Hóa chất vĩnh cửu PFAS có thể lắng đọng trong máu, thận, gan và được cho là liên quan đến căn bệnh ung thư, gây rối loạn chức năng nội tiết tố. Vậy làm sao để hạn chế việc tiếp xúc với loại hóa chất nguy hiểm này?
Mới đây, Công ty đa quốc gia Mỹ 3M cho biết đã đạt được thỏa thuận dự kiến trị giá 10 tỉ USD với một số thành phố của Mỹ để giải quyết các vụ kiện ô nhiễm nước liên quan đến “hóa chất vĩnh cửu” PFAS.
Một luật sư phụ trách vụ kiện chống lại 3M mô tả đây là “trường hợp dàn xếp về nước uống lớn nhất trong lịch sử Mỹ”. Số tiền này sẽ được sử dụng trong vòng 13 năm để xử lí ô nhiễm từ các chất per và polyfluoroalkyl hay PFAS và hỗ trợ việc lọc chất này khỏi nước uống phục vụ cộng đồng.
3M đối mặt với hàng nghìn vụ kiện về ô nhiễm PFAS nhưng đến nay không thừa nhận trách nhiệm pháp lý. PFAS đã được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm từ dụng cụ nấu nướng đến mỹ phẩm. Các chất này được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” vì không dễ bị phân hủy trong cơ thể con người hoặc môi trường. PFAS cũng có liên quan đến ung thư và các bệnh khác, hủy hoại môi trường. Liên quan tác hại của PFAS, có hơn 4.000 đơn kiện chống lại 3M và các công ty hóa chất khác từ các thành phố, chính quyền tiểu bang và cá nhân tại Mỹ.
Hóa chất vĩnh cửu có thể gây ung thư, rối loạn nội tiết cần có cách hạn chế và phòng tránh. Ảnh minh họa
Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã gọi PFAS là “vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng khẩn cấp”, đồng thời đặt ra thời hạn ngừng sản xuất chất này vào năm 2025. Ba công ty hóa chất lớn khác Chemours, DuPont và Corteva cho biết họ đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,2 tỉ USD để dàn xếp cáo buộc đã làm ô nhiễm hệ thống nước công cộng của Mỹ bằng PFAS.
PFAS là từ viết tắt tiếng Anh của các chất thuộc nhóm poly-fluoro-alkyl, bao gồm hơn 4.000 chất hóa học được phát hiện cho tới nay. Nhóm hóa chất này được sử dụng để tạo ra lớp phủ giúp các sản phẩm có khả năng chống nước, chống dầu mỡ và chống bụi bẩn.
PFAS được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất bọt cứu hỏa, kim loại mạ điện và thiết bị điện tử. Trong đời sống thường ngày, có thể tìm thấy PFAS trong quần áo chống thấm nước, chảo chống dính, mỹ phẩm, dụng cụ y tế. Những hợp chất này có thể lắng đọng trong máu, thận, gan và được cho là có liên quan đến bệnh ung thư, gây rối loạn chức năng nội tiết tố.
Ông Martin Scheringer – Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ cho hay: “PFAS gây hại cho gan, phổi và về lâu dài có thể gây bệnh ung thư. Chúng có thể có tác động xấu tới tuyến giáp, khiến trẻ nhỏ bị thấp còi. Chúng có hại cho quá trình trao đổi chất và tiêu thụ calo, gây rối loạn nội tiết tố và tác động tới hệ nội tiết, làm giảm số lượng tinh trùng, thậm chí có thể làm suy giảm miễn dịch”.
GS. Dibs Sarkar – Khoa Kỹ thuật dân dụng, môi trường và đại dương, Viện Công nghệ Stevens, Mỹ nói thêm: “PFAS có mặt ở mọi nơi, đó chính là vấn đề. Chúng hiện có mặt trong những đồ vật thông dụng nhất trong bất kỳ hộ gia đình nào. Bất cứ lúc nào, bạn bước vào một căn nhà bất kỳ, bạn cũng có thể tìm thấy ít nhất 1 sản phẩm có chứa PFAS”.
GS. Jason Cannon – Chuyên ngành Độc chất học, Đại học Purdue, Mỹ cho hay: “Rất nhiều người biết đến những hợp chất này là các hóa chất vĩnh cửu. Chúng được đặt tên như vậy bởi vì nhiều loại, đặc biệt là các loại PFAS cũ đang dần bị loại bỏ, có thời gian bán hủy sinh học rất dài. Điều đó có nghĩa là chúng không bị hỏng trong thời gian dài và một trong số này có thể tồn tại nhiều năm đến hàng trăm năm trong cơ thể con người. Thời gian bán hủy trong máu có thể lên đến một thập kỷ, nghĩa là có thể mất gần 10 năm để loại bỏ một nửa những gì bạn đã tiếp xúc”.
