Các quốc gia châu Á hiện chiếm 5 trong số 10 nền kinh tế sử dụng năng lượng mặt trời hàng đầu. Một thập kỷ tăng trưởng đã giúp một số nền kinh tế lớn nhất châu Á mở rộng đáng kể công suất năng lượng mặt trời của họ. Việt Nam hiện đứng thứ 10 trong danh sách này.
Một thập kỷ trước, chỉ có 2 quốc gia ở châu Á lọt vào danh sách này, trong khi các quốc gia châu Âu thống trị vị trí đầu bảng xếp hạng năng lượng mặt trời.
Danh sách này được đưa ra trong một phân tích mới đây của tổ chức tư vấn điện lực Ember, đơn vị này đã thực hiện nghiên cứu tổng công suất điện mặt trời đã thay đổi như thế nào trong 10 năm qua ở các quốc gia trên thế giới.
Phân tích nêu rõ công suất năng lượng mặt trời đã thay đổi như thế nào trong 11 năm qua, với các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Hàn Quốc đã lọt vào top 10 toàn cầu. Vào năm 2010, Ấn Độ đứng thứ 22 toàn cầu trong khi Việt Nam đứng thứ 196.
Bảng xếp hạng các quốc gia dẫn đầu về điện mặt trời qua 10 năm.
Với 307GW, Trung Quốc là quốc gia có tổng công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu lắp đặt 108GW điện mặt trời trong năm nay. Riêng công suất điện mặt trời của Trung Quốc được lắp đặt trong năm nay sẽ tương đương với tổng công suất điện mặt trời được lắp đặt trên toàn nước Mỹ, gấp đôi của Đức và gấp hơn 5 lần tổng công suất điện mặt trời được lắp đặt của Úc.
Việt Nam cũng đã chứng kiến sự mở rộng năng lượng mặt trời nhanh chóng từ năm 2019 đến năm 2020, với mức tăng 234% công suất năng lượng mặt trời chỉ trong một năm.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), công suất năng lượng mặt trời toàn cầu lên tới 849GW vào năm 2021, cao hơn 19% so với năm trước. Thế giới đã tạo ra 3,7% điện năng từ năng lượng mặt trời vào năm 2021, với mức trung bình trên toàn châu Á chỉ dưới 3%. Phần lớn sự gia tăng này là nhờ vào sự gia tăng gần đây trên toàn khu vực, nhưng điều này cũng cho thấy năng lượng mặt trời phải phát triển như thế nào trước khi nó có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch.
5 quốc gia châu Á góp mặt trong bảng xếp hạng điện mặt trời toàn cầu
Trong khu vực, Trung Quốc và Ấn Độ đã có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của 2 đất nước đông dân nhất thế giới này, dẫn đến sự thay đổi đáng kể về lượng điện năng được tạo ra từ năng lượng mặt trời mỗi năm. Thị phần năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã tăng từ 0,02% năm 2010 lên 3,89% vào năm 2021, trong khi Ấn Độ đã tăng thị phần năng lượng mặt trời từ 0,01% lên hơn 4% vào năm 2021.
Trong khi Nhật Bản vẫn ở vị trí thứ 4 trên toàn cầu, công suất mặt trời của nước này đã tăng từ 3,62GW năm 2010 lên 74,19GW vào năm 2021. Kết quả là, năng lượng mặt trời tạo ra gần 10% sản lượng điện của Nhật Bản vào năm 2021. Năm 2010, năng lượng mặt trời chỉ chiếm 0,3% hỗn hợp năng lượng.
Theo cả Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), để giữ cho biến đổi khí hậu dưới 1,5 độ ấm lên, các nước châu Á nên đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 40% lưới điện từ gió và năng lượng mặt trời vào năm 2030. Điều này sẽ đòi hỏi cả đầu tư và đổi mới chính sách quốc gia phù hợp mà còn là hợp tác kinh tế tập thể và công nghệ trên quy mô lớn.
H.A
https://petrotimes.vn/5-quoc-gia-chau-a-gop-mat-trong-bang-xep-hang-dien-mat-troi-toan-cau-659194.html