Mới đây 2 nhà sản xuất bình sữa cho trẻ em là Philips North America và Handi-Craft Company đã bị kiện theo đơn kiện tập thể đề xuất tại tòa án liên bang California, Mỹ do có thể gây giải phóng vi nhựa khi tiệt trùng.

Trang Reuters đưa tin, 2 nhà sản xuất bình sữa cho trẻ em là Philips North America và Handi-Craft Company đã bị kiện theo đơn kiện tập thể đề xuất tại tòa án liên bang California, Mỹ.

Lý do là bởi vì họ đã không cảnh báo cho các bậc phụ huynh rằng một số bình sữa được làm bằng nhựa có chứa polypropylen. Điều này có nghĩa là khi tiệt trùng, những bình sữa này có khả năng giải phóng hạt vi nhựa. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với những mảnh nhựa nhỏ có thể ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, sinh sản và miễn dịch.

Những người tham gia vụ kiện cho biết, cả 2 công ty đều quảng cáo rằng sản phẩm của họ “không chứa BPA” hoặc không chứa Bisphenol A, một chất hóa học có thể rò rỉ ra ngoài khi được đun nóng. BPA (hoặc bisphenol A) là một hóa chất thường được sử dụng trong nhựa và đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấm sử dụng trong bình và cốc trẻ em vào năm 2012 do khả năng ngấm vào thực phẩm.


Bình sữa nhựa có thể giải phóng hạt vi nhựa gây hại sức khỏe trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Bằng cách đảm bảo với khách hàng rằng các sản phẩm không chứa BPA, các công ty đang tạo ra cảm giác an toàn, không khác gì đánh lừa người tiêu dùng về sự nguy hiểm của sản phẩm. Trong khi đó, các hạt vi nhựa có thể thấm vào chất lỏng chứa trong cốc và chai, đi vào cơ thể trẻ sơ sinh dễ dàng.

Shireen Clarkson, một trong những luật sư đại diện cho nguyên đơn, nói với Reuters: “Khoa học về vi nhựa đặc biệt quan tâm đến trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh”.

Đại diện cho các nguyên đơn, công ty Luật Clarkson đang yêu cầu bồi thường thiệt hại và đề nghị hình phạt cho các đơn vị sản xuất bình sữa nói trên.

Trước thông tin này, hội các thành viên bỉm sữa vô cùng lo lắng, nhất là những người đang tin dùng loại bình sữa của những nhãn hàng này. Ở bất kì quốc gia nào trên thế giới, các bậc cha mẹ cho con bú bình đều được phổ biến là hâm nóng sữa mẹ hoặc sữa công thức trước khi cho bé uống. Đó sẽ là một vấn đề lớn nếu bình đựng sữa của con bạn không có khả năng chịu nhiệt.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học đến từ Đại học Dublin (Ireland) được công bố trên Tạp chí Nature ngày 19/10/2020 cũng khẳng định, trẻ sơ sinh đang bị nhiễm hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày từ cách pha sữa phổ biến như hiện nay. Thông qua nghiên cứu của mình, các nhà khoa học cũng đã đưa ra khuyến cáo để hạn chế tình trạng này.

Họ đã thử nghiệm 10 loại bình sữa làm từ chất liệu nhựa polypropylene khác nhau và pha sữa theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong quá trình rửa, tiệt trùng bình sữa và pha sữa với nhiệt độ cao, các nhà khoa học phát hiện bình sữa nhựa polypropylene bung ra hàng triệu hạt vi nhựa và hàng nghìn tỷ hạt thậm chí còn nhỏ hơn là vi vi nhựa (nanoplastic). Thí nghiệm cũng cho thấy phần lớn các vi nhựa này có kích thước nhỏ hơn 20 micromet.

Do việc sử dụng bình sữa phổ biến và số lượng vi nhựa lớn được phát tán trong các thí nghiệm nêu trên, các nhà khoa học từ Đại học Dublin quyết định thực hiện nghiên cứu của mình thêm một bước nữa. Họ ước tính mức độ tiếp xúc của trẻ sơ sinh 12 tháng tuổi ở 48 khu vực trên toàn thế giới bằng cách so sánh tỷ lệ giải phóng trung bình của vi nhựa từ bình bú, thị phần của bình nhựa, tỷ lệ bú bình và lượng sữa mà trẻ có xu hướng uống hàng ngày. Từ đó, họ kết luận rằng, trẻ sơ sinh có khả năng tiêu thụ trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa PP mỗi ngày.

Các nhà khoa học của Đại học Dublin cho rằng, có nhiều cách để giảm sự tiếp xúc của trẻ với vi nhựa trong quá trình bú sữa công thức. Họ đang xem xét đến việc tạo ra các lớp phủ có thể ngăn vi nhựa giải phóng trong quá trình sử dụng và các bộ lọc có thể ngăn vi nhựa xâm nhập vào sữa của trẻ. Tuy nhiên, trước mắt cần xây dựng quy trình tiệt trùng bình sữa để giảm khả năng tiếp xúc của trẻ với vi nhựa từ bình nhựa PP. Bốn bước nhanh nhất và và đơn giản là: Rửa sạch bình sữa bằng nước mát; Pha sữa công thức trong bình/hộp không phải là nhựa PP; Sau khi sữa nguội đến nhiệt độ phòng, chuyển sữa vào bình bú sữa của trẻ; Tránh hâm lại sữa đã pha trong hộp nhựa PP, đặc biệt là hâm lại bằng lò vi sóng.

