Theo các bác sĩ, lạm dụng rượu không chỉ gây trầm cảm lo âu mà còn làm suy giảm nhận thức và nhiều tác hại tới sức khỏe tâm thần khác.
Trong quý I năm 2024, Khoa Tâm thần – Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận điều trị gần 100 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu.
Bệnh nhân chủ yếu là nam giới đang trong độ tuổi lao động và cư trú tại các vùng nông thôn. Đa số bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác, đánh người, gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh…
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân H.V.T. (43 tuổi) vào viện trong tình trạng mê sảng, rối loạn cảm xúc, ảo giác, co giật… Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu và chỉ định điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Bệnh nhân thường xuyên uống rượu, đã nhiều lần chỉ uống rượu, chứ không ăn, không ngủ và bị lên cơn co giật, mê sảng. Mỗi lần gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện đều điều trị khỏi nhưng khi về nhà lại tiếp tục uống rượu. Đây là lần thứ 3 bệnh nhân vào viện điều trị do rối loạn tâm thần từ lạm dụng rượu”.
Bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà, Phó Trưởng Khoa Tâm thần – Thần kinh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 1-2 bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu. Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày…
Số bệnh nhân nhập viện do rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng do uống nhiều rượu. Ảnh minh họa
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới… Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người lạm dụng rượu. Biểu hiện này cũng được gọi là “Trạng thái cai rượu”. Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 – 48 giờ với triệu chứng nổi bật là rối loạn ý thức kiểu mê sảng và các rối loạn về thần kinh, bệnh nhân có thể xuất hiện những cơn co giật kiểu động kinh.
Tại tỉnh Cao Bằng, thời gian gần đây, Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận nhiều bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng rượu. Phần lớn bệnh nhân đến khám và điều trị với các biểu hiện như lo âu lan toả, tăng cảm xúc, tăng tính kích thích, rối loạn trí nhớ hoặc các biểu hiện hoang tưởng bị hại, ghen tuông, tự cao, nghi bệnh hay có các ảo giác về âm thanh, về mùi vị ảo khứu …Một số ít bệnh nhân nhập viện cùng với các biểu hiện rối loạn tâm thần còn kèm theo các biểu hiện sảng rượu trên bệnh nền về tim mạch, sơ gan, tai biến mạch máu não…
Tại tỉnh Tuyên Quang, theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm bệnh viện khám và tiếp nhận điều trị cho trên 500 bệnh nhân bị loạn thần do rượu. Nhiều trường hợp nghiện rượu gây ra ảo giác, với các biểu hiện như chửi rủa, cảm giác lo âu, ảo giác chi phối hoạt động của bệnh nhân. Nhiều trường hợp loạn thần do rượu có những hành vi gây tổn hại đến bản thân và cộng đồng.. Đây là một rối loạn tâm thần thứ phát, trong đó sự tiếp xúc với đời sống thực tế bị tổn hại do hoang tưởng và ảo giác, xảy ra trong các điều kiện liên quan đến rượu như nhiễm độc cấp tính, ngộ độc rượu, hoặc khi có sự giảm đáng kể việc tiêu thụ rượu.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, nước ta là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu. Có tới 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần hai lần mức trung bình. Nguy hại hơn, trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông thì có gần 67% người điều khiển giao thông có nồng độ cồn cao vượt mức quy định trong máu.
Rượu gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần thế nào?
Theo ThS.BS. Chu Văn Điểu, Bệnh viện Bạch Mai, rượu là chất ức chế, làm đình trệ và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi lạm dụng rượu bia, các chức năng của não như sự phán đoán, tính tự chủ, ý thức về đạo đức hoàn toàn bị ức chế. Khi đó người uống rượu sẽ trở nên bê tha, nói năng huênh hoang, nói nhiều, không thận trọng trong cử chỉ và lời nói, không biết đúng sai và xấu hổ. Họ sẽ hành động mà người bình thường có lòng tự trọng không cho phép mình làm. Rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình. Từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường như bất cẩn trong giao thông, liều lĩnh không kiềm chế trước các tình huống nguy hiểm gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc, đánh đập, chém giết…
Trong chức năng hoạt động của bộ não con người có rất nhiều chức năng khác nhau đó là: trí nhớ, tư duy, tri giác, cảm xúc, hành vi… Một người thường xuyên uống rượu, nghiện rượu, lạm dụng rượu sẽ dẫn tới bị suy giảm và rối loạn các chức năng hoạt động của não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn tư duy, rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi tác phong… Bệnh nhân loạn thần do rượu bị rối loạn tư duy sinh ra các hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại… Rối loạn tri giác sinh ra có ảo thị, ảo xúc (rối loạn cảm giác trên da). Rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc hưng cảm, hung giữ không thể kiềm chế, đánh vợ con. Người bệnh mất kiểm soát hành vi dễ gây gổ với mọi người xung quoanh, hành hung đánh đập vợ con thường xuyên, tạo ra những vấn nạn bạo hành trong gia đình.
