19 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vững8 triệu tấn thực phẩm bị thải bỏ gây lãng phí và...

    8 triệu tấn thực phẩm bị thải bỏ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường

    Date:

    Related stories

    Việt Nam có tới 8 triệu tấn thực phẩm còn sử dụng được bị vứt bỏ mỗi năm, gây tổn hại khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP hiện nay, môi trường cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự lãng phí này.

    Theo báo cáo Chỉ số Chất thải Thực phẩm năm 2024 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2022 thế giới đã lãng phí 1,05 tỷ tấn thực phẩm. Khoảng 19% thực phẩm sẵn có cho người tiêu dùng đã bị thất thoát ở cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình. Trong khi gần 800 triệu người vẫn đang phải đối mặt với đói nghèo, suy dinh dưỡng. Đáng lo ngại, lãng phí thực phẩm cũng đang là nguyên nhân gây ra khoảng 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

    Lãng phí thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Ảnh minh họa

    Còn báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, lãng phí thực phẩm không chỉ gây ra biến đổi khí hậu, mà còn có thể khiến nó trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, các quốc gia có nhiệt độ nóng được phát hiện là lãng phí nhiều thực phẩm hơn các quốc gia có nhiệt độ mát.

    Các thông số cho thấy khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải toàn cầu. Ngoài ra, nguồn rác thải thực phẩm này sẽ ngấm xuống đất, gây ô nhiễm đất và nước. Theo TS. Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, rác thực phẩm dễ gây ô nhiễm, bởi khi phân huỷ loại rác này tạo ra nước rỉ rác, không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà còn gây ra các vấn đề về môi trường và sức khỏe.

    Trên thế giới, để giải bài toán trên các quốc gia đã triển khai nhiều hành động quyết liệt. Điển hình như Hàn Quốc, kể từ những năm 1980, nước này đã thực hiện nhiều nỗ lực lập pháp để giảm lãng phí thực phẩm, hầu hết thực phẩm dư thừa hàng ngày sẽ được xử lý thành thức ăn gia súc, phân bón, nhiên liệu sưởi ấm nhà cửa… giúp tái chế khoảng 95% lượng thực phẩm tồn đọng. Với tính hiệu quả cao, mô hình xử lý rác thực phẩm của Hàn Quốc đã được nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu và áp dụng, trong đó có Việt Nam.

    Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam cho biết, Việt Nam đang xếp thứ 2 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tình trạng lãng phí thực phẩm với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm khi vẫn còn sử dụng hoặc tận dụng được, gây thất thoát khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP hiện nay.

    Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều công ty cung cấp giải pháp về môi trường, trong đó có mô hình tái sử dụng lại – tái chế rác thực phẩm. Với rác thực phẩm là cơm thừa, thức ăn thừa sẽ được vận chuyển đến các trang trại làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Những loại rác còn lại không tận dụng làm thức ăn sẽ chuyển đến các cơ sở làm phân bón hữu cơ. Phần chất thải vô cơ còn lại như vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ sò,… sau khi được phân tách sẽ được tiền xử lý cắt nhỏ và phối trộn cùng các loại chất thải công nghiệp khác.

    Tuy nhiên, việc tái chế này chỉ thực sự có hiệu quả khi phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen của người dân. Vì vậy, trước mắt giải quyết việc phân loại rác thải tại nguồn là hết sức cần thiết và cấp bách.

    Theo Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, để giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm nhằm bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, đơn vị đã phát động nhiều chương trình hành động như thu gom thực phẩm còn sử dụng được tại các nhà vườn, chợ đầu mối, thu hồi thực phẩm tại các chuỗi cửa hàng cafe, bánh ngọt… để trao tặng cho người lang thang, cơ nhỡ, mạng lưới thụ hưởng của Ngân hàng thực phẩm Việt Nam…

    Những sản phẩm khác như bã trà, bã cafe, rác thải hữu cơ… được Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam chuyển về các vườn thực phẩm cộng đồng của Food Bank Việt Nam (Nông Lâm Food Bank Garden, Green Community) để tái chế thành thức ăn chăn nuôi, ủ phân, trồng rau, cây xanh… những sản phẩm còn sử dụng được sẽ trao tặng lại cho các mái ấm, nhà tình thương, các đơn vị đối tác đã đồng hành trong hoạt động… Từ đó, trở thành một vòng tròn khép kín với mục tiêu và sứ mệnh giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm trong cộng đồng.

    Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13753:2023 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt

    TCVN 13753:2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố quy định các yêu cầu thiết kế xây dựng mới, cải tạo đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, được áp dụng với quy mô công suất từ 50 tấn/ngày đêm.

    Tiêu chuẩn đưa ra các quy định chung về thiết kế cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) có địa điểm và giải pháp công nghệ cơ bản phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch liên quan được phê duyệt và phương án phân loại chất thải rắn tại nguồn của địa phương để xác định khối lượng, quy mỏ, tính chất đặc thù chất thải rắn (CTR) thuộc phạm vi được thiết kế thu gom, xử lý.

    Khi lựa chọn giải pháp thiết kế bố trí, lắp đặt các hạng mục công trình hoặc lắp đặt cải tạo đi kèm với công nghệ thiết bị lò phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật xây dựng, vật liệu đảm bảo độ bền, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh và có so sánh các giải pháp kinh tế, kỹ thuật phù hợp với đặc điểm khu vực, mức độ quy mô yêu cầu an toàn chịu lực, vệ sinh môi trường, có khoảng cách bố trí hợp lý giữa các hạng mục đảm bảo thuận tiện, an toàn, tối ưu hóa trong quá trình vận hành sửa chữa/bảo trì.

    Cho phép đối với một số hạng mục có thể hợp khối giữa các công trình nhưng vẫn cần bố trí không gian phù hợp đảm bảo tối ưu hóa vận hành, an toàn, thuận tiện cho người và phương tiện thiết bị trong quá trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa.

    Cơ sở đốt CTRSH thiết kế xử lý riêng cho CTRSH, tuy nhiên để tăng hiệu quả nhiệt trong giới hạn cho phép, tùy theo các điều kiện cụ thể của địa phương có thể kết hợp xử lý với CTR công nghiệp thông thường (nếu được cấp phép và đảm bảo quy định môi trường).

    Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

    Duy Trinh (t/h)
    https://vietq.vn/8-trieu-tan-thuc-pham-tro-thanh-rac-thai—lang-phi-va-o-nhiem-moi-truong-d225877.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img