23 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngƯớc tính hơn 14 triệu tấn nhựa đang nằm dưới đáy các...

    Ước tính hơn 14 triệu tấn nhựa đang nằm dưới đáy các đại dương

    Date:

    Related stories

    Các nhà khoa học Australia ước tính ít nhất có khoảng 14 triệu tấn vi nhựa có chiều rộng dưới 5mm, nằm sâu dưới đáy các đại dương trên thế giới.

    Một nghiên cứu vừa được công bố của Cơ quan nghiên cứu khoa học Australia (CSIRO) ước tính ít nhất có khoảng 14 triệu tấn vi nhựa có chiều rộng dưới 5mm, nằm sâu dưới đáy các đại dương trên thế giới.

    Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn báo cáo kết quả nghiên cứu của CSIRO cho biết các nhà khoa học đã thu thập và phân tích lõi các đáy đại dương nằm ở sáu địa điểm xa xôi, cách bờ biển phía Nam vịnh Great Australian Bight của Australia khoảng 300km.

    Với 51 mẫu trầm tích từ độ sâu 3km trở lên, kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng nhựa dưới đáy đại dương trên thế giới có khả năng cao hơn 30 lần so với lượng nhựa trôi nổi trên bề mặt.

    Rác thải nhựa tràn ngập trên bờ biển ở Cocos, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Các nhà khoa học nhận định sau khi loại trừ trọng lượng của nước, mỗi gam trầm tích chứa trung bình 1,26 mảnh vi nhựa.

    Các mảnh vi nhựa có đường kính từ 5mm trở xuống, chủ yếu xuất hiện do các vật dụng bằng nhựa có thể tích lớn hơn bị vỡ vụn thành các mảnh nhỏ chìm sâu xuống đáy đại dương.

    Tiến sỹ Denise Hardesty, nhà nghiên cứu trưởng tại CSIRO và là đồng tác giả của báo cáo nói trên, cho biết việc tìm thấy vi nhựa ở một vị trí xa xôi và ở độ sâu như vậy “chỉ ra sự phổ biến của nhựa, bất kể ở đâu trên thế giới.”

    Bà Hardesty cho biết điều này có nghĩa là vi nhựa đã nằm trong toàn bộ “cột nước” (bao gồm từ bề mặt tới đáy đại dương). Thực tế này “gióng lên hồi chuông báo động” về các tác động của thói quen tiêu dùng mà con người đang tạo ra đối với những nơi được coi là hoang sơ nhất.


    Rác thải nhựa dưới đáy biển ở gần bờ biển Lindos trên đảo Rhode, Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Các nhà khoa học CSIRO bắt đầu thực hiện việc khoan lõi đáy đại dương từ tháng 3 và 4/2017, tại khu vực biển cách bờ 288-349 km, ở độ sâu 1.655-3.016.

    Tiến sỹ Hardesty lý giải các mảnh vi nhựa được tìm thấy không thể xác định niên đại, cũng như nguồn gốc xuất phát điểm là mảnh vỡ từ vật dụng thuộc loại nào, hình dáng ra sao.

    Tuy nhiên, quan sát dưới kính hiển vi có thể đưa ra kết luận rằng hình dạng của các hạt vi nhựa cho thấy chúng đã từng là vật phẩm tiêu dùng.

    Dựa trên kết quả công trình nghiên cứu, các nhà khoa học của CSIRO đã cho rằng lượng nhựa được tìm thấy trong các mẫu xét nghiệm trầm tích mà họ thực hiện, cùng với các kết quả nghiên cứu từ nhiều tổ chức khác, có thể đưa ra ước tính khoảng 14,4 triệu tấn vi nhựa hiện đang nằm sâu dưới đáy các đại dương trên toàn cầu.

    Mặc dù đây có vẻ là một con số lớn, nhưng Tiến sỹ Hardesty nhận định đó mới chỉ là một phần nhỏ so với tổng lượng chất thải nhựa có khả năng đi vào đại dương mỗi năm.

    Bà dẫn chứng tháng 9/2020, một nghiên cứu quốc tế khác đã chỉ ra rằng tính đến năm 2016, có khoảng từ 19-23 triệu tấn nhựa đã bị thải ra các con sông và đại dương. Trong khi, một số nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế ước tính có khoảng 8,5 triệu tấn nhựa rơi vào các đại dương mỗi năm và 250.000 tấn nhựa trôi nổi trên bề mặt của đại dương.

    Bên cạnh đó, các nhà khoa học thế giới cũng lưu ý rằng trọng lượng của mảnh vi nhựa dưới đáy đại dương sẽ hơn từ 34-57 lần so với bề mặt.

    Tiến sỹ Hardesty nói có những điểm không hoàn toàn chính xác trong các ước tính khoa học nhưng chúng được đưa ra dựa trên những bằng chứng và thông tin tốt nhất hiện có. Đây là nguồn tham khảo quan trọng để thế giới nhận thức sâu sắc hơn về mức độ ô nhiễm môi trường biển và chất thải nhựa.

    Mặc dù vậy, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của SCIRO nói lượng nhựa nằm sâu dưới đáy đại dương tương đối nhỏ so với tổng lượng các loại nhựa thải ra trên trái đất. Trầm tích dưới đáy biển sâu hiện không phải là “nơi an nghỉ” chính của nhựa.

    Tiến sỹ Julia Reisser, nhà sinh học biển tại Viện Đại dương của Đại học Tây Australia, và là người đã tham gia nghiên cứu về ô nhiễm nhựa trên đại dương trong suốt 15 năm qua, nhận định công trình nghiên cứu khoa học mới nhất của CSIRO là một đóng góp quan trọng cho các nỗ lực toàn cầu.

    Bà Reisser hy vọng dữ liệu biển sâu của Australia có thể được kết hợp với các nỗ lực khác trên toàn thế giới, tạo lập nền móng cho các nghiên cứu tương lai, đưa ra một bức tranh chính xác nhất về môi trường biển.

    Cuối tháng 9, các nhà lãnh đạo từ hơn 70 quốc gia đã ký một cam kết tự nguyện nhằm đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, trong đó có mục tiêu ngăn chặn nhựa xâm nhập đại dương đến năm 2050.

    Một số các quốc gia lớn đã không ký cam kết, bao gồm Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Australia./.

    Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+)

    https://www.vietnamplus.vn/uoc-tinh-hon-14-trieu-tan-nhua-dang-nam-duoi-day-cac-dai-duong/667749.vnp

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img