Một điều rất rõ ràng là rượu đã tác động xấu đến hoạt động cảm xúc và hành vi của người uống rượu. Khi người uống rượu trong trạng thái say, ở giai đoạn đầu của say rượu là giai đoạn hưng phấn cảm xúc. Họ nói nhiều, nói luyên thuyên một chủ đề không thể ngăn cản. Nếu ai đó chọc tức hoặc ngăn cản họ dễ nổi khùng, sinh ra chửi nhau, đánh lộn và rất rễ gây ra án mạng vì hành vi thiếu kiểm soát. Đã có rất nhiều vụ việc gây ra trên bàn nhậu, chỉ cần một lời thách đố hay khích bác cũng dẫn đến ẩu đả gây thương tích hoặc án mạng nặng nề. Chúng ta đã chứng kiến bao cảnh bạo lực gia đình khi có ông chồng nghiện rượu, nát rượu mà vợ con liên tục phải chịu những trận đòn roi tàn bạo.
Giai đoạn tiếp theo của say rượu là giai đoạn hưng phấn, người uống tiếp tục uống tăng tửu lượng sẽ dẫn đến giai đoạn ức chế. Người uống say mềm, nằm một chỗ, không nói năng, thậm chí có người dẫn đến tình trạng sảng rượu.
Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), rượu ảnh hưởng đến phần não phụ trách khả năng kiểm soát của chúng ta. Do đó, rượu có thể giúp người uống cảm thấy thư giãn và bớt lo lắng. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ là tạm thời và nhanh chóng biến mất. Sau đó, những tác hại sẽ xuất hiện.
Uống nhiều rượu không chỉ ảnh hưởng lớn đến thể chất mà còn gây nhiều bất lợi cho sức khỏe tâm thần. Sau giai đoạn cảm thấy thư giãn nhờ rượu, người uống có thể rơi vào trạng thái cảm thấy mọi thứ tiêu cực hơn, dễ tức giận hoặc lo lắng hơn. Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Rượu ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng như serotonin và dopamine, từ đó làm thay đổi tính chất hóa học của não.
Uống nhiều rượu trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng nhận thức, trong đó có khả năng ghi nhớ, tập trung chú ý và ra quyết định. Sự suy yếu này là do tác động gây ngộ độc thần kinh của rượu lên não, gây ra các tình trạng như mất trí nhớ liên quan đến rượu và hội chứng Wernicke – Korsakoff. Hội chứng đặc trưng với các triệu chứng như mê sảng, rung giật nhãn cầu, khó đi lại, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp và một số triệu chứng khác.
Uống nhiều rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn tâm thần như rối loạn lượng cực và tâm thần phân liệt. Vì trong rượu có một số chất có thể kích hoạt các giai đoạn loạn thần và góp phần làm trầm trọng thêm các rối loạn.
Dù ban đầu rượu có thể giúp chúng ta buồn ngủ nhưng đổi lại cũng có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ. Hệ quả là làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây thiếu ngủ mạn tính. Thiếu ngủ sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Uống rượu quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi như hung hăng, bốc đồng và xa lánh xã hội. Những hành vi này sẽ gây căng thẳng cho các mối quan hệ xung quanh, giảm liên kết xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Để kiểm soát việc uống rượu, mọi người cần thiết lập một giới hạn rõ ràng khi uống và cần tuân thủ nó. Nếu bạn cảm thấy khó kiểm soát việc uống rượu thì hãy tìm đến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được hỗ trợ.
Nhiều người uống rượu như là cách để kiểm soát căng thẳng hay cảm xúc. Thay vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo hãy chọn các cơ chế ứng phó lành mạnh hơn, chẳng hạn như tập thể dục, thiền hay tham gia các hoạt động mình yêu thích, theo Healthline.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/suc-khoe-tam-than-anh-huong-nghiem-trong-khi-uong-nhieu-ruou-d222211.html