20 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
More
    HomeSản xuất sạch hơnNhững biến chứng nguy hiểm khi lạm dụng thuốc chứa corticoid

    Những biến chứng nguy hiểm khi lạm dụng thuốc chứa corticoid

    Date:

    Related stories

    Theo các bác sĩ, hiện nay rất nhiều người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do lạm dụng thuốc chứa corticoid.

    Theo thông tin các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, corticoid được dùng trong điều trị nhiều loại bệnh, nhưng thời gian gần đây tình trạng lạm dụng corticoid gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

    Những biến chứng nguy hiểm khi dùng corticoid bôi ngoài da

    Nhìn chung, Corticoid bôi ngoài da thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu được sử dụng đúng như liều khuyến cáo. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc sử dụng corticoid mạnh hoặc trên một diện tích da lớn, nguy cơ gặp tác dụng phụ sẽ cao hơn. Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng dễ gặp tác dụng phụ của thuốc.

    Tác dụng phụ thường gặp của thuốc corticoid bôi ngoài da là cảm giác châm chích, bỏng rát nhẹ. Cảm giác này thường biến mất sau vài lần sử dụng. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác như teo mỏng da, rạn da, thay đổi sắc tố da, da dễ bị bầm tím, tổn thương, chậm lành vết thương, mụn hoặc trứng cá đỏ, rậm lông ở vùng điều trị, bội nhiễm nấm, vi khuẩn.

    Dù chỉ dùng tại chỗ, một lượng thuốc vẫn có thể đi qua da và hấp thu vào dòng máu. Thông thường lượng thuốc này nhỏ và không gây ra các tác dụng phụ toàn thân. Nhưng nếu sử dụng corticoid hiệu lực mạnh liên tục, dài ngày trên diện tích da lớn, lượng thuốc được hấp thu này có thể đủ lớn để gây ra các tác dụng phụ khác như chậm lớn ở trẻ em, hội chứng Cushing.

    Mặt biến dạng sau đợt tiêm thuốc chứa corticoid chữa đau lưng

    Bệnh nhân Tr.H.Ng (Hà Nội) bị đau lưng do thoát vị đĩa đệm. Do cơn đau hành hạ nên chị tìm đến phương pháp tiêm thuốc giảm đau tại vùng cột sống thắt lưng. Sau đợt điều trị, thay vì khuôn mặt thanh tú với làn da trắng hồng mịn màng, mặt chị căng tròn, da mỏng, xuất hiện rất nhiều mụn trứng cá đỏ, có mủ…

    Mặc dù có nghi ngại về vấn đề tác dụng phụ của thuốc, nhưng do sau mỗi lần tiêm, triệu chứng đau lưng giảm hẳn nên chị Ng. hy vọng sau khi điều trị khỏi đau lưng, ngừng thuốc thì mụn trứng cá sẽ hết, gương mặt và làn da lại trắng đẹp như xưa… Chỉ đến khi gặp bác sĩ chị mới tá hỏa biết mình đang sử dụng thuốc giảm đau chống viêm corticoid không hợp lý, dùng kéo dài liều cao và gặp tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc…


    Tình trạng lạm dụng thuốc corticoid đang rất báo động. Ảnh minh họa

    Suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc chứa corticoid

    Bà D.T.K (61 tuổi, ở Bắc Ninh) là bệnh nhân nội trú đang điều trị tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 cách đây 1 năm (đang duy trì tiêm insulin hằng ngày), đau khớp gối phải khoảng 10 năm, nhiều lần tiêm khớp không rõ thuốc và ngoài ra bà còn sử dụng thuốc nam để điều trị đau khớp theo kinh nghiệm truyền miệng. Đợt này, bệnh nhân thấy mệt mỏi nhiều, ăn uống giảm, gầy sút 7kg trong một tháng nên đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai.

    Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm bác sĩ phát hiện bệnh nhân có biểu hiện kiểu hình Cushing: teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết …. và suy tuyến vỏ thượng thận do lạm dụng các thuốc có chứa corticoid để điều trị bệnh lý khớp trong thời gian dài. Sau 20 ngày điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện. Tuy nhiên, những tác dụng phụ mà corticoid gây ra với sức khỏe thì vẫn tiếp tục phải theo dõi và thăm khám định kỳ.

    Trường hợp thứ 2 cũng bị suy tuyến vỏ thượng thận do lạm dụng corticoid là bà N.T.H (72 tuổi, ở Hải Dương). Bà H. vào viện với biểu hiện mệt mỏi nhiều, yếu nửa người trái.

    Theo bác sĩ, bệnh nhân có tiền sử bị đái tháo đường, tăng huyết áp 10 năm, suy thận 2 năm. Bên cạnh đó, vài năm gần đây, bà có thêm biểu hiện đau khớp gối 2 bên và cột sống thắt lưng, đã tự mua thuốc thấp khớp gia truyền dạng viên hoàn uống hàng ngày. Cách đây một năm, bệnh nhân cũng đã được chẩn đoán suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid, đang điều trị Hydrocortisone 15mg/ngày.

