Nhựa là nguồn gây ô nhiễm và thường chứa một số chất độc hại nhưng từ lâu nhựa lại được sử dụng để đóng gói thực phẩm. Điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.
Nhựa đựng thực phẩm đều có nguy cơ gây độc hại tiềm tàng
Nhựa là nguồn gây ô nhiễm và thường chứa một số chất độc hại nhưng lại được sử dụng để đóng gói thực phẩm. Trong đó, vấn đề được quan tâm hiện nay là việc sử dụng nhựa trong hai điều kiện khắc nghiệt, một là nhiệt độ thấp trong tủ lạnh và hai là bữa sáng ở nhiệt độ cao trong túi nhựa – có gây nguy hiểm không? Một số người cho rằng việc thường xuyên xử lý thực phẩm theo cách này là tương tự rước họa vào thân.
Trên thực tế, hai tình huống sử dụng nhựa này rất phổ biến. Khi mua thực phẩm, một số người có thói quen cho thẳng vào tủ lạnh cùng với túi đóng gói thay vì bỏ ra. Hoặc trường hợp khác, đồ ăn buổi sáng nóng có thể được người bán đựng vào túi nilon. Như vậy, thói quen sinh hoạt hàng ngày vô tình khiến người tiêu dùng nuốt luôn cả những hạt vi nhựa vào bụng.
Gần như tất cả các loại nhựa đều chứa các hóa chất độc hại tiềm tàng, như một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường tiết lộ. Nghiên cứu đã lấy mẫu 34 sản phẩm nhựa được sử dụng phổ biến nhất trên thị trường, bao gồm cả 7 loại nhựa có thị phần lớn nhất – được sử dụng phổ biến để đóng gói thực phẩm, cũng như 8 loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học.
Dùng đồ nhựa đựng thực phẩm dễ gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Trong các loại nhựa này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng hơn 1.000 chất hóa học. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là 80% trong số đó chưa được biết đến – chúng chưa từng xuất hiện trong thông tin sản phẩm của các đồ nhựa. Một số hóa chất này không thân thiện với môi trường, bao gồm các thành phần gây rối loạn nội tiết cũng như các hóa chất có thể ảnh hưởng đến môi trường.
Về lý do tại sao trong nhựa lại có nhiều “tạp chất” như vậy, các nhà nghiên cứu cho biết, nguyên nhân thực ra rất đơn giản. Lượng tạp chất này là dẫn xuất của nhiên liệu hóa thạch, và để chiết xuất “nhựa” từ nhiên liệu hóa thạch tự nhiên sẽ cần có một số chất xúc tác. Sau khi chiết xuất, để biến nhựa thành các sản phẩm nhựa mà chúng ta sử dụng, nhà sản xuất cũng cần thêm nhiều chất phụ gia khác nhau – chẳng hạn như các chất làm dẻo, để tạo cho nhựa có màu sắc đặc trưng và độ dẻo. Không những vậy, bất kỳ quá trình sản xuất nào đều có thể để một số hóa chất lẫn vào, nếu không ảnh hưởng đến tác dụng cuối cùng của nhựa, con người khó phát hiện ra sự tồn tại của chúng.
Do đó theo các chuyên gia hầu hết các loại nhựa đều không phù hợp để sử dụng lâu dài, nhiều lần. Nếu sử dụng trong thời gian dài, các chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể. Để đảm bảo an toàn không nên để nhựa và thực phẩm chung với nhau trong thời gian dài. Đặc biệt khi nhựa để lâu, các chất có hại sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, điều cấm kỵ nhất khi sử dụng nhựa là sử dụng lâu dài, sử dụng bừa bãi bất kể nhiệt độ và giá trị pH. Nếu thực phẩm tiếp xúc với môi trường chứa nhựa trong thời gian dài và nhựa được sử dụng trong điều kiện không đáp ứng đủ điều kiện, nó không tốt cho sức khoẻ.
Phân biệt nhựa độc hại hay không bằng cách nào?
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhựa an toàn là nhựa không chứa các hóa chất độc hại (ví dụ chất độc BPA gây ung thư, béo phì, vô sinh,…).