Theo Healthline, hạt vi nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5mm. Nó xâm nhập vào cơ thể con người thông qua bao bì nhựa, một số thực phẩm, nước máy và thậm chí cả không khí. Hạt này xâm nhập vào máu, gây ra những tác hại kinh hãi như bệnh tim mạch, ung thư, chứng mất trí nhớ, vấn đề sinh sản.

Hiện nay, ngày càng có nhiều nghiên cứu cảnh báo về tác hại và mức độ xâm lấn của hạt vi nhựa. Vi nhựa được tìm thấy ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, từ nơi sâu nhất hành tinh như khe vực Mariana cho đến đỉnh Everest.

Hạt vi nhựa có thể gây hại cho trẻ sơ sinh bằng cách xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, hít thở, hoặc qua da. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên có nguy cơ cao ảnh hưởng tiêu cực bởi hạt vi nhựa. Các hạt vi nhựa có thể chứa các chất độc hại như BPA và phthalates, có khả năng gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh và dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài.

Liên quan tới sự hiện diện của hạt vi nhựa ở khắp nơi, theo tờ Washington Post, trong những năm gần đây, vi nhựa đã được ghi nhận ở tất cả các bộ phận của phổi người, trong mô nhau thai của mẹ và thai nhi, trong sữa mẹ và trong máu người.

Nhà khoa học về vi nhựa Heather Leslie cùng các đồng nghiệp của mình (công tác tại Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan), đã tìm thấy vi nhựa trong mẫu máu của 17 trong số 22 tình nguyện viên trưởng thành khỏe mạnh ở Hà Lan. Phát hiện này được công bố năm ngoái trên Tạp chí Môi trường Quốc tế, xác nhận điều mà nhiều nhà khoa học đã nghi ngờ từ lâu: Những mảnh nhỏ này có thể được hấp thụ vào máu con người. Các hạt vi nhựa có thể tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể con người.

Những phát hiện này không hoàn toàn ngạc nhiên. Nhựa có ở xung quanh chúng ta, từ quần áo, mỹ phẩm, đồ điện tử, lốp xe, bao bì và rất nhiều mặt hàng sử dụng hàng ngày khác. Theo chuyên gia, có khoảng 3000 vật liệu nhựa khi bắt đầu nghiên cứu vi nhựa hơn 1 thập kỷ trước nhưng đến nay đã lên hơn 9.600.Đó là một con số khổng lồ, mỗi loại có thành phần hóa học và độc tính tiềm tàng riêng.

TS Leslie cho rằng, có 2 con đường chính xâm nhập vào cơ thể con người: Chúng ta nuốt hoặc hít hạt vi nhựa vào cơ thể. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm và nước uống của chúng ta bị nhiễm vi nhựa. Một nghiên cứu ở Ý, được báo cáo vào năm 2020, đã tìm thấy hạt vi nhựa trong trái cây và rau quả hàng ngày. Người ta đã quan sát thấy cây lúa mì và rau diếp hấp thụ các hạt vi nhựa trong phòng thí nghiệm; sự hấp thụ từ đất có chứa các hạt có lẽ là cách chúng xâm nhập vào sản phẩm của chúng ta ngay từ đầu.

Do đó không có gì khó hiểu khi chúng có thể xuất hiện trong bình sữa nhựa khi tiệt trùng. Theo Consumer Reports, các bậc cha mẹ nên mua bình sữa bằng ailicon hoặc thủy tinh cho con dùng, thay vì nghe hay tin vào quảng cáo bất cứ sản phẩm nhựa nào hiện nay.

Tại Việt Nam trước đó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có khuyến cáo chính thức về việc không sử dụng bình sữa làm từ nhựa trong PC (polycarbonat). Trường hợp bắt buộc phải sử dụng, không dùng nước nóng trên 60 độ C pha sữa trong bình và không hâm nóng sữa trong bình bằng lò vi sóng.

Bình sữa hay bình ti là sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của bé, vì vậy cần đảm bảo độ an toàn về chất lượng sản phẩm. Bình sữa cho trẻ nằm trong danh mục công bố bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm mà Bộ Y tế quản lý vì vậy công bố sản phẩm bình sữa là việc làm bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải tuân thủ theo nhằm tạo sự tin tưởng cho các bà mẹ khó tính và giành ưu thế trong việc kinh doanh

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ việc thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm: Quy định tất cả các tổ chức, cá nhân đang sản xuất kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam phải tiến hành công bố sản phẩm (hay công bố hợp quy) cho các sản phẩm của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bày bán, lưu thông trên thị trường.

An Dương (T/h)

https://vietq.vn/binh-sua-nhua-co-the-giai-phong-vi-nhua-khi-tiet-trung-gay-hai-suc-khoe-tre-nho-d223439.html