Việt Nam hiện là một trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương với 280.000 tấn/năm, trong khi việc xử lý và thu gom rác thải nhựa, bao bì tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Liên minh tái chế bao bì Việt Nam được thành lập với mục đích góp phần tạo một môi trường xanh bền vững.
Lễ ký kết thành lập liên minh tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt Pro Vietnam) đã diễn ra sáng 21/6, tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 9 tập đoàn, công ty đa quốc gia về ngành đồ uống, thực phẩm đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Phú Trai, Chủ tịch Pro Vietnam, cho biết, đây là những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam, chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì. Vì thế, việc liên minh các tập đoàn, công ty này nhằm mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua chung tay hỗ trợ giải quyết việc thu gom, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa, bao bì theo cách dễ tiếp cận và bền vững hơn.
Các tập đoàn, công ty đa quốc gia tại Việt Nam tham gia ký kết thành lập liên minh tái chế bao bì vì môi trường bền vững.
Mục tiêu của Pro Vietnam là vào năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế triệt để. Pro Vietnam sẽ hợp tác với ngành công nghiệp tái chế chính thức thông qua việc tăng lượng thu gom, hỗ trợ những lực lượng thu gom tự phát, cùng với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác.
Bên cạnh đó, Pro Vietnam sẽ hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế tại các địa phương, bao gồm các ứng dụng tái chế tạo ra các sản phẩm thứ cấp và đưa ra các điều kiện, kỹ thuật phù hợp với quy định, cũng như phát triển các ứng dụng sử dụng bao bì tái chế dùng cho thực phẩm tại địa phương, từ đó hướng tới một vòng tái chế khép kín.
Ngoài ra, Pro Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam; đồng thời hỗ trợ những người đang làm việc trong các lực lượng thu gom rác do Chính phủ hoặc dân lập bằng các hoạt động hỗ trợ trực tiếp.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, đánh giá cao về việc ký kết liên minh tái chế bao bì Việt Nam và cho rằng sự tiên phong của 9 tập đoàn, công ty lớn tại Việt Nam sẽ là tiền đề để kêu gọi nhiều tập đoàn, công ty khác tại Việt Nam cùng chung tay hành động hướng đến mục tiêu tái chế chung, hiệu quả nhanh hơn so với các hành động riêng lẻ.
Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, việc Pro Vietnam hỗ trợ tái chế sẽ giúp tận dụng được nguồn tài nguyên địa phương bị lãng phí, từ đó tạo thêm được công việc và tăng doanh thu từ thuế. Ước tính trong tương lai, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra thấp nhất 400 tỷ USD và hàng triệu việc làm cho người dân.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng rác thải rắn đô thị thải ra tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Đây là mức tăng đứng thứ 4 toàn châu Á về tốc độ tăng lượng rác thải rắn. Trong khi đó, theo số liệu được công bố từ Thời báo Tài chính, 80% lượng phế liệu nhựa để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam được nhập khẩu. Phần lớn lượng nhập khẩu này đến từ các nước G7 với con số lên tới 254.000 tấn.
Theo Hải Yên/baotintuc.vn (21/6/2019)