    Không bỏ được thuốc vì dùng quá nhiều thuốc chứa corticoid

    Khác với bệnh nhân Ng., bà H.T.Ch (76 tuổi, Hà Nội), có tiền sử bị viêm khớp dạng thấp từ hơn 30 năm trước. Bà đã điều trị nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc từ Tây y đến Đông y, nhưng kết quả là bệnh khớp dạng thấp ngày càng nặng. Cuối cùng, bà đã tìm được một loại thuốc giúp giảm sưng đau, nên bà luôn “trung thành” với nó, đó là corticoid. Nhưng theo thời gian, bà phải dùng tăng liều corticoid thì mới hiệu quả.

    Mặc dù khi dùng thuốc suốt nhiều năm, bà Ch. luôn phải đối mặt với tác dụng không mong muốn: mệt mỏi, tăng đường huyết, viêm loét dạ dày, sạm da, teo cơ, tăng huyết áp… nhưng bà không bỏ được thuốc, vì “nếu không uống thuốc, tôi đau khớp không chịu được”. – bà Ch. chia sẻ.

    Theo các bác sĩ, một số loại thuốc corticoid thường được sử dụng trong viêm khớp dạng thấp là dexamethasone, methylprednisolone, prednisolone,… Những loại thuốc này có các dạng sử dụng như dạng uống, dạng tiêm, tùy vào từng trường hợp của bệnh nhân, mức độ bệnh và thời gian điều trị để bác sĩ kê thuốc, liều dùng và dạng thuốc phù hợp. Nhưng nguyên tắc điều trị là dùng liều tấn công, ngắn ngày, đến khi đạt hiệu quả, cần giảm liều dần, thay thế bằng thuốc chống viêm không steroid để tránh suy tuyến thượng thận cấp và phụ thuộc thuốc.

    Nhưng, sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp chưa bao giờ là dễ dàng, do đó bệnh nhân thường có xu hướng lạm dụng thuốc và lệ thuộc thuốc. Khi lạm dụng, bệnh nhân hay gặp phải biến chứng nguy hiểm do quá liều corticoid như đã nêu trên.

    Về vấn đề lệ thuộc corticoid, tùy vào thời gian sử dụng và tùy vào bệnh nhân. Có người bị lệ thuộc thuốc chỉ sau sử dụng 1-2 tuần (có thể do thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàm lượng corticoid rất cao nên người bệnh phụ thuộc vào thuốc sớm). Nhưng có người sau vài tháng đến nửa năm mới lệ thuộc thuốc.

    Khi bị lệ thuộc thuốc, việc cai thuốc sẽ rất khó khăn. Nhất là bệnh nhân có bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Nếu ngưng thuốc sẽ làm bùng các cơn viêm khớp hoặc những triệu chứng phụ thuộc vào corticoid khiến bệnh nhân, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ…

    Vì vậy, bệnh nhân cần đi khám tại chuyên khoa nội tiết để làm các xét nghiệm, kiểm tra. Sau đó phải có lộ trình giảm dần liều corticoid như một cách tập cho tuyến thượng thận tự làm việc trở lại. Trong trường hợp không thể ngừng thuốc, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bệnh nhân để hướng dẫn cách dùng thuốc với liều sinh lý suốt đời.

    Nhận biết thuốc có chứa corticoid

    Để biết loại thuốc đang sử dụng có chứa corticoid hay không, cách tốt nhất là bạn đọc hướng dẫn sử dụng, xem mục các thành phần của thuốc bạn sẽ biết được thành phần đầy đủ của thuốc hoặc cách khác là bạn có thể hỏi ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ.

    Thuốc có chứa corticoid nếu trong thành phần có những chất sau: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluocinolone, fluticasone; beclomethasone, betamethasone, dexamethasone…

    Thông thường các corticoid thường có đuôi “sone” (“son”) hoặc “olone” (“olon”). Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ: budesonide

    Một số loại thuốc thường gặp trên thị trường có thành phần là corticoid: Thuốc medrol chứa thành phần methylprednisolone, thuốc fucicort chứa thành phần betamethasone, thuốc điều trị hen symbicort chứa thành phần budesonide, thuốc flucinar chứa thành phần fluocinolone, thuốc nhỏ mắt polydexa chứa thành phần dexamethasone…

    Việc nhận biết thành phần corticoid có trong thuốc để giúp bạn cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thuốc này. Từ đó, sử dụng corticoid an toàn hợp lý hiệu quả, tránh được những tác dụng phụ nguy hiểm.

    An Dương (T/h)
    http://vietq.vn/nhung-bien-chung-nguy-hiem-khi-lam-dung-thuoc-chua-corticoid-d182659.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img