Vừa qua, sản phẩm tôm nõn Diễn Châu, thương hiệu đặc sản Nghệ An đã được công bố nhãn hiệu tập thể.
Vừa qua, Hội thảo khoa học và công bố nhãn hiệu tập thể tôm nõn đã được UBND huyện Diễn Châu tổ chức tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Được biết, sản xuất tôm nõn là nghề truyền thống đã có từ hàng chục năm nay, gắn với cuộc sống đi biển của ngư dân xã Diễn Bích, Diễn Ngọc (Diễn Châu), giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ con tôm cho ngư dân trên địa bàn huyện.
Tôm nõn Diễn Châu được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chính chất lượng, giá trị dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Tuy nhiên, lâu nay sản phẩm tôm nõn chỉ mới dừng ở các thị trường nội tỉnh, còn với những thị trường xa hơn, người tiêu dùng vẫn e ngại do chưa biết đến vùng sản xuất cũng như độ tin cậy vào chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm tôm nõn Diễn Châu vừa được công bố nhãn hiệu tập thể.
Nhìn nhận được những khó khăn trong phát triển thị trường cũng như tạo đầu ra ổn định cho nghề khai thác tôm của địa phương, năm 2016, Hội sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu đã được thành lập với 30 thành viên; các cơ sở sau khi sản xuất sẽ có người đứng ra thu mua đóng gói và tiêu thụ.
Tuy nhiên, việc chưa có nhãn mác, bao bì phù hợp nên sản phẩm vẫn khó cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể Tôm nõn Diễn Châu luôn được các hộ làm nghề cùng các cấp chính quyền nỗ lực đầu tư, hoàn thiện.
Tháng 10/2017, niềm vui đã đến với các hộ sản xuất, kinh doanh tôm nõn Diễn Châu khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu tập thể Tôm nõn Diễn Châu, kèm theo quy chế hoạt động cụ thể.
Toàn huyện Diễn Châu có 99 hộ chuyên sản xuất tôm nõn tập trung ở 2 xã: Diễn Bích và Diễn Ngọc, theo phương pháp thủ công truyền thống. Hàng năm, các địa phương sản xuất hơn 30 tấn tôm nõn, đem lại doanh thu khoảng 230 tỷ đồng. Nghề chế biến tôm nõn phát triển đã tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động vùng biển.
Theo ông Lê Minh Tuấn – Hội trưởng Hội sản xuất kinh doanh tôm nõn Diễn Châu, để gìn giữ thương hiệu sản phẩm, đòi hỏi những hội viên phải cố gắng hết sức để tôm vừa sạch, vừa đạt chất lượng, tươi 100%. Điều này, không chỉ tăng thu nhập nâng cao đời sống người dân vùng biển mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của Diễn Châu.
Theo Vietq