Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, họ đã phát hiện ra một loại thuốc có khả năng trị được mất mùi, mất vị do Covid-19 gây ra.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Joseph Vinetz, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nhân loại học từ Đại học Yale (Mỹ) đã nhắm tới một loại thuốc sẵn có, đang được sử dụng để điều trị viêm tụy.
Theo đó loại thuốc gọi là camostat mesylate đã làm giảm đáng kể tải lượng virus ở 70 tình nguyện viên sau sau liệu trình 7 ngày. Chưa kể, những người uống thuốc này không phát triển hai triệu chứng dù vô hại nhưng rất khó chịu là mất mùi, mất vị.
Mất mùi, mất vị được báo cáo phổ biến kể từ làn sóng Delta năm 2021. Khi làn sóng Omicron ập đến, tỉ lệ bệnh nhân bị ảnh hưởng vị giác, khứu giác có giảm đi đáng kể, và đa số là giảm mùi, giảm vị hoặc rối loạn mùi vị chứ không mất hẳn.
Tuy các triệu chứng này không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nhưng gây khá nhiều khó chịu cho người bệnh bởi có thể họ ăn uống không ngon miệng hoặc bị “hành hạ” vì những rắc rối do không ngửi được hay ngửi mùi này thành mùi kia.
Nhiều người bị mất vị, khứu giác sau khi mắc Covid-19. Ảnh minh họa
Đa số bệnh nhân khôi phục mùi vị sau vài ngày nhưng cũng có trường hợp gặp rắc rối hàng tháng trời, điển hình là trường hợp con gái của tiến sĩ Gary Desir, chủ nhiệm khoa Nội của Đại học Yale, thành viên nhóm nghiên cứu, đã bị rối loạn mùi vị gần 1 năm sau Covid-19.
“Loại thuốc này dường như có thể điều chỉnh và dự phòng sự mất khứu giác và vị giác. Nó có rất ít tác dụng phụ và đã được nghiên cứu rộng rãi. Nó có thể được áp dụng cho người bệnh Covid-19 khi mới nhiễm bệnh. Và nó không phải một loại thuốc đắt tiền” – tiến sĩ Desir nhấn mạnh.
Những người dùng camostat mesylate cũng bắt đầu cảm thấy ít mệt mỏi và khỏe hơn hẳn sau 4 ngày, khác biệt rõ ràng so với nhóm dùng giả dược và không bị tác dụng phụ.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu xem camostat mesylate có giúp điều trị được những người đã bị mất mùi, mất vị hay không, đặc biệt là những người đã bị rối loạn khứu giác, vị giác lâu ngày. Nghiên cứu hiện đã được chấp thuận bởi tạp chí Cell và sẽ được xuất bản trong thời gian gần nhất.
Họ cũng đang tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III và chuẩn bị nộp đơn đến Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để thuốc được chấp thuận sử dụng khẩn cấp nếu như thí nghiệm tiếp tục thành công.
Liên quan tới nghiên cứu để hạn chế tình trạng mất vị, mất khứu giác do Covid, trước đó cũng đã có nhiều nghiên cứu đưa ra những liệu pháp dựa trên bằng chứng khoa học:
Huấn luyện khứu giác: Huấn luyện khứu giác được coi là phương pháp điều trị thay thế duy nhất hiện nay cho chứng mất khứu giác hậu Covid-19 có cơ sở khoa học vững chắc. Mục đích của liệu pháp này là kết hợp trí nhớ và khứu giác. Trong 12 tuần, bệnh nhân thực hiện một buổi vào buổi sáng trước khi ăn sáng và một buổi vào buổi tối trước khi ăn tối. Bệnh nhân được khuyên nên ngửi 6 loại tinh dầu như sả, hoa hồng, đinh hương, phong lữ hoa hồng, bạc hà và hạt cà phê; cố gắng nhận biết mùi mà không được đọc nhãn ghi trên chai.
Trong số những người bị nghẹt mũi và chảy nước mũi, sự tắc nghẽn vật lý của mũi với chất nhầy sẽ làm giảm mùi. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân Covid-19 bị mất khứu giác thường không bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
Sử dụng caffeine: Việc sử dụng caffeine cho mục đích này dựa trên ái lực của nó với các thụ thể adenosine A2A. Caffeine đối kháng với thụ thể adenosine A2A trong khứu giác, là một trong những vùng chính bị ảnh hưởng bởi SARS-CoV-2.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffeine giúp tăng cường khứu giác ở những người bị Covid-19. Tỷ lệ phục hồi thấp nhất liên quan đến những bệnh nhân có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim, trong khi những người không có bệnh nền phục hồi nhanh hơn sau khi uống cà phê.
