19 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười hai 20, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vững1 tỉ USD "đánh bóng" thương hiệu xanh

    1 tỉ USD “đánh bóng” thương hiệu xanh

    Date:

    Related stories

    5 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới đã chi hơn 1 tỉ USD nhằm “đánh bóng” thương hiệu xanh của mình từ sau Thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

    Song những “gã khổng lồ” này vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Theo InfluenceMap, 5 ông trùm dầu khí gồm: ExxonMobil, Shell, Chevron, BP và Total đang tiêu tốn rất nhiều tiền cho các cuộc vận động hành lang và chiến dịch quảng cáo nhằm củng cố uy tín của mình trước các vấn đề biến đổi khí hậu, nhất là khi Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 nhận được nhiều sự ủng hộ trên toàn cầu.

    Cụ thể, các tập đoàn đã chi trung bình 195 triệu USD mỗi năm (tương đương 172 triệu euro) cho các hoạt động quảng bá, “đánh bóng” thương hiệu xanh của mình. Họ muốn thể hiện cho mọi người thấy sự tôn trọng các chính sách về khí hậu. Mặt khác, 5 “ông lớn” này cũng dùng đến 200 triệu USD để kiểm soát, trì hoãn hoặc phản đối các chính sách khí hậu ràng buộc.

    Dự báo chi tiêu vốn năm 2019 của BP, Total, Shell, Chervron, ExxonMobil cho các dự án dầu khí và carbon thấp và chi tiêu cho vận động hành lang, xây dựng thương hiệu.

    Chỉ riêng BP đã chi 13 triệu USD để thực hiện kế hoạch ngăn chặn chính sách thuế carbon tại bang Washington của Mỹ với sự hỗ trợ của Chevron. Điều đáng nói là cả 5 tập đoàn lớn này đều có chỗ đứng trong các hiệp hội nghề nghiệp như Viện Dầu khí Mỹ (Total đóng vai trò giám đốc điều hành), giúp họ dễ dàng can thiệp đến các chính sách, như cách họ đã bãi bỏ thành công kế hoạch phát triển dầu khí của Mỹ vào năm ngoái và gạt bỏ các quy định về khí thải metan của các tiểu bang.

    “Những hành động này của 5 “ông lớn” đã đi ngược hoàn toàn với những cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris”, InfluenceMap nhận xét.

    Ông Edward Collins, chuyên gia phân tích của InfluenceMap, cho biết: “5 tập đoàn dầu khí luôn cố gắng thể hiện thiện chí của mình trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trước công chúng. Tuy nhiên, họ lại ngầm tìm cách trì hoãn, thậm chí là phản đối các chính sách về khí hậu”.

    Báo cáo từ Influence Map cũng chỉ ra rằng, các tập đoàn đang cố sức thay đổi chiến lược truyền thông khi họ nhận thấy dư luận ngày càng chú trọng đến hành động vì môi trường. Như ExxonMobil luôn tự hào trước công nghệ nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ tảo biển, cam kết sản xuất 10 nghìn thùng nhiên liệu sinh học mỗi ngày nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, so sánh với các số liệu của tập đoàn, con số 10 nghìn thùng chỉ chiếm 0,2% tổng công suất lọc hiện tại. Năm 2019, cả 5 “ông trùm” dầu mỏ chỉ chi 3,6 tỉ USD, tương đương 3% vốn đầu tư vào công nghệ carbon thấp. Trong khi đó, họ dùng đến 110,4 tỉ USD để khai thác các mỏ dầu khí mới.

    “Báo cáo của InfluenceMap gần như đã vạch trần những lời bao biện của 5 gã đứng đầu ngành dầu mỏ thế giới. Họ đã khéo léo che giấu sự thật bằng những lời nói ngọt ngào và các quảng cáo bóng bẩy. Nhưng sự thật họ đã sẵn sàng dùng đến quyền lực và đổ hàng triệu USD vào các cuộc vận động hành lang nhằm cản trở các chính sách môi trường và khí hậu”, Catherine Howarth, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Share Action bày tỏ.

