21 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngBáo động tình trạng nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn tại nhiều...

    Báo động tình trạng nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn tại nhiều tỉnh thành

    Date:

    Related stories

    Kết quả nghiên cứu mới công bố của trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 tại nhiều tỉnh thành Việt Nam đã vượt quá tiêu chuẩn QCVN 05:2013.

    Ô nhiễm bụi PM2.5 đến mức báo động

    “Bụi lơ lửng” (PM) là hỗn hợp các hạt rắn và lỏng có kích thước rất nhỏ lơ lửng trong không khí. Có 2 loại kích cỡ của PM trong môi trường không khí xung quanh hiện đang được nghiên cứu nhiều là PM10 (bụi có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 10 μm) và PM2.5 (bụi có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 μm). PM2.5 nhỏ hơn (gọi là bụi mịn) và nằm trong tập hợp con của PM10, có thể lưu lại trong không khí trong thời gian dài và bay xa hàng trăm km.

    Các hạt thô, hoặc các phần tử của PM10 lớn hơn 2,5μm, không tồn tại trong không khí lâu và ảnh hưởng của chúng thường bị hạn chế bởi chúng có xu hướng lắng xuống bề mặt xuôi theo chiều gió từ các nguồn phát thải.

    Các hạt thô lớn hơn không bay được dễ dàng qua khu vực đô thị hoặc các khu vực rộng vì chúng quá lớn để lơ lửng trong không khí và có xu hướng bị loại bỏ dễ dàng khi tiếp xúc với bề mặt. Nói tóm lại, khi kích thước hạt tăng, lượng thời gian các hạt tồn tại trong không khí giảm.

    Bụi trong không khí có thể được chia theo nguồn phát sinh gồm (1) nguồn tự nhiên và nguồn nhân tạo hoặc (2) nguồn sơ cấp và nguồn thứ cấp. PM10, PM2.5 có thể phát thải trực tiếp vào trong môi trường không khí (được gọi là bụi PM sơ cấp) hoặc được hình thành từ các dạng hỗn hợp khí của ôxit sunfua (SO42-), ôxít nitơ (NO3-), amoni (NH4+) và các hợp chất hữu cơ bay hơi không chứa metan (NHVOC) (được gọi là bụi PM thứ cấp). Cả hai loại này đều có thể được hình thành từ nguồn tự nhiên và do con người.

    Các yếu tố như gió, bão, cháy rừng, núi lửa là những nguồn phát sinh bụi trong tự nhiên. Một số yếu tố khác như chất phóng xạ trong tự nhiên, sóng biển… cũng góp một phần nhỏ nguyên nhân vào phát sinh sơ cấp của bụi PM. Nguồn do con người gây ra gồm có hoạt động đốt nhiên liệu của động cơ đốt trong (động cơ diesel và xăng dầu), đốt nhiên liệu rắn (than đá, than non, dầu nặng và sinh khối) đốt nhiên liệu cho việc sản xuất năng lượng trong các hộ gia đình và công nghiệp, các hoạt động công nghiệp khác (xây dựng, khai thác mỏ, sản xuất xi măng, gốm sứ, gạch, và luyện kim), sự xói mòn của mặt đường do giao thông đường bộ và mài mòn của phanh và lốp xe.

    Nông nghiệp là nguồn chính tạo nên bụi PM có chứa amoni (NH4+). Bụi PM thứ cấp được hình thành trong không khí thông qua các phản ứng hóa học của các chất ô nhiễm dạng khí. Chúng là sản phẩm của sự biến đổi của các oxit nitơ trong khí quyển (chủ yếu phát ra bởi giao thông và một số quy trình công nghiệp) và lưu huỳnh đioxit từ việc đốt các nhiên liệu có chứa lưu huỳnh. Hạt thứ cấp chủ yếu được tìm thấy trong bụi mịn (PM2.5).

    Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về những vấn đề xung quanh bụi PM cũng như những cơ chế để hạn chế tác động xấu của vấn đề ô nhiễm bụi PM. Tuy nhiên, ở châu Á, nhất là các quốc gia đang phát triển, thông tin về bụi nói chung và bụi mịn nói riêng vẫn còn khá thiếu.

    Khi nhận thức về tác hại đối với sức khoẻ và môi trường được nâng lên, gần đây các nghiên cứu về bụi PM ngày càng được chú ý. Nhiều nghiên cứu, đặc biệt ở khu vực châu Á đã tập trung vào bụi PM, đặc biệt PM2.5, trong đó sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng đánh giá tương quan, mô hình lan truyền, giải đoán ảnh vệ tinh hoặc sử dụng phương pháp phân tích hóa học để nghiên cứu về nguồn phát thải, đặc điểm vật lý, hoá học của các loại bụi.

