Bước chần nguyên liệu trước khi nấu rất đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện. Một số thực phẩm phải chần qua trước khi nấu để loại bỏ các tạp chất, độc tố.

Bước chần nguyên liệu trước khi nấu rất đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện. Cách này nhằm phần nào loại bỏ được axit oxalic, dư lượng thuốc trừ sâu, nitrit và các chất độc hại khác trong thực phẩm. Có một số loại thực phẩm nếu bỏ qua bước này khi nấu có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc.

Súp lơ

Chần qua súp lơ trước khi nấu giúp rau giữ được màu xanh. Ảnh minh họa 

Súp lơ là món mà nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, vấn đề khiến các chị em cảm thấy khó khăn nhất chính là rửa sạch nó bởi vì súp lơ có chứa nhiều bụi bẩn, thuốc bảo vệ thực vật và có thể có chứa những con bọ nhỏ. Việc chần qua nước sôi vừa giúp loại bỏ chất bẩn, vừa giúp súp lơ chín nhanh hơn, giòn hơn, không bị quắt và giữ được màu xanh tự nhiên sau khi xào.

Đậu phụ

Đậu phụ là nguyên liệu quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày. Nó có thể được chế biến thành các món ăn như đậu rim, rán, sốt, đậu phụ Tứ Xuyên, lẩu… Thông thường, đậu mua về được chị em nội trợ chế biến luôn nhưng thực tế, cần luộc qua nó trước khi nấu.

Lý do là vị đậu thường có mùi đặc trưng, để loại bỏ bớt một chút nặng mùi của đậu thì nên luộc qua trước khi nấu. Ngoài ra, khi luộc đậu xong, kết cấu của miếng đậu trở nên chắc chắn hơn nên khi nấu sẽ không dễ bị vỡ, nát.

Măng tươi

Măng tươi là loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, nếu sơ chế không đúng cách, loại thực phẩm này rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Trong măng có chứa glucozit. Khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, glucozit bị thủy phân và giải phóng axit xyanhydric.

Người lớn chỉ cần ăn phải 20mg axit xyanhydric đã có thể bị ngộ độc. Các triệu chứng của ngộ độc măng thường là nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hô hấp, khó thở,…

Vì vậy, bước chần măng với nước sôi là cực kỳ quan trọng. Sau khi xắt lát măng mỏng thì đem luộc qua với nước sôi trong khoảng vài phút. Trong quá trình luộc cần chú ý không đậy kín nắp nồi, từ đó mới giúp chất độc trong măng bay hơi ra ngoài. Cuối cùng, vớt măng ra và rửa lại với nước lạnh rồi chế biến tùy theo khẩu vị gia đình.

Rau có hàm lượng axit oxalic cao

Rau dền, rau chân vịt, mướp đắng và một số loại rau có hàm lượng acid oxalic cao cần chần qua nước sôi trước khi nấu để làm loãng hàm lượng acid axalic. Bởi nếu uống quá nhiều nước có chứa chất này có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu các khoáng chất như canxi, kẽm và tăng nguy cơ hình thành sỏi trong cơ thể vì acid oxalic trong cơ thể sẽ cùng với canxi và kẽm tạo ra calcium oxalate và zincoxalatedihydrate, không dễ hấp thụ và thải ra ngoài, khiến cơ thể bị thiếu canxi, thiếu kẽm, dẫn tới xương và răng phát triển không tốt, còn ảnh hưởng tới sự phát triển của trí não.

Thu Phương (T/h)
https://vietq.vn/dung-quen-chan-qua-cac-thuc-pham-sau-truoc-khi-nau-d197575.html