18 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngMũ bảo hiểm kém chất lượng "nở rộ" chợ mạng: Hệ lụy...

    Mũ bảo hiểm kém chất lượng “nở rộ” chợ mạng: Hệ lụy nhãn tiền

    Date:

    Related stories

    Hiện nay, mũ bảo hiểm kém chất lượng đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với đủ màu sắc, hình dáng khác nhau. Tuy nhiên, những loại mũ này được khuyến cáo không an toàn cho người sử dụng.

    Dạo quanh chợ mạng, PV nhận thấy mũ bảo hiểm giá rẻ bán công khai trên các hội nhóm với nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, nhóm kín “Sỉ lẻ mũ bảo hiểm giá rẻ” trên mạng facebook, với số lượng lớn thành viên đăng bán mũ bảo hiểm từ mũ trơn, mũ lưỡi trai, mũ úp kính, mũ hở đầu… với giá chỉ từ 20 nghìn đồng/1 mũ.

    Tại nhóm này, người bán hàng khác rao bán mũ bảo hiểm chuyên dành cho trẻ nhỏ với nhiều màu sắc, hình thù bắt mắt… giá cả thì “siêu rẻ”. Theo lời người bán, mũ bảo hiểm được làm từ chất liệu nhựa ABS cao cấp chuyên dùng cho nón bảo hiểm, khóa nón chắc chắn với nhiều nấc, có nhiều kích cỡ cho bé từ 3-7 tuổi…


    Mũ bảo hiểm giá rẻ được bán tràn lan trên mạng xã hội.

    Hay nick name “Hoa Nắng” cũng bán các loại mũ bảo hiểm giới thiệu là hàng hãng của Honda, Nón Sơn… Người bán hàng cho biết, mũ mình bán là hàng chính hãng của công ty, giá tại cửa hàng vài trăm nghìn đồng/1 mũ nhưng do nhập số lượng lớn nên chỉ từ 3x-6x (tùy số lượng).

    Để hiểu rõ hơn về thị trường mũ bảo hiểm, PV đã vào vai người mua buôn liên hệ tới xưởng sản xuất các sản phẩm mũ bảo hiểm nói trên và nhận được lời mời chào hấp dẫn như: “Mũ sỉ trực tiếp không qua trung gian, chuyên phân phối mũ chính hãng giá rẻ, đa dạng mũ thoải mái lựa chọn…”.

    Một xưởng sản xuất mũ bảo hiểm có địa chỉ tại Hoài Đức (Hà Nội) cho phóng viên biết, khách nhập số lượng càng lớn giá càng rẻ, khi hai bên thỏa thuận nhập mũ loại nào, số lượng bao nhiêu, chủ cơ sở sẽ giao tận nơi, tem nhãn mác thì thích tem nào sẽ có mũ tem đó.

    Thêm đầu mối khác tại Thái Nguyên cũng mời chào PV với cam kết “hàng đảm bảo đẹp”. Theo mối này, mũ bảo hiểm có nhiều loại như: Mũ thời trang Quân Anh, Bektech… giá đổ sỉ từ 35 nghìn đồng nếu lấy từ 100 mũ trở lên và chỉ giao dịch online. Khi PV yêu cầu hóa đơn, giấy tờ những loại mũ này thì người bán cho hay chỉ có hóa đơn bán hàng thông dụng. “Mình chỉ bán online, nếu bạn muốn xem xưởng thì mình sẽ quay video gửi. Yên tâm, mũ nhà mình bán đã có thương hiệu trên thị trường rồi…”, đầu mối sỉ mũ bảo hiểm cho biết.


    Xưởng sản xuất mũ bảo hiểm chỉ giao dịch online.

    Theo ghi nhận của PV, mũ bảo hiểm giá rẻ không chỉ bán trên mạng xã hội mà tại các vỉa hè, chợ tạm… cũng được bày bán công khai với giá chỉ từ 20 nghìn đồng/1 mũ.

    Việc mũ bảo hiểm nhái, không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn “đắt khách” phần lớn do nhu cầu của người tiêu dùng ham mua hàng giá rẻ. Việc mua hàng giá rẻ, không đảm bảo chất lượng dẫn đến nhiều hệ luỵ, nhất là không may người dùng mũ xảy ra tai nạn giao thông dễ dẫn đến chấn thương vùng đầu. Nhiều trường hợp tai nạn chấn thương sọ não, tử vong cũng do mũ bảo hiểm kém chất lượng.

    Theo Thông tư liên tịch 06/2013 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ GTVT ban hành, mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), xe đạp điện đội khi tham gia giao thông là mũ có đủ các tính năng sau:

    Có cấu tạo đủ ba bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN; Đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN và được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật;

    Tuy người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm kém chất lượng không bị CSGT xử phạt nhưng loại mũ bảo hiểm này không thể bảo vệ người tham gia giao thông khi có tai nạn xảy ra do không chịu được va đập, dễ vỡ nát. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần đặt mục tiêu an toàn là trên hết, chọn mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, ưu tiên mua những mặt hàng đã có thương hiệu trên thị trường.

    Nghị định 98/2020/NĐ-CP tại Điều 13 quy định xử phạt hành vi buôn bán giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa như sau:

    1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tuỳ thuộc vào số lượng hàng giả và giá trị của của số hàng, thu lợi ích bất hợp pháp.

    2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

    b) Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trông thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;

    c) Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

    3. Hình thức xử phạt bổ sung:

    a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 4 Điều này;

    b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

    An Nguyên
    https://vietq.vn/mu-bao-hiem-kem-chat-luong-no-ro-cho-mang-he-luy-nhan-tien-d200644.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img