20 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười hai 20, 2024
More
    HomeSản xuất sạch hơnQuản lý hóa chất và chất thải để giảm thiểu áp lực...

    Quản lý hóa chất và chất thải để giảm thiểu áp lực cho môi trường, biến đổi khí hậu

    Date:

    Related stories

    Hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh đặt ra nhiêu vấn đề áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu.

    Theo thông tin từ Bộ Công Thương, công nghiệp hóa chất có mặt ở khắp các ngành công nghiệp, từ các khâu sản xuất hay ở các xí nghiệp, nhà xưởng đến sản xuất lương thực thực phẩm.

    Ngành này có đặc điểm chính là sự đa dạng các sản phẩm, có thể phục vụ cho tất cả các ngành công nghiệp khác. Chính vì thế, công nghiệp hóa chất khai thác các tài nguyên của đất nước từ khoáng sản, dầu khí cho đến sản phẩm, phụ phẩm và thậm chí là cả phế thải của công nghiệp, nông nghiệp.

    Hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh. Các ngành sản xuất hóa chất, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa dầu, hóa chất cơ bản, nguồn điện hóa học, khí công nghiệp, cao su, chất tẩy rửa, sơn, hóa dược đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển bền vững ở Việt Nam và đặt ra nhiêu vấn đề áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Do vậy, chu trình quản lý hóa chất và chất thải bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích, đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân loại.

    Kinh nghiệm cho thấy, quản lý chất thải được xem là trọng tâm của kinh tế tuần hoàn, hóa chất với kinh tế tuần hoàn là một nội dung lớn với những sáng kiến đang được áp dụng như “hóa chất cho một nền kinh tế tuần hoàn sạch để đảm bảo các hóa chất nguy hiểm và độc hại không tồn tại trong các sản phẩm tái chế; chuyển đổi từ việc bán hóa chất dưới dạng sản phẩm sang cho thuê dịch vụ; tái chế hóa chất thông qua chuyển đổi và xử lý chất thải; và thay thế hóa chất xanh cho các quá trình tuyến tính bằng áp dụng tuần hoàn hóa chất để bền vững hơn.


    Cần quản lý hóa chất để phát triển bền vững. Ảnh minh họa

    Để giải quyết vấn đề quản lý hợp lý hóa chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cần chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.

    Việt Nam đã và đang phát động nhiều chương trình cung cấp thông tin và khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm mục tiêu thúc đẩy thiết kế sinh thái, thúc đẩy các quy trình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững và nhằm đảm bảo rằng chất thải và ô nhiễm được ngăn chặn, các nguồn lực vốn tự nhiên được lưu giữ và sử dụng tối đa trong nền kinh tế.

    Điều kiện kinh doanh hóa chất, trừ hóa chất bị cấm theo Công ước Quốc tế về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

    Theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất. Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương

    Yêu cầu chung để đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

    Điều 4. Yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa

    Nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.

    Nhà xưởng, kho chứa phải có lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

    Hệ thống thông gió của nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió.

    Hệ thống chiếu sáng đảm bảo theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu trữ hóa chất. Thiết bị điện trong nhà xưởng, kho chứa có hóa chất dễ cháy, nổ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ.

    Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được hóa chất, tải trọng, không gây trơn trượt, có rãnh thu gom và thoát nước tốt.

    Nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất, treo ở nơi dễ thấy. Các biển báo thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất phải có các thông tin: Mã nhận dạng hóa chất; hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì hình đồ cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó. Tại khu vực sản xuất có hóa chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

    Nhà xưởng, kho chứa phải có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và được định kỳ kiểm tra theo các quy định hiện hành.

    Đối với bồn chứa ngoài trời phải xây đê bao hoặc các biện pháp kỹ thuật khác để đảm bảo hóa chất không thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất và có biện pháp phòng chống cháy nổ, chống sét.

    Nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Điều 5. Yêu cầu đối với công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì

    Công nghệ sản xuất hóa chất được lựa chọn đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.

    Thiết bị kỹ thuật phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với chủng loại hóa chất và quy trình công nghệ, đáp ứng được công suất sản xuất, quy mô kinh doanh. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.

    Yêu cầu về bao bì

    Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển. Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất. Các vật chứa, bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

    Vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất phải có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định về ghi nhãn hóa chất. Nhãn của hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển.

    Điều 6. Yêu cầu đối với bảo quản, vận chuyển hóa chất

    Các hóa chất nguy hiểm phải được phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất. Không được bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực.

    Hóa chất trong kho phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.

    Quá trình vận chuyển hóa chất phải thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm.

    Điều 7. Yêu cầu đối với hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất

    Hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất phải được thực hiện tại địa điểm đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Thiết bị san chiết, đóng gói hóa chất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.

    Bao bì, vật chứa và nhãn hóa chất sau khi san chiết, đóng gói phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.

    Người lao động trực tiếp san chiết, đóng gói hóa chất phải được huấn luyện về an toàn hóa chất.

    An Dương
    https://vietq.vn/quan-ly-hoa-chat-va-chat-thai-de-giam-thieu-ap-luc-cho-moi-truong-va-suc-khoe-d189459.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img