18.3 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNhững lưu ý sử dụng màng bọc thực phẩm an toàn người...

    Những lưu ý sử dụng màng bọc thực phẩm an toàn người tiêu dùng cần biết

    Date:

    Related stories

    Màng bọc thực phẩm thường được sử dụng để bảo quản, giữ cho thực phẩm luôn vệ sinh, sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng đúng cách thì sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người sử dụng.

    Màng bọc thực phẩm đã không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng, sản phẩm này có mặt trong các gian bếp của rất nhiều gia đình hiện nay. Giá thành phải chăng, đa dạng về chủng loại, kích thước, dễ sử dụng lại giúp bảo quản thực phẩm luôn sạch sẽ khiến màng bọc thực phẩm là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng chọn mua và sử dụng hằng ngày.

    Màng bọc thực phẩm đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong căn bếp của nhiều gia đình. Ảnh minh họa

    Nhiều tiện ích là vậy, tuy nhiên nếu không chú ý trong khi sử dụng sẽ khiến màng bọc thực phẩm trở thành “mối nguy” với sức khỏe của người sử dụng. Người tiêu dùng cần lưu ý một số cách sử dụng màng bọc thực phẩm hợp lý để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

    Một số lưu ý sử dụng màng bọc thực phẩm an toàn

    Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

    Hiện nay, màng bọc thực phẩm được bày bán rất nhiều trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích, trong các chợ truyền thống hay trên các sàn thương mại điện tử. Màng bọc thực phẩm hiện cũng có rất nhiều mẫu mã, chủng loại với nhiều giá thành khác nhau. Do đó, khi chọn mua sản phẩm này, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà lựa chọn những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

    Người tiêu dùng chỉ nên sử dụng màng bọc thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng (có tên, địa chỉ của nhà sản xuất), sản phẩm đã được cơ quan chức năng đăng ký, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm. Đối với các sản phẩm màng bọc siêu rẻ, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc về chất lượng sản phẩm của chúng bởi có thể ảnh hưởng tới thực phẩm và sức khỏe.

    Khi mua màng bọc cần xem kỹ trên bao bì sản phẩm xem màng bọc có chứa chất phụ gia hay không. Nếu bao bì của màng bọc không có chú thích hay thông tin gì thì người tiêu dùng cũng nên xem xét lựa chọn sản phẩm khác.

    Chú ý về chất liệu của màng bọc thực phẩm

    Hiện nay trên thị trường có 4 loại màng bọc là màng bọc PE, màng bọc PVC, màng bọc PVDC, màng bọc PMP. Màng bọc PE làm từ vật liệu Polyetylen, màng PVC làm từ Polyvinyl Clorua, màng PVDC làm từ chất liệu Polyvinylidene Clorua, màng PMP làm từ Polymetylpenten. Màng bọc PE, PVDC, PMP là 3 loại màng bọc tương đối an toàn. Các sản phẩm màng bọc thực phẩm hiện nay thường được sản xuất từ nguyên liệu PVC hoặc PE.

    Màng bọc thực phẩm PVC gồm hai loại là loại có chứa các chất phụ gia như DEHA hoặc DEHP và loại không chứa chất phụ gia. Vì PVC thường cứng và giòn nên khi sản xuất, nhà sản xuất thường cho thêm chất hóa dẻo để làm tăng độ dai cho màng bọc. Nếu sử dụng chất tạo dẻo được công nhận an toàn với hàm lượng đúng quy định thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, một số sản phẩm màng bọc kém chất lượng có thể sử dụng một số chất tạo dẻo độc hại như DEHP có thể tăng nguy cơ gây ngộ độc…

    Người tiêu dùng cần chú ý về chất liệu của màng bọc thực phẩm khi chọn mua và sử dụng. Ảnh minh họa

    Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng bởi màng bọc thực phẩm PVC còn có loại không chứa chất phụ gia như DEHA, DEHP, thường sẽ là loại sinh học tự hủy, đây cũng là loại màng bọc được người tiêu dùng sử dụng nhiều. Chúng có màu trắng ngà, có độ mềm dẻo cao và hơi dính tay. Loại màng bọc này an toàn với sức khỏe của người sử dụng, có khả năng tự hủy, thân thiện với môi trường. Khi đi chọn mua màng bọc thực phẩm, người tiêu dùng phải thật cẩn thận và biết cách nhận biết loại màng bọc an toàn.

    Sử dụng đúng loại màng bọc cho từng loại thực phẩm

    Màng PE có màu trắng, trong suốt, ít dính tay, dai và dễ bóc tách. Loại màng bọc này dễ cháy. Màng PVC có màu trắng hoặc vàng ngà, trong suốt, dễ dính tay và khó bóc tách. Loại màng bọc này khó cháy. Do đó nên lựa chọn màng bọc PE cho thức ăn đã chế biến, PVC cho đồ ăn sống, chưa qua chế biến. Màng bọc thực phẩm nhôm thì không dùng cho thực phẩm giàu axit.

