Là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Các giải pháp tăng trưởng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” do Chi nhánh Phòng TM&CN Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) tổ chức mới đây.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết, biến đổi khí hậu là vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, biến đổi khí hậu và thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP, riêng năm 2017, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu và thiên tai khoảng 60.000 tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu và thiên tai ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, nhất là trong việc tăng chi phí sản xuất, giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, mất ổn định chuỗi cung ứng, tăng chi phí vốn để khôi phục sản xuất, mất cân bằng về số lượng lao động…
Theo ông Nguyễn Thế Hưng, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận trong sản xuất, dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp, vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây cũng là xu hướng phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới ở Việt Nam.
Biến đổi khí hậu là vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề.
Thông tin cụ thể về vấn đề tăng trưởng xanh, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết, tăng trưởng xanh thể hiện qua thực hiện tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nước, giảm chi phí nhân công, phí môi trường trong sản xuất, giảm phát thải và sử dụng nguyên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường.
Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Thực hiện tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giúp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đề xuất về giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh, PGS-TS Phùng Chí Sỹ cho rằng cần nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại, thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải.
Thực hiện giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thực hiện điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất, hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện phát triển cho các ngành sản xuất xanh mới.
Mỗi doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần chủ động nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đã bày tỏ quan điểm của đơn vị về phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, và đề nghị các bộ, ban ngành cần có chính sách ưu đãi về cho thuê đất xây dựng dự án và tăng giá mua điện tư nhân trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh tay xử lý các cơ sở sản xuất bẩn, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyến khích người dân quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe.
Theo Mai Nhiêm/tietkiemnangluong.vn (19/4/2018)