    Nhiều nhà đầu tư trên thế giới cũng đang gây áp lực lên các công ty dầu mỏ. Vào tháng 3-2019, Quỹ đầu tư lợi ích quốc gia có quy mô 1.000 tỉ USD của Na Uy đột ngột công bố kế hoạch cắt giảm đầu tư vào ngành dầu khí. Tuy nhiên, Shell và ExxonMobil may mắn không nằm trong số các công ty bị ảnh hưởng. Nhưng quyết định của quốc gia Bắc Âu này vẫn khiến các “ông lớn” trong ngành dầu mỏ “đứng ngồi không yên”. Qua đó, các tập đoàn đã nhận ra phương thức sản xuất hiện tại cần phải đáp ứng quá trình chuyển đổi năng lượng ít phát thải carbon. BP đưa ra nhận định: Năng lượng tái tạo đang trên đà phát triển chóng mặt. Đến năm 2040, năng lượng tái tạo có thể trở thành nguồn năng lượng chính trên toàn thế giới.

    Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng tái tạo và kế hoạch điện khí hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, các “ông lớn” dầu khí đã “điên cuồng” mua các công ty trong lĩnh vực năng lượng sạch. Tháng 1-2018, BP đã thành công khi mua Chargemaster – hệ thống sạc điện xe hơi lớn nhất Anh quốc. Theo thông tin từ CDP, các tập đoàn hàng đầu trong ngành khai thác và sản xuất dầu mỏ đã thực hiện được 148 thương vụ giao dịch, mua các công ty trong lĩnh vực năng lượng thay thế kể từ năm 2016.

    Trong cuộc đua thích nghi với quá trình chuyển đổi năng lượng, các tập đoàn dầu khí châu Âu dường như vượt trội hơn so với các tập đoàn dầu khí của Mỹ, Trung Quốc và Nga về khoản đầu tư vào công nghệ carbon thấp (theo bảng xếp hạng 24 công ty dầu khí lớn nhất toàn cầu do CDP công bố năm 2018).

    Ví như Tập đoàn Năng lượng Na Uy Equinor đã lên kế hoạch đầu tư 15-20% vốn vào các giải pháp năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, tính từ nay đến năm 2030. Ông Eirik Wærness, chuyên gia của Equinor, phát biểu: “Các tập đoàn dầu khí có đủ sức mạnh tài chính, kỹ thuật và chuỗi cung ứng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo toàn cầu. Nếu các tập đoàn dầu khí quốc tế không nỗ lực tham gia thì liệu ai có đủ sức làm điều đó?”.

    Trong khi đó, người phát ngôn của Shell phản pháo: “Shell không đồng ý trước các cáo buộc trong báo cáo của InfluenceMap. Chúng tôi đang nỗ lực ủng hộ Thỏa thuận khí hậu Paris và biết mình cần làm gì để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu sạch cho xã hội. Chúng tôi không cần phải nói lời xin lỗi khi tập đoàn chỉ nói chuyện với các nhà hoạch định chính sách chỉ vì muốn họ lắng nghe ý kiến của mình”.

    Hiệp hội Các nhà sản xuất dầu khí quốc tế (IOGP) thì cho rằng: “Chúng tôi không đồng tình trước cách nói của InfluenceMap. IOGP công khai ủng hộ Thỏa thuận khí hậu Paris và đang đặt ra mục tiêu giúp châu Âu vừa có nguồn năng lượng xanh vừa có giá cả hợp lý”.

    Phía Fuels Europe cũng bày tỏ: “Báo cáo đã đánh giá lệch lạc các hành động kinh doanh của chúng tôi với EU ETS (Hệ thống thương mại khí thải EU) về các chính sách phát thải khí CO2 cũng như điện khí hóa”.

    Năm 2019, cả 5 “ông trùm” dầu mỏ chỉ chi 3,6 tỉ USD, tương đương 3% vốn đầu tư vào công nghệ carbon thấp. Trong khi đó, họ dùng đến 110,4 tỉ USD để khai thác các mỏ dầu khí mới.

    Theo S.Phương/petrotimes.vn (23/4/2019)

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img