Cách đây 80 năm (ngày 27/10/1938), nilon – phát minh làm thay đổi thế giới – được DuPont đưa vào sản xuất với sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn chải đánh răng. Tuy nhiên không phải cái gì được sản xuất từ nilon cũng tốt, có những vật dụng được sản xuất từ nilon đã trở thành hiểm họa cho môi trường sống của con người. Đó chính là túi nilon.
Nilon – phát minh làm thay đổi thế giới
Nilon là một hợp chất cao phân tử – một loại chất dẻo với những phân tử nặng, siêu dài hợp thành bởi những thành tố nguyên tử tuần hoàn liên tục, được phát minh vào năm 1935 bởi Wallace Hume Carothers, một nhà phát minh người Mỹ – người có hơn 100 bằng phát minh và là tác giả của hơn 50 tài liệu kỹ thuật được phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Carothers đã không được thấy những phát minh khoa học của mình góp phần vào nền văn minh thế giới như thế nào. Ông tự vẫn vào năm 1937, trước khi nó được đưa vào sản xuất.
Ngày 27/10/1938, DuPont – Giám đốc Sở Hoá học của Công ty Hóa học DuPont – đã đưa nilon vào sản xuất với sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn chải đánh răng. Hai năm sau, năm 1940, vật liệu mới này đã tạo ra một làn sóng đáng kinh ngạc khi những đôi tất da chân bằng nilon được bày bán với lượng tiêu thụ lên tới con số 5 triệu đôi trong một ngày.
Và cho đến ngày hôm nay thì nilon đã làm thay đổi thế giới. Với ưu điểm mềm, mịn nhưng bền, không thấm nước, chịu được các hiện tượng thời tiết, và đặc biệt, nó có thể kháng lại các ảnh hưởng của tự nhiên như nấm mốc hay côn trùng, nên từ lúc ra đời cho đến nay, loại vật liệu này đã chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình và nhanh chóng phủ sóng hầu hết trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng…
Cần hạn chế sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường và cuộc sống của chính chúng ta.
Chúng ta ngủ trên những tấm ga, dẫm lên những tấm thảm bếp, mặc quần áo hàng ngày, che những chiếc ô khi trời nắng, trùm những chiếc áo mưa khi trời mưa, đi những đôi tất khi trời lạnh và thậm chí cả cái bát ăn hàng ngày cũng có thể được tạo bằng những vật liệu được cấu thành từ những sợi nilon, hay nilon miếng, vật liệu mà chúng ta vẫn quen gọi là nhựa.
Thế nhưng, không phải cái gì được sản xuất từ nilon cũng tốt, có những vật dụng được sản xuất từ nilon đã trở thành hiểm họa cho môi trường sống của con người. Đó chính là túi nilon.
Hiểm họa cho môi trường
Sự ra đời của túi nilon đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm này túi nilon đang là một vấn nạn môi trường và nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để loại bỏ.
Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500-1.000 năm mới có thể phân hủy được. Ước tính, mỗi năm nhân loại sử dụng khoảng 500-1.000 tỷ chiếc túi nilon. Túi nilon đang bị coi là một trong những “thủ phạm” nguy hiểm “ô nhiễm trắng” cho môi trường.
Theo TTXVN thì không phải không biết rõ tác hại của túi nilon đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng nhưng đại đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng túi nilon như một thói quen khó bỏ. Đến nay, con số đó là hơn 2.500 tấn/ngày và có thể còn hơn. Tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng khoảng 10 túi nilon các loại.
Đạo luật “nặng nhất thế giới”: phạt tù nếu sử dụng túi nilon
Nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này như: Ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân huỷ, đánh thuế nặng đối với các doanh nghiệp sản xuất túi nilon; hoặc yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi nilon khi mua hàng để khuyến khích người dân tái sử dụng túi nilon hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
Vượt lên trên tất cả, quốc gia Kenya tẩy chay túi nilon đến mức đưa ra một đạo luật được đánh giá là “nặng nhất thế giới”: cấm sử dụng, và bất kỳ ai vi phạm sẽ phải ngồi 4 năm tù, hoặc đóng $40.000 tiền tại ngoại – tương đương gần 900 triệu đồng. Đạo luật này mới được công bố vào ngày 28/8/2017. Với nó, Kenya đã gia nhập nhóm các quốc gia có luật cấm dùng túi nhựa tại châu Phi, gồm Cameroon, Guinea-Bissau, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia, Malawi và Mauritania.
Túi nilon đang bị coi là một trong những “thủ phạm” nguy hiểm “ô nhiễm trắng” cho môi trường.
Trên thực tế, có khoảng 40 quốc gia trên thế giới có luật cấm sử dụng túi nhựa. Chỉ có điều, lệnh cấm của Kenya ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, trong khi các nước khác vốn chỉ dừng ở mức răn đe và khuyên nhủ.
Hạn chế sử dụng túi nilon bằng cách nào?
Để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon nguời dân cần hạn chế sử dụng túi nilon thông thuờng bằng cách tái sử dụng chúng nhiều lần. Bên cạnh đó, không nên dùng túi ni lông rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng hoặc có vị chua.
Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy trình an toàn. Sử dụng túi nilon rất thuận tiện và hữu ích nhưng chúng ta nên sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất để giảm thiểu rác thải ra môi trường, tái chế sử dụng nó để góp phần làm sạch môi trường và bảo vệ cho cuộc sống nơi bạn đang ở nhé!
Theo moitruong.com.vn