Việc sử dụng cà phê như một chiến lược phục hồi khứu giác trong chứng mất khứu giác đã được áp dụng theo các biến thể khác nhau. Sử dụng các mùi như mùi thảo mộc, gừng, bạc hà, cà phê và chanh để giúp bệnh nhân xác định các mùi khác nhau.
Vitamin A: Axit retinoic (RA) – một chất chuyển hóa của vitamin A, là một trong những nội tiết tố của tuyến giáp. Đây là một chất điều hòa phiên mã quan trọng trong quá trình phát triển và tái tạo mô. Vitamin A có thể thúc đẩy khả năng tái tạo biểu mô thần kinh khứu giác.
Axit alpha-lipoic (ALA): Các nhà khoa học đã tìm thấy mức độ cao hơn của cytokine TNF-α (tiền viêm) trong biểu mô khứu giác ở những bệnh nhân mắc Covid-19, cho thấy rằng tình trạng viêm trực tiếp của biểu mô khứu giác có thể đóng một vai trò trong việc mất khứu giác cấp.
Theo các báo cáo trước đây, axit alpha-lipoic (ALA) có thể làm giảm hoạt động của ACE2 sau khi SARS-CoV-2 sao chép, dẫn đến ức chế sự biểu hiện của các cytokine gây viêm. Tuy nhiên, các tác dụng phụ thường gặp về thần kinh bao gồm nhức đầu, chóng mặt và lú lẫn.
Hướng dẫn của Hiệp hội Mũi học Anh cho hay, ALA không được khuyến cáo cho bệnh nhân mất khứu giác như một triệu chứng đơn lẻ trong hơn 2 tuần hoặc sau khi giải quyết bất kỳ triệu chứng Covid-19 nào khác.
Corticoid: Hiệp hội Mũi học Anh khuyến cáo sử dụng corticoid dạng xịt mũi ở bệnh nhân mất khứu giác hậu Covid-19 trong hơn 2 tuần liên quan đến các triệu chứng ở mũi, nhưng không khuyến cáo sử dụng dạng uống. Có thể sử dụng một số biệt dược corticoid dạng xịt mũi như: Beclometasone, budesonide và fluticasone.
Mặc dù không có dữ liệu kết luận về việc sử dụng corticoid cho chứng mất khứu giác hậu Covid-19, nhưng có bằng chứng rõ ràng cho thấy hiệu quả của loại thuốc này ở những bệnh nhân có hội chứng suy hô hấp nặng cần thở máy vì hoạt tính của nó giúp giảm viêm trong hệ thống hô hấp.
Tuy nhiên, thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ khi sử dụng không hợp lý như loãng xương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng, tăng nhãn áp, glocom, da teo mỏng, hội chứng Cushing (hiện tượng mặt tròn như mặt trăng, lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng trong khi chân tay teo nhỏ)…
Corticoid dạng hít thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, một số tác dụng phụ thường gặp (nấm miệng, khàn giọng) nên cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng.
Một nghiên cứu toàn diện liên quan đến những bệnh nhân bị mất khứu giác hậu Covid-19 đã xác định rằng mức độ cAMP và cGMP (chất truyền tin) trong nhầy mũi thấp hơn so với những người khỏe mạnh. Theophylline được cho là có tác dụng làm tăng các chất dẫn truyền thứ cấp, chẳng hạn như cAMP và cGMP, do đó hỗ trợ tái tạo biểu mô thần kinh khứu giác.
Điều trị bằng đường uống của nhóm này bị hạn chế do các tác dụng phụ bao gồm rối loạn giấc ngủ, tiêu hóa, nhịp tim nhanh, lo lắng. Mặt khác, sự cải thiện triệu chứng khi sử dụng thuốc này qua đường xịt mũi diễn ra nhanh hơn và không gây ra bất kỳ tác dụng phụ toàn thân nào.
Lời khuyên của thầy thuốc: Người bệnh mất khứu giác hậu Covid-19 nên: Chỉ dùng thuốc khi được sự thăm khám và tư vấn từ bác sĩ, đặc biệt là với corticoid. Vệ sinh môi trường xung quanh, tránh khói bụi làm kích thích phản ứng viêm ở đường thở trên. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe. Đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen… cần hết sức tránh các tác nhân dị ứng. Luyện tập thường xuyên các bài tập phục hồi khứu giác.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/mot-loai-thuoc-hien-co-bat-ngo-tri-duoc-mat-mui-mat-vi-do-covid-19-d199108.html