19 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNhững con số đáng báo động về rác thải nhựa

    Những con số đáng báo động về rác thải nhựa

    Date:

    Related stories

    Nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm 2018, những con số đáng báo động về rác thải nhựa được đưa ra đã khiến thế giới thức tỉnh và các chính phủ đã và đang bắt đầu hành động, từ việc triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích tái chế rác thải nhựa, đến việc áp thuế hoặc thậm chí cấm hoàn toàn một số sản phẩm nhất định.

    Chung tay cứu hành tinh khỏi tình trạng “ô nhiễm trắng”

    “Vào Ngày Môi trường thế giới, thông điệp rất đơn giản: từ chối sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Từ chối những gì bạn không thể tái sử dụng. Cùng nhau, chúng ta có thể vạch ra con đường tới một thế giới sạch hơn, xanh hơn.” Đây là thông điệp mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong Ngày Môi trường thế giới năm nay, với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon.”


    Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái Đất.

    TTXVN dẫn theo báo cáo của Liên hợp quốc cho biết mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng. Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ.

    Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.

    Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Tuy nhiên, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy thì cần từ 500-1.000 năm.

    Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý, và hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng.”

    Giới phân tích đánh giá nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

    Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái Đất. Chất thải nhựa kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng…

    Trong khi đó, các loài động, thực vật biển từ lâu đã “kêu cứu” khi có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển.

    Rác thải nhựa đang được coi là “tử thần” của các loài sinh vật biển: mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa.

    Những loài sinh vật nhỏ như rùa biển hay những loài lớn như cá voi, đều đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa, mà nếu tình trạng này tiếp diễn thì tới năm 2050, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá. Đặc biệt, châu Á là khu vực gây ô nhiễm môi trường biển nhất do rác thải nhựa.

    Theo một nghiên cứu do các chuyên gia Mỹ và Australia công bố tháng 12/2017, Trung Quốc và Indonesia là 2 quốc giả xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương, với lần lượt 8,8 triệu tấn, và 3,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm 1/3 tổng lượng rác thải nhựa đại dương.

    Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách này, mỗi năm “đổ” ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.

    Không chỉ là vấn đề môi trường hay sức khỏe con người, việc khắc phục ô nhiễm rác thải nhựa cũng gây tổn thất nặng nề cho kinh tế do phải tiêu tốn cho công tác làm sạch và tẩy độc. Ước tính, chỉ có 9% số rác thải nhựa được tái chế, khoảng 12% được đốt cháy, còn lại 79% vẫn đang tồn đọng trong các bãi chôn lấp, bãi rác và trong môi trường tự nhiên.

    Riêng các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) chi 1,3 tỷ USD mỗi năm để giải quyết ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa, chưa kể những thiệt hại kinh tế xuất phát từ tác động tới môi trường hay sức khỏe con người, ví dụ rác thải trên đại dương gây thiệt hại cho hệ thống sinh thái biển ít nhất 8 tỷ USD/năm.

    Châu Âu là khu vực đi đầu trong nỗ lực này khi Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cấm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần và tái chế toàn bộ bao bì nhựa vào năm 2030.

    Hiện việc sử dụng túi nhựa 1 lần ở các nước EU đã giảm 30% sau khi EC năm 2016 cấm các siêu thị cung cấp miễn phí cho khách hàng các loại túi này. Mục tiêu của EU là tới năm 2026 số túi nhựa được sử dụng sẽ giảm xuống còn 40 túi/người/năm. Các nước EU cũng hưởng ứng nhiệt tình khi các thành phố, siêu thị, nhà hàng nói “không” với vật dụng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều tại “lục địa già.”

    Tại châu Mỹ, Chile đã trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thông qua lệnh cấm dùng túi nilon sử dụng 1 lần. Colombia đã giảm 35% mức tiêu thụ túi nilon sau khi đánh thuế đối với loại túi nilon to, trong khi thay đổi thiết kế nhằm sản xuất loại túi có thể tái sử dụng.

    Ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực cũng có động thái tương tự như Panama, Costa Rica, Ecuador, Peru…

    Tại châu Á, Hàn Quốc ban hành Luật thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên 1994 cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở bếp ăn tập thể, Luật Quản lý môi trường biển 2009 yêu cầu xây dựng Kế hoạch Quản lý rác thải biển.

    Mỗi năm Việt Nam “đổ” ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.

    Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải. Indonesia huy động quân đội tham gia “cuộc chiến” chống rác thải nhựa với cam kết tới năm 2025 giảm 70% lượng chất thải nhựa trên biển. Thái Lan xem xét áp thuế với túi nilon và sản xuất túi nilon có khả năng tự phân hủy hoặc loại túi nilon mỏng hơn.

    Tại Việt Nam, các nỗ lực nhằm giảm chất thải nhựa cũng đang được xúc tiến ngày càng tích cực.

    Tại châu Phi, hàng loạt quốc gia, từ Botswana, Ethiopia, Kenya tới Nam Phi, Uganda… đưa ra những biện pháp như quy định độ dày của túi nhựa.

    ILO kêu gọi hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần

    Trong tuyên bố nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder nhấn mạnh hiện có hơn 32% số bao bì nhựa không được thu gom. Hầu hết số bao bì này bị vứt bỏ tại các bãi rác hoặc trôi nổi ngoài môi trường ở các thành phố lớn, trong các đại dương hoặc các khu canh tác nông nghiệp. Ông Ryder nêu rõ thách thức đặt ra hiện nay là chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất-sử dụng-thải ra rác thải nhựa sang một nền kinh tế có chu trình khép kín, thân thiện với môi trường và dựa trên việc tái chế rác thải.

    Trước đó, trong báo cáo “Triển vọng xã hội và việc làm thế giới: Xanh hóa việc làm năm 2018,” ILO nhấn mạnh việc duy trì mức tăng 5% hằng năm tỷ lệ tái chế nhựa, kính, vụn gỗ, kim loại và các khoáng sản dư thừa có thể tạo thêm khoảng 6 triệu việc làm trên toàn thế giới. Trên thực tế, lĩnh vực kiểm soát và tái chế rác thải thời gian qua đã tạo việc làm cho hơn 500.000 người tại Brazil và một số lượng tương ứng người lao động tại Bangladesh, phần lớn là phụ nữ.

    Theo moitruong.com.vn

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img