Mỗi năm có 4,1 triệu người tử vong trên toàn thế giới do ăn thừa muối. Hiện tại, 75 nước trên thế giới có chiến lược giảm tiêu thụ muối theo khuyến cáo của WHO.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối mỗi ngày để phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO.
Trong khi đó, ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thậm chí làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây những rối loạn khác cho sức khỏe.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc người dân ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch tại nước ta. Ở Việt Nam, cứ 5 người trưởng thành, có 1 người bị bệnh tăng huyết áp và trong 3 trường hợp tử vong, có 1 trường hợp là do các bệnh tim mạch. Riêng trong năm 2016, ước tính toàn quốc có tới gần 82.000 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não và gần 68.000 trường hợp tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm 27% tổng số ca tử vong toàn quốc.
“Hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn hạn chế. Do vậy, thông tin, giáo dục, truyền thông có vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân để thực hiện ăn giảm muối, phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe”, ông Trần Văn Thuấn nói.
Việc ăn thừa muối gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Cũng theo ông Trần Văn Thuấn cho biết, để phòng chống các bệnh tim mạch hiệu quả, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng và các biện pháp giảm tiêu thụ muối. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 – 2025 và Chương trình Sức khỏe Việt Nam trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để giảm mức tiêu thụ muối, tăng cường dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, ngành Y tế các địa phương cần phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh tật khác trên phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng. Các cơ sở y tế, đặc biệt là trạm y tế xã, tăng cường đo kiểm tra huyết áp cho mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, kết hợp với hướng dẫn, tư vấn giảm ăn muối cho người bệnh đang được quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh mạn tính khác.
Liên quan đến tới vấn đề trên, theo ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, theo WHO, mỗi năm có 4,1 triệu người tử vong trên toàn thế giới do ăn thừa muối. Hiện tại, 75 nước trên thế giới có chiến lược giảm tiêu thụ muối theo khuyến cáo của WHO và nhiều nước đã thành công giảm lượng muối cho người dân. “Nếu thực hiện đúng khuyến cáo, mỗi năm chúng ta cứu được 2,5 triệu người tử vong”, ông Kidong Park nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kidong Park, khác với các nước, tiêu thụ muối của Việt Nam chủ yếu là ở các hộ gia đình. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng qua chiến dịch truyền thông giảm tiêu thụ muối là vô cùng quan trọng ở Việt Nam. Mỗi người dân hãy thực hiện thông điệp: “Cho bớt muối khi nấu ăn; chấm nhẹ tay khi ăn; giảm đồ mặn khi lựa chọn thực phẩm, khi nấu nướng và khi ăn”.
Bảo Linh (T/h)
http://vietq.vn/moi-nam-co-khoang-41-trieu-nguoi-tu-vong-vi-an-thua-muoi-d179064.html