    Để biết chính xác màng bọc thực phẩm đã chọn mua dùng được cho những loại thực phẩm nào, người dung nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng màng bọc theo đúng hướng dẫn để đảm bảo an toàn sức khỏe.

    Lưu ý khi dùng màng bọc trong lò vi sóng

    Có nên sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng không là câu hỏi mà rất nhiều người tiêu dùng thắc mắc. Màng bọc thực phẩm vẫn có thể sử dụng được trong lò vi sóng, tuy nhiên còn tùy thuộc vào chất liệu của màng bọc. Người tiêu dùng cần chú ý vào những ký hiệu trên hộp màng bọc để biết sản phẩm đó có thể cho vào lò vi sóng được hay không vì những màng bọc chất liệu khác nhau có công dụng khác nhau.

    Loại màng bọc thông thường là màng bọc PE và màng bọc PVC, được sử dụng để bọc rau, trái cây, thức ăn thừa. Hai loại này đều không chịu được nhiệt độ cao, chỉ có thể sử dụng trong tủ lạnh, giúp giữ tươi rau quả, thực phẩm. Đặc biệt với loại màng bọc PVC, nếu cho vào lò vi sóng, các chất độc hại có thể kết tủa, gây hại cho sức khỏe.

    Người tiêu dùng nên hạn chế dùng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng. Ảnh minh họa

    Màng bọc lò vi sóng là hai loại màng bọc PVDC và PMP – hai loại này đều có thể chịu được nhiệt độ cao khoảng từ 140 độ C tới 180 độ C. Cả hai loại màng bọc này đều có ghi chú rõ ràng “Có thể sử dụng trong lò vi sóng” trên nhãn mác khi bán ra thị trường. So với hai loại trên thì hai loại màng bọc này có giá thành đắt hơn nhiều.

    Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tốt nhất cho sức khỏe thì người tiêu dùng vẫn nên tháo màng bọc thực phẩm trước khi cho đồ ăn vào lò vi sóng. Bởi theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, người dùng nên sử dụng các loại bao gói thực phẩm trong điều kiện dưới 70 độ C. Nếu gói đồ ăn rồi cho vào lò vi sóng, mức nhiệt có thể lên tới 160 độ C. Đáng nói, màng bọc thực phẩm có thể chứa những chất hóa học như Phthalates và DEHA… trong nhiệt độ cao, những chất hóa học này có thể tan chảy, hòa lẫn với thức ăn và tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

    Đảm bảo khoảng cách giữa màng bọc thực phẩm và đồ ăn

    Khi sử dụng màng bọc để bảo quản thực phẩm, người dùng không nên để màng bọc tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà nên phủ màng bọc cách thực phẩm tối thiểu 2,5 cm. Việc đảm bảo khoảng cách giữa màng bọc thực phẩm và đồ ăn sẽ khiến các chất có hại từ màng bọc sẽ không có cơ hội xâm nhập vào thực phẩm và không gây nguy hiểm cho người dùng. Nên đựng đồ ăn trong hộp có thành cao, sau đó mới dùng màng bọc thực phẩm.

    Không dùng màng bọc có mùi lạ

    Trong quá trình sử dụng màng bọc thực phẩm, nếu phát hiện màng bọc có dấu hiệu bị nấm mốc, có mùi lạ, màu lạ thì tốt nhất người tiêu dùng không nên tiếp tục sử dụng màng bọc này mà nên bỏ sản phẩm này đi và mua sản phẩm khác thay thế. Bởi những màng bọc này có thể đã bị biến chất, sinh ra độc tố, sản xuất không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho sức khỏe của người dùng.

    Không bọc các loại thực phẩm có nhiều dầu mỡ, đang ở nhiệt độ cao

    Người tiêu dùng không nên sử dụng màng bọc thực phẩm cho thực phẩm đang nóng hoặc chứa nhiều dầu mỡ bởi nhiệt độ của thức ăn có thể khiến các thành phần hóa học của màng bọc chảy ra, hòa cùng với thực phẩm. Khi tiêu thụ, có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dạ dày, tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, cũng không nên dùng màng bọc ở môi trường acid, kiềm hoặc nhiệt độ cao. Thực phẩm cần bảo quản màng bọc thực phẩm nên được làm sạch, để khô, ráo trước khi sử dụng màng bọc trực tiếp bao phủ sản phẩm.

    Ngọc Linh (t/h)
    https://vietq.vn/nhung-luu-y-su-dung-mang-boc-thuc-pham-an-toan-nguoi-tieu-dung-can-biet-d203016.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img