Việc nạo vét và xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông đang hủy hoại nghiêm trọng một trong những hệ sinh thái có sự đa dạng vào bậc nhất trên Trái Đất.
Hầu hết sự tập trung chú ý về Biển Đông đều xoay quanh các hành động quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, thảm họa tự nhiên đang âm thầm diễn ra trong khu vực cũng là một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng.
Một báo cáo môi trường gần đây đã đề cập tới các số liệu và bằng chứng cụ thể cho thấy có một diện tích lớn các rạn san hô đang bị “xóa sổ” do sự ấm lên của nước biển. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thay đổi của môi trường tự nhiên, sự biến mất của nhiều rạn san hô còn do một yếu tố khác, đó chính là các hoạt động khai thác quá mức và cải tạo đảo của Chính phủ Trung Quốc.
Phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay hồi tháng 7/2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc nhấn mạnh việc Trung Quốc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Những rạn san hô đã chết sẽ bị chôn vùi dưới cát, sau đó kết thành khối và không thể tái sinh.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố các hoạt động xây đảo nhân tạo của họ là thuộc phạm vi “Dự án Xanh”, và các kỹ thuật mà họ sử dụng đơn giản là mô phỏng các quá trình vẫn diễn ra trong tự nhiên, chẳng hạn như việc những cơn bão trên biển cuốn mảnh vụn và xác các sinh vật biển khiến chúng kết tụ dần thành các thực thể trên biển.
Ông John McManus, hiện đang làm việc tại Trường Rosenstiel, thuộc Đại học Miami, đã nhấn mạnh rằng việc cải tạo địa hình ở Bãi cạn Scarborough, quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có thể đang khiến địa hình và môi trường tự nhiên tại các khu vực này bị phá hủy tới mức không thể khôi phục được. Năm 2016, trong một công trình nghiên cứu của mình, ông McManus kết luận tại khu vực Biển Đông, ít nhất 104 km2 diện tích san hô đã bị hủy hoại do hoạt động cải tạo của con người.
Không chỉ xây đảo nhân tạo tại các đảo đá và rạn san hô có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khác, Trung Quốc còn cải tạo và phá hủy môi trường tại nhiều rạn san hô vòng, với tổng diện tích lên tới gần 60km2.
Tính tổng số diện tích san hô bị hủy hoại do các hoạt động này của Trung Quốc, ông McManus cho rằng khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ.
Nhà sinh học Alan Freidlander, hiện đang làm việc tại Đại học Hawaii, cho biết việc nạo vét và xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông đang hủy hoại nghiêm trọng một trong những hệ sinh thái có sự đa dạng vào bậc nhất trên Trái Đất.
Những rạn san hô đã chết sẽ bị chôn vùi dưới cát, sau đó kết thành khối và không thể tái sinh. Điều mà nhiều chuyên gia liên tục lưu ý là khi tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng ở Biển Đông, Trung Quốc cần xem xét và tôn trọng UNCLOS, một công ước mà chính họ cũng đã đặt bút ký.
Điều 206 của UNCLOS nêu rõ: “Các quốc gia có cơ sở vững chắc để chứng minh rằng kế hoạch mà họ dự định tiến hành tại những khu vực mà họ có quyền tài phán hoặc quyền kiểm soát có thể khiến môi trường tại đó ô nhiễm hoặc tạo ra những thay đổi xấu tới môi trường biển thì các quốc gia đó phải đánh giá tác động của các hoạt động này đối với môi trường, và phải công bố kết quả đánh giá theo quy định được nêu trong Điều 205”.
UNCLOS cũng yêu cầu các quốc gia phải tiến hành những đánh giá cần thiết trong trường hợp các hoạt động mà họ dự định tiến hành có thể có những tác động đáng kể vượt ra ngoài đường biên giới của mình.
Đã đến lúc các cộng đồng an ninh và môi trường truyền thống ở Biển Đông cần có sự kết nối và hợp tác sâu sắc hơn. Các quốc gia ở Thái Bình Dương cần phải hiểu rõ các vấn đề liên quan tới cả khía cạnh quân sự và môi trường. Không thể phủ nhận một thực tế là Mỹ đang có những đóng góp hữu ích cho việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đánh bắt cả ở Đông Nam Á.
Các quốc gia khu vực cũng có thể hợp tác với các tổ chức môi trường, song khi vấn đề liên quan tới việc lên án các hoạt động cải tạo ở rạn san hô, người ta thường đối mặt với một sự “im lặng”. Nguyên nhân có thể là bởi việc bảo tồn các rạn san hô hiện không phải là một vấn đề nóng, không được dư luận quan tâm nhiều như những vấn đề môi trường khác, chẳng hạn như năng lượng sạch.
Hơn thế nữa, nhiều quốc gia khu vực cũng khá dè dặt trong việc hợp tác với Mỹ do lo ngại điều này có thể khiến họ trở thành “con rối” của Washington. Một số nhà hoạt động môi trường cho rằng nhận thức của dư luận đối với nguy cơ mà các rạn san hô đang phải đối mặt không cao cũng là bởi sự vắng mặt của truyền thông.
Hình ảnh những rạn san hô và các loài sinh vật biển đang đứng trước nguy cơ biến mất không xuất hiện nhiều và gây ám ảnh như các hình ảnh mô tả gấu trắng vất vả đi trên nền băng tan trơn trượt, hay những chú chim thoi thóp do dính dầu tràn trên biển, hoặc những chú voi với đôi ngà bị cắt cụt và những chú rùa mắc kẹt trong lưới đánh cá.
Cho dù lý do là gì đi chăng nữa thì thảm họa môi trường tại Biển Đông cũng cần nhiều sự quan tâm như những gì người ta dành cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Điều này cần tới sự phối hợp chặt chẽ hơn trên khía cạnh môi trường và quân sự, đòi hỏi sự vào cuộc của các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực này, ngay cả khi điều đó có thể khiến Trung Quốc cho là vấn đề môi trường đã bị các nước láng giềng và khu vực “chính trị hóa” hoặc “thù địch hóa”.
Theo Nghiên cứu Biển Đông/Aspistrategist