương tự, bắt chước tác dụng hormone tự nhiên hoặc thay đổi mức độ nhạy cảm của cơ thể với các hormone khác nhau. Từ đó, làm giảm khả năng sinh sản, suy giảm nhận thức, tăng nguy cơ béo phì, dậy thì sớm và các bệnh rối loạn chuyển hóa… Theo đó, một số loại hóa chất tiềm ẩn trong các vật dụng hằng ngày có khả năng gây rối loạn nội tiết ở cả nam và nữ giới gồm:

Phthalates: Hợp chất được sử dụng làm chất hóa dẻo dạng lỏng, thường được tìm thấy trong bao bì thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân như sơn móng tay, keo xịt tóc, sữa rửa mặt, dầu gội, son môi, nước hoa, kem dưỡng da…

Chất này có tác dụng ổn định hương thơm, tăng khả năng lan tỏa và hấp thụ, giúp các sản phẩm nhựa, màng nhựa, bao bì bền, dẻo, khó vỡ hơn. Song, tiếp xúc thường xuyên có thể làm giảm nồng độ testosterone và estrogen, cản trở hoạt động của hormone tuyến giáp, gây ảnh hưởng chức năng tuyến giáp…

Triclosan: Là hóa chất có đặc tính kháng khuẩn giúp ngăn ngừa hoặc dừng sự phát triển của vi khuẩn. Chất này có thể tìm thấy trong sữa tắm dạng lỏng, sữa rửa mặt, xà phòng, nước súc miệng, nước rửa tay, kem cạo râu, dung dịch xịt khử mùi cơ thể, thảm trải sàn, đồ chơi trẻ em, đồ dùng nhà bếp. Nếu tiếp xúc thường xuyên với triclosan lượng lớn có thể làm giảm một số hormone tuyến giáp, dẫn đến rối loạn nội tiết. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ kích ứng da, dị ứng, xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Bisphenol A (BPA): Là chất được giải phóng từ các loại hộp, cốc nhựa, đồ chơi, bao bì thực phẩm, thiết bị điện tử, đường ống dùng để cung cấp nước uống. Tiếp xúc với BPA có liên quan đến việc tăng đề kháng insulin, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, ảnh hưởng hệ miễn dịch, nguy cơ dị ứng.

Các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) trong chảo chống dính, quần áo chống thấm nước, bọt chữa cháy và một số bao bì thực phẩm… có thể phá vỡ các hormone như estrogen và testosterone, làm suy yếu chức năng của hormone tuyến giáp. Từ đó, chúng ảnh hưởng chức năng sinh sản, thay đổi phản ứng miễn dịch và giảm phản ứng với vaccine… Hóa chất này thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” vì chúng khó bị phân hủy, thường tích tụ dần theo thời gian. Ngay cả khi dừng sử dụng hoàn toàn, chúng vẫn có khả năng tiếp tục hiện diện trong môi trường trong nhiều năm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hồng, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, rất khó tránh hoàn toàn được việc tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, mọi người nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi thay vì thực phẩm đóng hộp.

Các loại hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân nên chọn sản phẩm có nguyên liệu tự nhiên, giảm sử dụng cốc, bát, đũa, hộp thức ăn nhựa, xốp, nhất là khi đựng thực phẩm, đồ uống nóng. Không nên đựng thức ăn bằng đồ nhựa khi hâm nóng bằng lò vi sóng.

Lựa chọn những sản phẩm không chứa BPA và Phthalates, tránh các hộp nhựa có nhãn mã tái chế 3 (chứa PVC) và 7 (chứa BPA). Thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với sức khỏe như gỗ, gốm sứ, thủy tinh chịu nhiệt… Không sử dụng đồ dùng nấu ăn có lớp chống dính bị bong tróc. Ưu tiên dùng các loại nồi, chảo gang, inox có lớp chống dính tự nhiên.

Uống nước máy đã được lọc, đảm bảo lưu thông gió trong nhà và duy trì thói quen vệ sinh không gian sống thường xuyên để hạn chế tiếp xúc phthalates trong không khí và trong hạt bụi.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/co-khoang-1000-hoa-chat-gay-roi-loan-noi-tiet-duoc-tim-thay-trong-nhieu-san-pham-hang-ngay-d225449.html