Có 7 loại nhựa thông dụng thường được sử dụng hiện nay. Người dân có thể phân biệt các loại nhựa dựa vào các ký hiệu được in dưới đáy vỏ chai/hộp nhựa bằng các con số từ 1-7. Các con số này biểu thị dấu hiệu phân loại nhựa và cho biết loại nào nên dùng và loại nào không nên dùng.
Số 1: Nhựa PET hay còn gọi là PETE (polyethylene terephthalate) là loại nhựa thông dụng thường được dùng để đựng thực phẩm dạng lỏng như nước uống, nước ngọt, gia vị (ví dụ nước mắm, nước tương),…Nhựa PET khá đảm bảo an toàn ở nhiệt độ bình thường, tuy nhiên chỉ nên dùng 1 lần và không nên tái sử dụng do vỏ chai dễ bám mùi vị và vi trùng. Nhựa PET cũng dễ biến dạng, cong queo khi gặp nhiệt độ cao và thẩm thấu chất độc trong nhựa vào thực phẩm.
Số 2: Nhựa HDP hay HDPE (High Density Polyethylene) là loại nhựa tốt và an toàn nhất để đựng thực phẩm. Loại nhựa này có rất nhiều ưu điểm như chịu được nhiệt độ cao (120 độ C trong thời gian ngắn, 110 độ C trong thời gian dài), không sinh ra độc tính, không bị tác động bởi môi trường bên ngoài,…
Số 3: Nhựa PVC là loại nhựa mềm dẻo, đa dụng nhưng lại chứa rất nhiều hóa chất độc hại như phthalates (cản trở sự tăng trưởng của hormone và năng lực sinh sản), bisphenol A (BPA),… Nhựa PVC thường được sử dụng để sản xuất nhiều vật dụng như túi ni lông, màng bọc thực phẩm, chai đựng nước, đồ chơi,… Loại nhựa này khi gặp nhiệt độ cao sẽ thẩm thấu chất độc vào thực phẩm, do đó đây là loại nhựa không an toàn để đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm nóng. Vì vậy, không nên bọc thực phẩm bằng màng bọc PVC quay trong lò vi sóng ở nhiệt độ cao
Số 4: Nhựa LDPE (Low Density Polyethylene) cũng là loại nhựa không sinh ra độc tính, chịu được nhiệt độ cao (95 độ C trong thời gian ngắn) nhưng kém bền hơn HDPE về tính vật lý (dễ gãy, chịu va đập kém,…). Đây là loại thường được sử dụng để sản xuất túi ni lông, găng tay ni lông, chai lọ đựng hóa chất,… Loại nhựa này cũng nên chú ý khi dùng ở nhiệt độ cao.
Số 5: Nhựa PP (Polypropylene) là loại nhựa có tính chịu nhiệt tốt nhất (130-170 độ C) nên được sử dụng thông dụng để làm các loại hộp đựng thực phẩm. Vì thế được xem là có khả năng chịu nhiệt tốt, không sinh ra độc tính, an toàn khi sử dụng đựng thực phẩm nóng hay quay trong lò vi sóng.
Số 6: Nhựa PS (Polystyrene) là loại nhựa rất rẻ và nhẹ. Loại nhựa này được ứng dụng để làm các hộp đựng đồ ăn dùng 1 lần hay cốc nhựa dùng 1 lần. Tuy có khả năng chịu nhiệt nhưng vẫn có thể thẩm thấu chất độc vào thực phẩm dưới tác động của nhiệt độ cao hay thực phẩm có chứa acid/kiềm mạnh. Do đó không an toàn để đựng thực phẩm. Vì vậy, không nên sử dụng nhựa PS để đựng thực phẩm nóng.
Số 7: Nhựa PC là loại nhựa rẻ tiền và cực kỳ độc hại. Loại nhựa này thường dùng để sản xuất vật dụng đựng hóa chất hay bình đựng nước. Khi đựng thực phẩm nóng có thể khuếch tán các chất độc hại nguy hiểm vào thực phẩm (ví dụ chất độc BPA).
Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết như vậy, những loại nhựa có ký hiệu 1, 2, 4 và 5 là an toàn để đựng thực phẩm. Còn những loại nhựa có ký hiệu 3, 6, 7 nên tránh dùng để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nhung-kieu-dung-do-nhua-doc-hai-can-tranh-d218863.html