20 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTam thất tốt cho sức khỏe nhưng cần dùng đúng và không...

    Tam thất tốt cho sức khỏe nhưng cần dùng đúng và không phải ai cũng dùng được

    Date:

    Related stories

    Tam thất là vị thuốc rất quý và được sử dụng lâu đời tuy nhiên dù tốt đến mấy thì không phải ai cũng có thể dùng sản phẩm này.

    Tam thất là loại củ dễ sống và là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe, được trồng nhiều ở Việt Nam. Theo Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tam thất đứng đầu bảng trong số các vị thuốc Đông y, dân gian có câu nói “thứ nhất tam thất, thứ nhì nhân sâm”.

    Dưới góc độ Đông y, lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng hóa ứ, tư bổ, cầm máu, tiêu thũng, giảm đau. Tam thất được dùng chữa tất cả các chứng xuất huyết, ngã đau sưng bầm tím, đau tức ngực, u bướu, huyết ứ, bế kinh, thống kinh, sản hậu huyết hư gây đau bụng, các loại mụn nhọt sưng đau, khí huyết lưỡng hư, tức ngực…

    Theo y học hiện đại, tam thất có các tác dụng như bảo vệ tim chống lại những tác nhân gây loạn nhịp. Chất noto ginsenosid trong tam thất có tác dụng giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu oxy. Nó cũng ức chế khả năng thẩm thấu của mao mạch; hạn chế các tổn thương ở vỏ não do thiếu máu gây ra.


    Tam thất rất tốt nhưng cần dùng đúng và không phải ai cũng dùng được. Ảnh minh họa

    Lương y Bùi Đắc Sáng thông tin thêm, dù tam thất có nhiều tác dụng với cơ thể nhưng do có tính đắng nên rất ít người sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, đa số chỉ dùng kết hợp để làm thuốc.

    Lương y khuyên, chúng ta có thể dùng tam thất như một thực phẩm, đồ uống bằng cách nấu chung với các thực phẩm khác, nhất là món hầm hoặc có thể pha chế thành nước uống cũng rất tốt cho cơ thể.

    Không chỉ củ tam thất, các bộ phận khác như thân, lá, hoa tam thất cũng có nhiều tác dụng với sức khỏe, đặc biệt là hoa. Cụ thể, hoa tam thất được dùng khi còn tươi hoặc đã phơi khô. Loại hoa này có thể sử dụng hằng ngày bằng cách dùng 2 – 4g pha với nước sôi lấy nước uống cho đến khi hết vị ngọt, đắng.

    Loại nụ hoa này được chứng minh là vị thuốc rất tốt cho hệ tim mạch nên bệnh nhân tim mạch nên sử dụng để có một trái tim khỏe mạnh. Hoa tam thất có hoạt chất chính giống hoạt chất có trong nhân sâm như: Rb1, Rb2… có tác dụng thanh nhiệt giải nhiệt rất tốt, điều hòa chức năng của tạng can giúp hạ huyết áp và an thần, trấn tĩnh.

    Nụ hoa tam thất thường được dùng để chữa các chứng bệnh như cao huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch, tai biến mạch máu não, tai biến não, chữa những người kém trí nhớ, ngăn ngừa chứng lú lẫn ở người cao tuổi… Ngoài ra, nụ hoa tam thất giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh ung thư, ức chế sự hình thành và phát triển của khối u.

    Những ai không nên dùng tam thất

    Dù tam thất nhiều tác dụng với sức khỏe tuy nhiên lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, một số người không nên hoặc hạn chế sử dụng. Đó là phụ nữ đang hành kinh. Lý do là tam thất có tác dụng hoạt huyết hóa ứ có thể khiến kinh nguyệt ra quá nhiều.

    Trường hợp người phụ nữ vốn có huyết ứ làm kinh nguyệt không điều hòa có thể dùng tam thất để điều hòa kinh nguyệt, tuy nhiên cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc.

    Người đang cảm lạnh cũng không nên dùng tam thất vì có thể làm bệnh nặng hơn. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tự ý sử dụng tam thất và các loại thảo dược từ tam thất vì tác dụng hoạt huyết có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Đặc biệt khi dùng tam thất cũng cần phải sử dụng một cách khoa học nếu không sẽ gây phản tác dụng.

    Dùng tam thất đúng cách thế nào?

    Để bảo đảm hiệu quả chữa bệnh và an toàn, trước hết, rửa thật nhanh củ tam thất bằng nước đun sôi để nguội vài lần, không cho nước kịp ngấm vào ruột, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50-60oC (tuyệt đối không rang tam thất trực tiếp trên chảo hoặc tẩm dược liệu với mỡ gà, rồi phơi sấy khô như một số người đã làm). Khi dùng, mới thái lát hoặc tán bột. Dùng đến đâu làm đến đó vì để nguyên củ thì thời hạn sử dụng có thể kéo dài đến 2 năm; nếu thái lát hoặc tán bột, chỉ bảo quản được trong 6-12 tháng, có thể lâu hơn nếu ngâm bột với mật ong hoặc rượu.

