Tự trung hòa carbon đang là xu hướng của các doanh nghiệp toàn cầu và Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới. Tuy nhiên vẫn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ việc ban hành các quy định, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến việc chưa thực sự quan tâm, chưa có chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như nguồn lực tài chính có hạn của một bộ phận doanh nghiệp.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, dù chỉ chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất, các thành phố trên thế giới đang có mức sử dụng nguồn tài nguyên cao và phát thải lớn lượng khí thải carbon. Các thành phố là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số toàn cầu và chiếm 70% lượng khí thải CO2, là trung tâm của cuộc khủng hoảng khí hậu. Đến năm 2050, gần 70% dân số toàn cầu sẽ sống ở các thành phố, kéo theo việc xây dựng mới, tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải carbon cũng tăng theo.
Trên tinh thần cam kết của Việt Nam tại COP26, cũng như xuất phát từ chính mưu cầu lợi ích chung mà các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã và đang từng bước thay đổi mô hình sản xuất, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, giảm lượng khí thải carbon. Tự trung hòa carbon đang là xu hướng của các doanh nghiệp toàn cầu và Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới. Tuy nhiên vẫn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ việc ban hành các quy định, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến việc chưa thực sự quan tâm, chưa có chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như nguồn lực tài chính có hạn của một bộ phận doanh nghiệp.
Trước những thách thức đó, một số doanh nghiệp đi đầu trong vấn đề này đã đưa ra những ý kiến đóng góp, đề xuất đối với các cơ quan Nhà nước liên quan đến vấn đề cơ chế chính sách cũng như chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra từ việc thực hiện trung hòa carbon tới các doanh nghiệp đang chuẩn bị thực hiện.
Năm 2023, Vinamilk là doanh nghiệp sản xuất sữa đầu tiên của Việt Nam nhận chứng chỉ trung hòa carbon. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đạt được mục tiêu lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình sản xuất cũng tương đương với lượng CO2 hấp thụ ngược lại. Ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc điều hành Khối Sản xuất, Trưởng dự án Net Zero, Vinamilk – cho biết: Vinamilk bắt đầu tìm kiếm các giải pháp để tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời các phương tiện vận tải chuyển trong khâu kinh doanh, phân phối chúng tôi cũng chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng điện.
Tự trung hòa carbon đang là xu hướng của các doanh nghiệp toàn cầu và Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới. Ảnh minh họa
Ngoài ra, doanh nghiệp này dự kiến trong 5 năm tới Vinamilk sẽ trồng được 2-3 triệu cây xanh, trong đó có 20ha rừng ở Cà Mau sẽ triển khai trồng cây mắm – một loại cây ngoài tán cây hấp thụ CO2 thì rễ hấp thụ CO2 cũng tốt. Cũng đi tìm lời giải cho bài toán hội nhập, CTCP Thuận Hải là doanh nghiệp vừa tự trung hoà carbon, vừa cung cấp giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp khác ngay từ nguyên liệu đầu vào. Ông Phạm Trần Đăng Quyến – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuận Hải cho biết, hiện nay vẫn đang thiếu các tiêu chí, quy định và quy trình để tham gia thị trường tín chỉ carbon, “việc thiết lập bộ tiêu chí này rất quan trọng để thu hút các doanh nghiệp tham gia thị trường này. Bên cạnh đó, để thực hiện các dự án giảm phát thải cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm để thu kết qủa thực tế. Việc thiếu nguồn lực có chuyên môn và công nghệ là khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải”, ông Quyến cho hay.
Đối với một số doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa Việt Nam đã có sự quan tâm ban đầu về vấn đề này, nhưng đến nay theo bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam thì các doanh nghiệp ngành nhựa vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Khó khăn của ngành nhựa là đa số doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa (chiếm 90%), do đó cả ý thức và hành động để chuyển đổi công nghệ sản xuất đều hạn chế. Theo bà Mỹ, thời gian tới, ngành nhựa phải tuân thủ kinh tế tuần hoàn, thu gom tái chế, có giải pháp đáp ứng về môi trường. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành nhựa, bà Mỹ đề xuất: “Về phía Nhà nước, cần phải có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng, cũng như các khóa đào tạo để nhà xưởng cử cán bộ đi học”.
Về phía cơ quan Nhà nước, ông Nguyễn Sỹ Linh – Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng chung để góp phần giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, phía doanh nghiệp và người dân cũng cần đóng góp vai trò để thực hiện mục tiêu này. Trong đó, người dân cần chuyển sang tiêu dùng theo hướng bền vững, còn doanh nghiệp cần chuyển đổi sang sử dụng các loại năng lượng ít phát thải hơn hoặc sử dụng công nghệ carbon thấp.
Đối với các chế tài, Nghị định 06/2022 của Chính phủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bắt đầu định hình các chế tài nhưng vẫn chưa có mức cụ thể. Để nâng cao hiệu quả, ông Linh đề nghị: “Tạm dừng kinh doanh hoặc không cung cấp điện để các doanh nghiệp đó sản xuất. Hy vọng trong những lần sửa đổi, cập nhật sau thì sẽ có những quy định cụ thể hơn để doanh nghiệp thấy những lợi ích khi thực hiện và những hình phạt khi không thực hiện”.
Theo đó, bắt đầu từ năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đã phải cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Sau đó, giai đoạn từ 2026–2030, các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ. Vì vậy, việc chủ động tìm hiểu, cải thiện quy trình sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải, hướng đến trung hòa carbon và có lộ trình cụ thể là điều cần thiết để đáp ứng các quy định, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế mới.
Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/trung-hoa-carbon-bai-toan-moi-cua-doanh-nghiep-viet-nam-trong-dong-chay-hoi-nhap-d214270.html