Điều hòa ô tô là bộ phận quan trọng, nhất là trong thời tiết nắng nóng như mùa hè. Tuy nhiên khi sử dụng bộ phận này cần đặc biệt lưu ý.
Điều hòa không khí là một hệ thống quan trọng trên xe ô tô. Nó điều khiển nhiệt độ và tuần hoàn không khí trong xe giúp cho chúng ta cảm thấy dễ chịu trong những ngày nắng nóng và giảm độ ẩm cũng như lọc sạch không khí trong những ngày lạnh.
Nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, hầu hết các địa phương ở Việt Nam phải chịu nền nhiệt lên đến hơn 40 độ C vào mùa hè. Việc sử dụng ô tô trong điều kiện nhiệt độ cao luôn cần một chiếc điều hoà tốt và hoạt động ổn định. Tuy nhiên, điều hoà ô tô cũng là một bộ phận có tính hao mòn cao và nếu người dùng sử dụng không đúng cách sẽ không chỉ làm tuổi thọ điều hoà giảm sút mà còn không đem lại hiệu quả làm mát như mong đợi.
Dùng điều hòa ô tô ngày nắng nóng cần đặc biệt lưu ý. Ảnh minh họa
Không nên bật điều hòa khi vừa khởi động
Không ít người có thói quen khi vào xe là bật điều hòa (nút A/C), để mau làm lạnh cho xe. Tuy nhiên, khi xe mới khởi động thì tốc độ động cơ đang ở chế độ thấp và chưa ổn định, đã phải chịu tải lớn sẽ dễ làm hư hại tới bình điện.
Bởi vậy, khi khởi động động cơ không nên bật điều hòa cũng như các thiết bị điện khác, mà cần hạ kính cửa sổ xuống và bật quạt gió ở số 1, để hơi nóng trong xe thoát ra. Khi vòng tua máy ổn định mới nên bật chế độ làm lạnh của điều hòa, và sau đó điều chỉnh mức quạt gió để tạo độ lạnh phù hợp.
Vào mùa hè nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40-45 độ C, do vậy nên đỗ xe nơi râm mát, dưới tán cây, để bảo vệ ăn mòn từ nhiệt cho nội thất và cũng giúp ca-bin xe không bị nóng quá mức. Trong trường hợp buộc phải đỗ xe ngoài trời nắng, khi trở lại xe nên mở tất cả các cửa xe ra để khí nóng trong xe thoát ra ngoài và có thể bật thêm quạt gió để cho nhanh cân bằng giữa nhiệt độ bên trong và bên ngoài, nếu cần thiết.
Chủ động giảm nhiệt cho xe khi đỗ
Như đề cập từ đầu, việc đơn giản và cơ bản nhất có thể làm là giảm tải cho hệ thống điều hòa. Đỗ xe vào bóng râm, chủ động che chắn bằng các tấm phản quang có lẽ là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng nên lưu ý tránh trùm kín xe bằng những chất liệu hấp thụ nhiệt như vải tối màu. Việc làm này thực tế còn khiến cho khối không khí “bị giam” trong xe trở nên nóng hơn.
Giải thoát bớt nhiệt khỏi xe trước khi bật điều hòa
Bên cạnh việc mở cửa sổ xe rồi chạy lòng vòng, phương pháp “quạt lò” được nhiều người cho là mang lại hiệu quả giảm nhiệt tốt hơn. Do đó, cần mở hết cỡ 1 cửa sổ xe, ví dụ cửa sổ phía bên phải hàng ghế sau. Mở cửa chéo cánh với cửa sổ, ở đây là cửa xe vị trí người lái, để dồn khối khí nóng trong xe ra ngoài.
Khởi động điều hòa từ từ
Điều hòa hay bất cứ loại máy móc nào cũng đều cần có quá trình khởi động, bôi trơn các chi tiết trước khi có thể bắt đầu hoạt động nặng. Do đó cần nổ máy ở trạng thái điều hòa tắt (off), chờ một chút cho vòng tua máy xuống thấp.
Mở điều hòa ở mức thấp nhất về mặt công suất (lựa chọn nhiệt độ trung bình, không quá lạnh, khoảng 28 độ với điều hòa tự động), có thể mở tốc độ gió cao để tăng hiệu quả làm mát Tăng dần công suất (giảm nhiệt độ) điều hòa – Bắt đầu chạy xe nhẹ nhàng để động cơ “làm quen” với việc tải thêm điều hòa
Tránh lấy gió ngoài ở khu vực nắng nóng
Một số mẫu xe hiện đại có chế độ tự động đổi qua lấy gió ngoài, thay vì tuần hoàn khí trong xe, sau một khoảng thời gian nhất định. Ý nghĩa của việc đổi tự động này là đảm bảo lượng ô-xi bên trong cabin đủ tươi mới. Tuy nhiên, trong nếu tính riêng hiệu quả làm mát, chức năng này có lẽ hơi thừa ở những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng.
Tắt điều hòa trước khi tắt máy
Tương tự như việc khởi động, tắt điều hòa cũng là một quá trình cần thực hiện tuần tự: trước khi dừng xe vài phút, người lái cần chủ động tắt (off) hoàn toàn hệ thống điều hòa của xe. Việc này không chỉ giúp người ngồi trong xe làm quen với nhiệt độ bên ngoài mà còn giúp cho lốc điều hòa của xe không bị “shock”, đảm bảo tuổi thọ lâu dài cho thiết bị quan trọng này.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhung-luu-y-dac-biet-can-nho-khi-dung-dieu-hoa-o-to-ngay-nang-nong-d199358.html