    Tam thất có hai tác dụng chính là cầm máu và bổ dưỡng do chứa saponin triterpen là ginsenozid, một hoạt chất quý của nhân sâm. Gần đây, tam thất còn được dùng trong một số trường hợp ung thư (phổi, tuyến tiền liệt, vòm họng, vú) với kết quả tốt.

    Dùng sống dưới dạng bột hoặc mài với nước uống hoặc dạng lát cắt thì ngậm nhai rồi nuốt để chữa thổ huyết, băng huyết, rong kinh, chảy máu cam, máu hôi sau khi đẻ, kiết lỵ ra máu, khối u (ung thư). Bột tam thất rắc ngoài làm cầm máu nhanh các vết thương.

    Dùng chín trong những trường hợp thiếu máu, suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy. Củ tam thất hấp cho mềm, thái mỏng hoặc sao khô, tán bột rồi hầm với thịt gà, thịt chim, ăn hằng ngày trong vài tuần. Có thể ngâm rượu uống. Đơn giản thì hãm tam thất với nước sôi như pha trà, uống làm nhiều lần vừa dễ làm, tiện lợi, vừa giữ được hương vị, hoạt chất. Nước hãm tam thất pha với sữa dùng cho trẻ em rất tốt.

    Có thể phối hợp với nhân sâm trong trường hợp uống riêng tam thất thấy có cảm giác “nóng”, nhất là đối với những người mà khí, huyết đều suy kiệt. Tuy nhiên, nên uống hỗn hợp sâm – tam thất vào ban ngày và uống riêng tam thất vào buổi tối vì nhân sâm sẽ làm cho tỉnh táo, khó ngủ.

    Tam thất còn phối hợp với kỷ tử, cúc hoa chữa các chứng bệnh về mắt; với hoa hòe hoặc rutin trong những trường hợp chảy máu; với linh chi lại tăng cường miễn dịch, chống stress, cải thiện trí nhớ.

    Về liều lượng, nếu dùng cầm máu, giảm đau nhanh, mỗi ngày uống 10-20g chia làm 4-5 lần. Để bổ dưỡng, mỗi ngày, người lớn: 5-6g chia hai lần; trẻ em tùy tuổi bằng 1/2 – 1/3 liều người lớn. Uống sau khi ăn 5 – 10 phút. Đối với các trường hợp ung thư, mỗi ngày có thể dùng liều 10g, liên tục trong 12 tháng hoặc lâu hơn.

    Phân biệt tam thất thật giả

    Trên thực tế, tam thất đã bị giả mạo bởi tam thất gừng (Stahlianthus thorellii Gagnep.), thổ tam thất (Gynura pinnatifida DC.) do trùng tên gọi hoặc hồi đầu thảo (Tacca plantaginea (Hanee) Drenth) do cùng tính dược. Những dược liệu này cũng dưới dạng củ đều được bôi đen bằng mực tàu hoặc bút chì đen, rồi xoa bột hoạt thạch (talc) cho bóng giống màu của tam thất thật.

    Củ tam thất hình thoi hoặc hình con quay (đa số), dài 2-4cm, đường kính 1-2cm. Đầu củ sần sùi do những vết tích của thân cây rụng hằng năm tạo thành. Mặt ngoài màu đen, có nhiều nếp nhăn dọc. Thịt màu xám đen. Vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm.

    Củ tam thất gừng hình tròn thuôn một đầu hoặc hình trứng (giống quả trứng chim), dài 1,2-1,5cm, nhẵn. Mặt ngoài màu trắng vàng, có nhiều vòng song song ngang củ. Thịt màu trắng ngà. Vị cay, nóng, mùi thơm như gừng.

    Củ thổ tam thất (gọi bạch truật nam) hình tròn hoặc gần tròn, dài 4-5cm, đường kính 3,5-4cm, sần sùi không đều. Mặt ngoài màu nâu vàng. Thịt màu vàng ngà. Vị nhạt, chát, hơi ngứa, không mùi.

    Củ hồi đầu thảo hình tròn méo mó không đều, dài 1,5-2cm. Đầu củ sần sùi do những vết tích của lá cây rụng. Mặt ngoài màu trắng bẩn. Thịt màu trắng đục. Vị đắng, hàn, không mùi.

    Lưu ý trong một số trường hợp, củ tam thất rỗng ruột còn bị kẻ xấu nhồi chì cho nặng thêm để trục lợi gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tam-that-tot-cho-suc-khoe-nhung-can-dung-dung-va-khong-phai-ai-cung-dung-duoc-d208236.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img