Dự án “Một triệu ngôi nhà xanh” do Chính phủ Hàn Quốc khởi xướng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có hàng triệu hộ gia đình và các khu chung cư sử dụng năng lượng “xanh”. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, song nguồn năng lượng sạch này vẫn chưa phát triển rộng rãi trên cả nước.

Theo tietkiemnangluong, “Một triệu ngôi nhà xanh” là dự án lớn về năng lượng tái tạo do Chính phủ Hàn Quốc khởi xướng từ năm 2009. Đây là dự án khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng từ mặt trời, gió, địa nhiệt… trong các ngôi nhà, để thay thế năng lượng hóa thạch, cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ Hàn Quốc đặt ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ có hàng triệu hộ gia đình và các khu chung cư sử dụng năng lượng “xanh”.

Ước tính, tổng số tiền đầu tư cho dự án đến năm 2020 là hơn 137 tỷ won (tương đương hơn 2.800 tỷ VND). Dự án này được đánh giá là bước tiến lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực sử dụng năng lượng. Bởi, đây là một trong số ít quốc gia mạnh dạn đầu tư cho người dân lắp đặt và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Đầu tư lớn, thu hiệu quả lâu dài

Trong dự án này, Chính phủ Hàn Quốc cho xây dựng hơn 20.000 ngôi nhà tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, mở rộng các cụm dân cư “xanh” bằng cách hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho các hộ gia đình khi lắp đặt các thiết bị nhằm tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên. Các thiết bị này bao gồm tấm pin năng lượng mặt trời, mô-đun quang điện được lắp đặt trên nóc nhà, khu vực cửa sổ hoặc trên các bức tường; máy bơm địa nhiệt dưới lòng đất và các tua bin gió loại nhỏ được lắp đặt ngoài trời.

Tùy theo mức độ tiêu thụ năng lượng của mỗi gia đình, dự án sẽ hỗ trợ lắp đặt các diện tích pin năng lượng mặt trời với kích thước khác nhau, thông thường từ 20-30 m2. Lượng điện thu được từ pin mặt trời được dùng để chạy bình nóng lạnh, hệ thống điều hòa và hệ thống sưởi. Điện do tua bin gió sản xuất được dùng để cung cấp cho các thiết bị điện trong gia đình. Trong khi đó, hệ thống máy bơm địa nhiệt sẽ giúp ngôi nhà hạn chế việc sử dụng máy điều hòa thông qua cơ chế tự điều chỉnh nhiệt độ.

Khi đăng kí tham gia chương trình “1 triệu ngôi nhà xanh”, ngoài quyền lợi được hỗ trợ về tài chính và lắp đặt các công nghệ, các hộ gia đình còn phải cam kết thực hiện những yêu cầu về sử dụng năng lượng mà Chính phủ đã đề ra. Mỗi gia đình thực hiện đúng cam kết sẽ được Chính phủ cấp giấy chứng nhận về việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Tính đến năm 2012, toàn Hàn Quốc đã có hơn 111.000 ngôi nhà “xanh”. Dự tính trong giai đoạn từ 2013-2020, con số này sẽ tăng trưởng nhanh chóng và đạt mức 1 triệu ngôi nhà trên khắp cả nước.

Chị Han-young, một bà nội trợ, cho biết trong khu phố nhà chị các gia đình cũng bỏ ra từ 1,4- 7 triệu won để lắp đặt các tấm pin mặt trời. Nhờ đó, mỗi tháng, mỗi hộ giảm được 1/10 hóa đơn tiền điện. Theo chị Han-young, con số này tuy không lớn, nhưng nếu mô hình được triển khai rộng rãi, toàn Hàn Quốc sẽ tiết kiệm được lượng điện đáng kể.

Theo tính toán của Chính phủ Hàn Quốc, đến năm 2020, 1 triệu ngôi nhà “xanh” sẽ giúp nước này cắt giảm được 4% lượng khí thải độc hại. Đồng thời, mô hình này cũng giúp giảm 0,8% nguồn năng lượng hóa thạch tiêu thụ.

