Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam thông báo năm 2019 sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tượng cho vay là những tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

Trải qua hơn 17 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án đầu tư bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc với số tiền hơn 2.600 tỷ đồng.


Quỹ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong 02 ngày 05-06/7/2019, tại Hội trường thống nhất (Dinh Độc lập), thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2019 với chủ đề “Hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Hội nghị là hoạt động thường niên của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn tài chính ưu đãi cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Hội nghị cũng là diễn đàn trao đổi, giới thiệu công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là công nghệ xử lý nước thải, rác thải và những công nghệ hướng tới phát triển bền vững, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện các dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực hiện các dự án về môi trường; góp phần quan trọng vào thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia vì các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với mong muốn tiếp tục mang đến sự hỗ trợ tốt nhất về tài chính cho các đơn vị có dự án đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi năm 2019 như sau:

1. Đối tượng cho vay: Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

2. Lãi suất vay: 2,6% – 3,6%/năm, cố định trong suốt thời gian vay (cụ thể theo từng lĩnh vực cho vay).

3. Số tiền cho vay: Tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Hiện tại, mức cho vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một Chủ đầu tư.

4. Thời gian vay: Tối đa 10 năm.

5. Thời gian ân hạn: Tối đa 02 năm.

6. Lĩnh vực cho vay:

– Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

– Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

– Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.

– Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.

– Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

– Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.

– Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

– Quan trắc môi trường.

– Các lĩnh vực khác quy định tại Phụ lục III Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Phụ lục III Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019).

7. Thủ tục vay vốn: Hồ sơ vay vốn theo Điều 11 Thông tư số 03/2017/TT-BTNMT ngày 21/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Khánh Ly (moitruong.com.vn/Quybaovemoitruongvietnam)