Các chuyên gia đã khẳng định rằng tin đồn về việc vaccine ngừa Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người là tin đồn vô căn cứ.

Theo Fox News, trên mạng xã hội thời gian qua, có tin đồn cho rằng loại protein gai của virus SARS-CoV-2 tương tự với một protein gai khác mang tên syncitin-1 liên quan đến quá trình sinh trưởng và gắn với nhau thai trong quá trình mang thai. Tin đồn cho rằng vaccine ngừa COVID-19 sẽ khiến cơ thể người phụ nữ có phản ứng chống lại protein gai và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Tuy nhiên, các chuyên gia Andrew Satin và Jeanne Sheffield (làm việc tại Bệnh viện Johns Hopkins Medicine) khẳng định, hai protein gai này hoàn toàn khác nhau, và việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ đang muốn có con, bao gồm cả thông qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.


Vaccine Covid-19 không gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như tin đồn. Ảnh minh họa

Chuyên gia Satin (chuyên về phụ khoa và sản khoa) và chuyên gia Sheffield (chuyên về thuốc trợ thai) đã chỉ ra rằng dữ liệu thử nghiệm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech là bằng chứng rõ thêm cho điều này. Trong hai cuộc thử nghiệm lâm sàng, 23 phụ nữ tình nguyện tham gia đã có thể mang thai và chỉ một người hỏng thai thuộc nhóm tiêm giả dược.

Các chuyên gia trên khẳng định, phụ nữ muốn mang thai vẫn có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19, không có lý do gì để trì hoãn việc mang thai sau khi tiêm chủng.

Trước đó, Trung tâm Phòng và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng nhấn mạnh, không có bằng chứng cho thấy bất kỳ vaccine nào, kể cả vaccine ngừa COVID-19, gây ra các vấn đề về sinh sản hay những vấn đề khác trong quá trình tìm cách mang thai. CDC cũng không khuyến cáo xét nghiệm có thai trước khi tiêm phòng.

Một báo cáo vào tháng 3 của CDC cho thấy một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna có hiệu quả 80% trong ngăn ngừa Covid-19 không có triệu chứng. Hiệu quả lên tới 90% sau khi tiêm hai liều. Nghiên cứu tại Israel cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả 94% trong phòng chống bệnh không có triệu chứng. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy vaccine giúp giảm khả năng lây truyền virus.

Ngoài ra, nghiên cứu từ chiến dịch tiêm chủng Isarel đăng trên Tạp chí Lancet hồi đầu tháng 5 cũng tiết lộ, vaccine Pfizer giúp bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do bị bệnh nặng là 97%, bảo vệ khỏi tử vong là 96%. Vaccine giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm khi tiêm tới 50% dân số, và khi độ bao phủ đạt 72%, các đợt bùng dịch dường như không xuất hiện.

Vaccine J&J cũng có hiệu quả thực tế khớp với kết quả thử nghiệm. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra J&J có tác dụng phòng bệnh khoảng 76%. Thử nghiệm lâm sàng trước đó ghi nhận độ hiệu quả 74% trong ngăn ngừa bệnh không có triệu chứng.

Bảo An

http://vietq.vn/vaccine-ngua-covid-19-khong-anh-huong-den-kha-nang-sinh-san-d187079.html