Nhiều tiềm năng cho ngôi nhà “xanh” ở Việt Nam

Việt Nam là nước nhiệt đới, nên tiềm năng bức xạ mặt trời được đánh giá ở mức hàng đầu trên thế giới với tổng số giờ nắng và cường độ bức xạ nhiệt cao (trung bình khoảng 5kWh/ngày). Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, số giờ nắng lớn, dao động từ 1.600- 2.600 giờ/năm. Bên cạnh nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, nước ta còn có 8,6% diện tích lãnh thổ có gió đạt tiêu chuẩn về tốc độ và mật độ để sản xuất phong điện.

Được đánh giá là có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, song nguồn năng lượng sạch này vẫn chưa phát triển rộng rãi trên cả nước. Nguyên nhân do chi phí đầu tư các thiết bị còn khá cao. Đây cũng chính là điểm vướng mắc của Hàn Quốc khi thực hiện chương trình “1 triệu ngôi nhà xanh”. Vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm khiến một số gia đình Hàn Quốc vẫn chưa mạnh dạn triển khai, dù Chính phủ đã hỗ trợ đến 50% chi phí.

Tại Việt Nam, việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong các gia đình hiện mới chỉ dừng ở mức lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời. Trong đó, một số tổ chức, doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực (EVN) đã cam kết hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình 1 triệu đồng khi lắp đặt thiết bị này.

Theo kết quả khảo sát trên địa bàn nhiều tỉnh thành, nhu cầu lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời của người dân, đặc biệt là bình nước nóng năng lượng mặt trời là khá cao. Nếu có nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như kinh phí lắp đặt, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời sẽ được nhân rộng trên cả nước. Khi đó, trên dải đất hình chữ S sẽ có nhiều hơn những ngôi nhà “xanh”, vừa tiết kiệm điện vừa hạn chế phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.

Tiết kiệm năng lượng với sử dụng cây xanh

Theo Baoxaydung, Không gian xung quanh công trình được xanh hóa sẽ tạo môi trường không khí thấp hơn, mát hơn, sạch hơn, ít phải sử dụng điều hòa không khí và tiết kiệm điện năng một cách rõ rệt.

Và sử dụng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng như đèn LED, compact… với hệ thống điều khiển thông minh giúp giảm hoặc cắt hẳn lượng chiếu sáng khi không cần thiết bằng các sensor, điều khiển tự động độ sáng của đèn theo ánh sáng ngoài trời hoặc tự tắt đèn khi không có người sử dụng.

Tận dụng nước mưa và nước thải từ vòi sen, vòi rửa tay, máy giặt được xử lý và tái sử dụng cũng góp phần tiết kiệm năng lượng. Sử dụng các thiết bị vệ sinh thế hệ mới có thể tiết kiệm được 20% lượng nước sử dụng. Sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời kết hợp thêm hệ thống đun nóng dùng điện (hoạt động khi trời không nắng).

Đồng thời sử dụng thiết bị điều hòa không khí theo công nghệ biến tần inverter kết hợp với điều hòa không khí bằng năng lượng mặt trời; hay hệ thống điều hòa trung tâm với hệ thống cảm ứng tự điều chỉnh nhiệt độ trong phòng phù hợp với nhiệt độ ngoài trời.

Tất cả những điều trên cho thấy hệ thống đánh giá đầy đủ của chứng chỉ công trình Xanh (Leed and Lotus) thường bao gồm rất nhiều hạng mục như: Năng lượng, Nước, Vật liệu, Sinh thái, Rác thải, Sức khỏe tiện nghi, Thích ứng và giảm nhẹ, Quản lí và Sáng tạo… trong đó hạng mục Năng lượng chiếm tỉ trọng lớn nhất thường lên tới 30% tổng số điểm đánh giá một công trình xanh.

Một số công trình đạt chứng chỉ xanh tiêu biểu đã được xây dựng như Big C Green Square (Bình Dương), Nhà máy Intel, Cao ốc President Place (Hồ Chí Minh), Nhà máy Nokia (Bắc Ninh), Tòa nhà Liên Hiệp Quốc (Hà Nội)… Vì vậy, tiết kiệm năng lượng trong xây dựng xanh không chỉ là xu thế mà còn là việc làm cần thiết.

Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn (15/7/2019)