23 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNguy cơ độc hại từ trào lưu gắn răng nanh giả bằng...

    Nguy cơ độc hại từ trào lưu gắn răng nanh giả bằng nhựa

    Date:

    Related stories

    Theo các chuyên gia răng miệng, gắn răng nanh giả tạo sự khác biệt và đáng yêu đang được nhiều bạn trẻ thích nhưng nên thận trọng.

    Răng giả hiện nay đa phần được làm từ sứ, hoặc titan, thậm chí là bằng vàng. Tuy nhiên răng khểnh giả bằng nhựa mới xuất hiện thời gian gần đây được rất nhiều giới trẻ ưa chuộng bởi giá thành của nó. Để sở hữu những chiếc răng này không hề khó khăn bởi nó đang được rao bán nhan nhản trên mạng xã hội.

    Chỉ cần một click chuột tìm kiếm người tiêu dùng cũng có thể tìm được rất nhiều địa chỉ bán răng nanh, răng khểnh giả với kích cỡ khác nhau. Thậm chí còn có dịch vụ giao hàng tận nơi, người mua không cần phải đến các cơ sở y tế tư vấn mà vẫn dễ dàng sử dụng bằng cách dùng một loại dung dịch gọi là “keo dán răng” để gắn chiếc răng giả vào hàm răng thật.

    Cũng theo lời quảng cáo của một trang bán hàng online loại răng khểnh giả này được làm từ nhựa mintame cao cấp có màu ngà vàng tự nhiên giống răng thật. Khách hàng có thể chọn các kích cỡ khác nhau, phù hợp với hàm răng của mình. Không những vậy, loại răng này có thể dùng cho cả nam và nữ, sử dụng nhiều lần, thời gian sử dụng tùy ý khách hàng.


    Gắn răng nanh giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc hại. Ảnh minh họa

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia về gia khoa, ngoài những lời quảng cáo “có cánh” như: “Răng khểnh tự nhiên cao cấp”, “Trồng răng khểnh giả bền, đẹp, tự nhiên”… thì các thông tin khác về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng gần như không có nhiều. Thậm chí giấy tờ kiểm định chất lượng sản phẩm cũng không có. Mặc dù vậy vẫn có rất nhiều bạn trẻ tin tưởng đặt mua. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là nguồn gốc của mặt hàng này thì người bán hàng lại không thể trả lời. Cũng chính từ việc không rõ ràng xuất xứ mà những lo ngại về loại răng khểnh giả này khiến nhiều người hoang mang, thậm chí còn gây nguy hiểm khôn lường.

    Mỗi chiếc răng đều có một chức năng riêng. Răng cửa dùng để cắn thức ăn, răng nanh để xé thức ăn. Nhưng khi răng cửa mọc lệch và răng nanh khểnh thì chức năng này sẽ không được đảm bảo. Vì vậy, thực chất, răng khểnh là bệnh lý. Xét về mặt khoa học, răng khểnh làm rối loạn khớp cắn và gây ra các bệnh nhiễm trùng răng miệng.

    Do đó, việc tự ý gắn răng giả để tạo răng khểnh sẽ gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, rất dễ gây ra tình trạng viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng do các thức ăn mảng bám tích tụ lại. Từ đó gây ra hôi miệng khó chịu, sâu răng hoặc nặng nề hơn có thể gặp phải biến chứng gây phá huỷ tổ chức cứng của răng. Đó là chưa kể việc các loại răng rao bán trên mạng nếu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm ra sao nếu sử dụng trong thời gian dài vô tình đưa các độc chất vào cơ thể, gây ra các bệnh răng miệng…

    Trong khi đó, các sản phẩm răng, nguyên liệu keo gắn răng giả đang được rao bán trên mạng đều không có nhãn mác, thành phần. Vì vậy, không ai có thể đảm bảo rằng chúng không có chứa các độc tố kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen có hại cho răng lợi và hệ tiêu hóa khi đi qua đường miệng vào trong cơ thể.

    Nguy hiểm hơn cả, loại keo dùng để gắn răng được người bán hàng cho biết làm từ nhựa thông, nhưng sau khi phối trộn dung dịch lỏng không phải là nhựa thông. Đây chỉ là keo dán thông thường, có thể dán móng tay. Nếu là dung dịch nguyên liệu dùng gắn răng thì phải có mùi hắc đặc trưng, hít phải liều lượng lớn có thể gây ngất xỉu. Còn bột trắng có thể là xi măng trắng dùng làm chất độn gắn răng, nhưng nguyên liệu dùng trong nha khoa không tùy tiện mua và không tùy tiện dùng. Trong khi đó các loại răng nhựa đang được rao bán tràn lan trên mạng không có nhiều thông tin về thành phần vì vậy rất có thể khi gắn những loại răng giả đó là chúng ta đang vô tình đưa các chất độc hại vào cơ thể. Việc kiểm chứng bằng mắt thường là rất khó.

    Vì vậy, người dân nên đến những cơ sở ý tế có chuyên khoa răng hàm mặt để thực hiện việc gắn răng giả. Việc trồng răng khểnh nói riêng và trồng răng giả nói chung nếu được thực hiện ở những cơ sở có chuyên môn, chất liệu làm răng là chất liệu tốt thì mọi người có thể hoàn toàn yên tâm rằng chiếc răng ấy có thể sử dụng như một chiếc răng thật. Còn nếu không, coi chừng “rước họa vào thân”.

    Cảnh báo thêm về việc gắn răng nanh giả, bà Jennifer Haddad – một nha sĩ thẩm mỹ ở bang California (Mỹ) cho biết, nếu đặt răng nanh giả sai cách, nó sẽ gây ảnh hưởng đến khớp cắn và có khả năng làm hỏng cả các răng xung quanh. Người dùng cũng cần lưu ý, những người lỡ gắn nanh giả bằng keo siêu dính được cảnh báo rằng cần đến ngay nha khoa, không nên tự tháo ở nhà.

    An Dương (T/h)
    http://vietq.vn/nguy-co-doc-hai-tu-trao-luu-gan-rang-nanh-gia-d180171.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img