Nhiệt độ thời tiết trong thời gian gần đây ngày càng tăng cao và chạm mức nắng nóng kỉ lục tại nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, trên các trang mạng xã hội một số người dùng đã liên tục chia sẻ các biện pháp phủ khăn đã được đông đá lên quạt gió để làm mát, thu hút hàng triệu lượt xem.
Biện pháp làm mát phòng, hay còn gọi là “thủ thuật dùng khăn tắm”. Trong clip ngắn, các nhân vật hướng dẫn người xem hãy “làm ướt khăn dưới vòi nước, rồi sau đó bỏ vào ngăn đá để làm lạnh”. Sau đó, lấy chiếc khăn đã đông đá phủ lên chiếc quạt cây cắm điện của mình, nhiều người còn khẳng định rằng biện pháp này có thể giúp “tiết kiệm 600 USD tiền mua máy điều hòa không khí”.
Giuseppe Capanna, kỹ sư an toàn sản phẩm tại công ty Electriacal Safety First ở Anh, nói rằng: “Một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang phổ biến các mẹo vặt không an toàn với cộng đồng”. Thoạt tiên, biện pháp này nghe chừng là một cách tuyệt vời để thay thế cho điều hòa không khí.
Đặt một chiếc khăn lạnh lên quạt cắm điện có thể gây hỏng quạt hoặc gây tai nạn không đáng có. Ảnh minh họa
“Đặt một chiếc khăn lạnh lên quạt cắm điện có thể khiến thiết bị mất thăng bằng và đổ, khiến các cánh quạt va vào tấm chắn và gây áp lực cho động cơ, thậm chí làm hỏng vật dụng này hoàn toàn”, ông nói. Không những thế, phương pháp làm mát này cũng tiềm ẩn khả năng gây giật điện, cháy nổ. “Rủi ro lớn nhất là khi chiếc khăn tan băng và trở nên ướt sũng. Lúc này, nước sẽ nhỏ giọt và tiếp xúc với động cơ quạt, hoặc phích cắm hay ổ điện, làm tăng nguy cơ gây chập điện, cháy nổ hoặc giật điện”, chuyên gia nói thêm.
Tại Vương quốc Anh, trào lưu tìm cách làm mát diễn ra sau khi nhiệt độ ở đây lần đầu chạm ngưỡng kỷ lục 30 độ C, mức cao nhất được ghi nhận trong năm nay. “Thủ thuật dùng khăn tắm” không phải phương pháp tránh nóng duy nhất nhận được cảnh báo từ các chuyên gia. Tuần trước, một tâm lý gia người Anh đã khuyên rằng mọi người không nên ngủ khỏa thân để cảm thấy mát hơn. Trên thực tế, ngủ khỏa thân sẽ khiến mồ hôi đọng lại trên da thay vì được hấp thụ bởi sợi vải của quần áo, gây nóng bức và khó chịu hơn.
Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/hiem-hoa-kho-luong-tu-viec-su-dung-khan-da-de-lam-mat-trong-mua-he-nang-nong-d211619.html