Cách để tránh tiếp xúc hoặc hạn chế sử dụng hóa chất vĩnh cửu
Những loại hợp chất không màu, không mùi, không vị nhưng lại có mặt trong không khí, nước, đất, trong đồ ăn thức uống và cả trong máu của chúng ta. Chính lợi thế khiến PFAS được các ngành công nghiệp ưa chuộng là độ bền, lại khiến chúng trở thành mối lo ngại đối với môi trường thiên nhiên và sức khỏe con người. Vậy phải làm sao để tránh tiếp xúc hoặc hạn chế việc sử dụng hóa chất vĩnh cửu. Đây là bài toán đang gây đau đầu các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới.
Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước do tồn dư hóa chất trong sinh hoạt, trồng trọt, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ trong vài năm gần đây đã siết chặt các quy định đối với PFAS. Hồi tháng ba, cơ quan này đã đưa ra quy định mang tính lịch sử yêu cầu kiểm soát nồng độ của một số “hóa chất vĩnh cửu” PFAS trong nước uống tại Mỹ.
GS. Dibs Sarkar – Khoa Kỹ thuật dân dụng, môi trường và đại dương, Viện Công nghệ Stevens, Mỹ cho biết: “Quy định mới rất tốt, những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm làm sạch môi trường. Trước đó, PFAS không được coi là chất độc hại vậy nên những công ty từng thải PFAS ra môi trường không phải trả bất cứ khoản phạt nào. Còn giờ đây, nếu phát hiện nồng độ cao quá mức cho phép của PFAS trong môi trường, cơ quan chức trách sẽ xác định nguồn gốc và những người gây ô nhiễm sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Từ góc độ cá nhân, mỗi chúng ta có thể giảm thiểu việc tiếp xúc với hóa chất vĩnh cửu bằng cách hạn chế tiêu thụ đồ ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh, bỏng ngô nổ bằng lò vi sóng, dụng cụ nấu nướng chống dính hoặc lắp đặt các bộ lọc chuyên dụng để loại bỏ PFAS khỏi nước máy.
Sau khi chịu sức ép từ các nhà hoạt động môi trường, nhiều hãng thời trang thể thao và thám hiểm đã ngừng sử dụng PFAS trong việc sản xuất đồ chống thấm nước. Các hãng đồ nội thất cũng cam kết giảm thiểu sử dụng PFAS.
TS. Roland Weber – Nhà tư vấn về môi trường cho hay: “Tôi nghĩ rằng việc yêu cầu dán nhãn sản phẩm có chứa PFAS sẽ là một quy định hay, nhưng hiện vẫn chưa có quy định nào như vậy. Chưa sản phẩm nào chứa hóa chất vĩnh cửu bị dán nhãn, cần phải hoàn thiện việc quản lý các chất này”.
Bà Steffi Lemke – Bộ trưởng Môi trường Đức nói thêm: “Với PFAS, chúng ta đang nhắc tới một nhóm chất với nhiều vấn đề. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng nhóm chất này cần được xem xét lại một cách căn bản. Phải loại bỏ khỏi thị trường và cấm sử dụng các chất nguy hiểm”.
Các thành viên Liên minh châu Âu đang tăng cường quản lý hóa chất vĩnh cửu. Đan Mạch cấm sử dụng chất này trong bao bì thực phẩm từ năm 2020, nước này cùng với Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy đồng loạt kêu gọi việc cấm sử dụng hóa chất vĩnh cửu trên toàn lãnh thổ EU, có thể có hiệu lực sớm nhất vào năm 2025.
Theo các quy định mới do EPA đề xuất, cơ sở cung cấp nước uống công cộng sẽ phải giám sát chặt chẽ 6 loại hóa chất PFAS và giảm hàm lượng PFAS có trong nước.
Giám đốc EPA – ông Michael Regan cho rằng những tiêu chuẩn chất lượng nước mới có khả năng ngăn ngừa hàng nghìn ca tử vong và hàng chục nghìn ca bệnh liên quan đến PFAS.
Ông cảnh báo việc tiếp xúc lâu dài với một số loại PFAS nhất định có thể dẫn đến các căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, tổn thương gan và tăng cholesterol trong máu.
Những năm gần đây, một số tập đoàn lớn của Mỹ đã loại bỏ dần việc sử dụng PFAS và một vài tiểu bang đã áp đặt giới hạn hàm lượng PFAS có trong nước uống công cộng. Đề xuất của EPA với mục đích thiết lập tiêu chuẩn quốc gia về PFAS trong nước uống sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay. Nhóm Công tác Môi trường phi lợi nhuận rất ủng hộ đề xuất mới này của EPA và cho biết đây là “bước tiến mang tính lịch sử”.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/hoa-chat-vinh-cuu-co-o-khap-moi-noi-cach-han-che-su-dung-va-phong-tranh-de-dam-bao-suc-khoe-d212147.html