Đó là con số một nhà máy kính nổi ở miền Bắc đã tiết kiệm được nhờ giảm 1% tổng tiêu thụ điện năng mỗi tháng và giảm số lượng bóng đèn cháy mỗi năm là 500 bóng.

Đây cũng là một trong những mục tiêu mà dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” hướng tới.

Dự án được đồng hành bởi các nhà tài trợ gồm Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).

Nhà máy sản xuất kính nổi này được khởi công xây dựng vào năm 2006. Hiện nhà máy có sản lượng 300 tấn/ngày đêm.

Tham gia dự án, sau quá trình khảo sát, nhà máy đã được các chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn (VNCPC) đánh giá có rất nhiều tiềm năng về tiết kiệm năng lượng điện, hóa chất trong quá trình sản xuất.

Giảm điện áp, tiết kiệm 30 triệu đồng/tháng

Tại các thời điểm đo đạc, đoàn chuyên gia cùng cán bộ kỹ thuật điện nhà máy nhận thấy điện áp cấp cao hơn khoảng 7,1 – 11,1% so với điện áp tiêu chuẩn. Điều này không chỉ gây ra tổn thất điện năng mà còn làm giảm tuổi thọ thiết bị do quá nóng. Thực tế tại công ty cũng đã ghi nhận một năm có khoảng 500 bóng đèn bị cháy.

Theo ước tính của các chuyên gia, khi giảm điện áp về tiêu chuẩn, nhà máy sẽ tiết kiệm được khoảng 1% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương 30 triệu đồng/tháng.

Theo ước tính của các chuyên gia, khi giảm điện áp về tiêu chuẩn, nhà máy sẽ tiết kiệm được khoảng 1% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương 30 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, tại một số tủ điện trong nhà máy có hiện tượng tăng nhiệt do mo-ve đầu code. Tình trạng trên nếu kéo dài rất dễ dẫn đến nguy cơ chập cháy điện.

Một số động cơ như máy nghiền, quạt, … tại nhà máy có dây curoa bị chùng, làm giảm hiệu suất hoạt động của động cơ và lãng phí điện. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại bóng đèn chiếu sáng như đèn halogen, đèn sợi đốt, đèn cao áp trực tiếp, đèn siêu sáng… cũng là nguyên nhân làm tăng lượng điện năng tiêu thụ.

Cần tận dụng và thu hồi nhiệt lượng

Qua quá trình khảo sát tại nhà máy, đoàn chuyên gia còn nhận thấy: mặc dù đã tận dụng nhiệt thải để vận hành lò, nhưng nhà máy vẫn đang tổn thất lượng nhiệt lớn qua thành lò. Việc lãng phí nhiệt không chỉ gây tổn hao nhiên liệu vô ích, không kiểm soát được nhiệt độ quá trình sản xuất mà còn làm tăng nhiệt độ môi trường nơi làm việc.

Ngoài ra, nhà máy còn đang có một nguồn nhiệt thải ống khói khoảng 300oC mà nếu thu hồi được một phần nhiệt lượng này thì cũng sẽ góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu toàn nhà máy.

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng điển hình về những lợi ích mà doanh nghiệp có thể nhận được khi tham gia vào dự án sản xuất sạch hơn. Không những vậy, doanh nghiệp còn nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về việc quản lý hiệu quả hóa chất, chất thải nguy hại, khí thải, nước thải, cũng như nâng cao ý thức của người lao động… Tất cả những điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nhờ đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo VNCPC