    Một nghiên cứu mới công bố của trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) về nồng độ bụi PM2.5 trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã tiết lộ các tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quá tiêu chuẩn QCVN 05:2013. Để phục vụ nhu cầu biết được bất kì nơi nào đang ô nhiễm không khí với mức độ bao nhiêu, các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) do PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh dẫn đầu đã xây dựng bộ dữ liệu không gian có độ phân giải cao về ô nhiễm không khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

    Họ đã kết hợp với dữ liệu ảnh vệ tinh và dữ liệu mặt đất trong giai đoạn 2016-2019, sử dụng mô hình học máy thống kê để phân tích, ước tính và trực quan hóa nồng độ chất ô nhiễm PM2.5 (bụi mịn với đường kính động học nhỏ hơn 2.5 micromet (PM2.5) là chất ô nhiễm được quan tâm nhiều nhất do chúng gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như đến hệ thống khí hậu) trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là một trong những bản đồ đầu tiên của Việt Nam trình bày rõ nét nồng độ ô nhiễm không khí trên diện rộng.

    Bản đồ chỉ ra rằng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 trên cả nước biến thiên từ 6,19 – 37,7µg/m3. Khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều dân cư, nhà máy hoặc khu công nghiệp. Đồng bằng sông Hồng là nơi có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất. Nồng độ này giảm dần ở một phần duyên hải miền Trung và một phần tại đồng bằng sông Cửu Long.


    Nhiều tỉnh thành tại Việt Nam có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn: Ảnh minh họa

    Từ dữ liệu nồng độ toàn quốc này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ thứ hai về nồng độ PM2.5 có tính đến trọng số dân số cấp tỉnh/thành. PGS.TS. Nguyễn Nhật Thanh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết vì mật độ dân số ở mỗi địa điểm khác nhau, có những nơi nhiều diện tích tự nhiên không người sinh sống nhưng còn có những nơi dân cư đông đúc, nên nếu tính nồng độ PM2.5 trung bình theo cách cộng vào chia đều sẽ ra giá trị rất nhỏ. Do vậy, họ đã gán các giá trị trọng số cao ở khu vực đông dân và trọng số thấp ở nơi ít người sinh sống để tính nồng độ PM2.5 trung bình của mỗi tỉnh thành.

    Dải nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm ở các tỉnh, thành phố biến thiên từ 6,19 – 37,7µg/m3. Số liệu bản đồ chỉ ra rằng, trong suốt một năm, một đứa trẻ sinh sống ở Hà Nội tiếp xúc với nồng độ bụi cao hơn 30% so với một đứa trẻ ở TP.HCM và hơn 50% so với một đứa trẻ ở Đà Nẵng. Điều này gióng lên những hồi chuông cảnh báo về bất bình đẳng trong việc tiếp cận không khí sạch. Với cùng một điều kiện thu nhập gia đình và học tập cơ bản, những đứa trẻ ở địa điểm khác nhau đã phải đối mặt với các nguy cơ sức khỏe khác nhau vì hít thở không khí bị ô nhiễm.

    Số liệu từ bản đồ này đã được nhóm nghiên cứu trường ĐH Y tế Công cộng sử dụng để đánh giá gánh nặng bệnh tật do tử vong vì ô nhiễm không khí cho Hà Nội, dự kiến công bố vào tháng 3/2021, và đánh giá gánh nặng bệnh tật do tử vong cho toàn Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.

    Bản đồ đã xếp hạng các tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm từ cao đến thấp, trong đó có 18/63 tỉnh thành vượt quá tiêu chuẩn 25µg/m3 được quy định trong QCVN 05:2013. Chúng được coi là những tỉnh thành bị ô nhiễm bụi PM2.5, bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên,Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM và Bình Dương.

    Sẽ ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường

    Liên quan tới các giải pháp giảm ô nhiễm không khí, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, tại Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể.

    Trong đó có một số nhiệm vụ cần phải triển khai ngay như điều tra, kiểm kê, đánh giá nguồn phát sinh khí thải (nguồn cố định, nguồn di động, nguồn diện) trên toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn phát thải nói chung trong đó có nguồn thải khí thải; tập trung phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân, nguồn gốc bụi mịn (PM2.5) gây ô nhiễm môi trường không khí vừa qua, trên cơ sở đó sẽ đề xuất các biện pháp, giải pháp cụ thể kiểm soát triệt để nguồn phát tán ô nhiễm bụi.

    Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg, đề xuất Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021 – 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2021. Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng.

    Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.

    Năm 2021, Bộ tập trung rà soát, hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV năm 2021.

    Đồng thời, xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí.

    Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch quản lý chất lượng không khí; Chỉ thị 03/CT-TTg. Đặc biệt là các quy định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

    Phong Lâm
    http://vietq.vn/bao-dong-tinh-trang-nong-do-bui-pm25-vuot-chuan-tai-nhieu-tinh-thanh-viet-nam-d184434.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img