Miki Ito, người đứng đầu đội ngũ “lao công vũ trụ” của Astroscale, tính dọn “bãi mìn bao quanh hành tinh” bằng vệ tinh gom rác.

Có từ 20.000 đến 100 triệu mảnh vỡ không gian lớn nhỏ di chuyển quay Trái Đất với tốc độ gấp 10 lần đạn bay. Đây là dấu vết của vệ tinh bị bỏ lại hoặc tên lửa hỏng, gây nguy cơ cho những chuyến du hành không gian và chính các vệ tinh đang hoạt động. Chúng được ví như bãi mìn bao quanh hành tinh.

Lượng mảnh vỡ với kích thước từ 10 cm tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 20 năm trở lại đây. Thế nhưng hầu như chưa có cơ quan nào thực hiện công việc thu gom loại rác thải này.

Miki Ito, một phụ nữ Nhật Bản 35 tuổi, đang đứng ra giải quyết vấn đề. Với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Kỹ sư Không gian, cô hiện giữ vai trò chủ tịch Astroscale, startup cung cấp dịch vụ dọn dẹp không gian.

Astroscale được một cựu doanh nhân IT có tên Nobu Okada sáng lập năm 2013. Đến nay, đội ngũ tự nhận mình là những “lao công vũ trụ” này gọi được số vốn lên tới 53 triệu USD.

Startup có trụ sở tại Singapore nhưng hoạt động phát triển diễn ra chủ yếu ở Nhật Bản, nơi họ đạt được hợp đồng với Cơ quan Không gian nước sở tại (trị giá 25 triệu USD). Các công đoạn lắp ráp vệ tinh ELSA-d, có nhiệm vụ “nhặt rác vũ trụ”, cũng đang được tiến hành tại đất nước mặt trời mọc.

Không phải công ty đầu tiên, nhưng Astroscale là đơn vị được giao khoản tiền lớn nhất để thực hiện công việc dọn dẹp tốn chất xám này.

Các vệ tinh chủ yếu phục vụ công tác truyền phát thông tin, quan sát Trái Đất. Khi gặp trục trặc, nhà cung cấp buộc phải gỡ bỏ thiết bị cũ trước khi thay thế bằng vệ tinh mới.

Giải pháp Astroscale đưa ra là gắn ELSA-d vào mục tiêu cần dọn dẹp, kéo chúng trở lại Trái Đất. Vật thể sau đó bị đốt cháy khi va chạm khí quyển. Việc này được tính toán ít tốn kém hơn nhiều lần chi phí có thể phát sinh từ rác thải vũ trụ.

“Vệ tinh gom rác” được dự định phóng thử cuối năm 2019 và các hoạt động thương mại chưa diễn ra cho tới năm 2020. Việc dẫn dắt một tổ chức có sứ mệnh tiềm năng và ý nghĩa đưa cô Ito mới đây lọt vào danh sách “Emergent 25” (những doanh nhân nữ mới nổi tại châu Á) của Forbes Asia.

Miki Ito, người điều hành công việc “vệ sinh vũ trụ”, đang để lại dấu ấn tại châu Á. Ảnh: Forbes.

Khi Okada ngỏ lời mời Ito về làm việc tháng 10/2014, nữ chuyên gia vũ trụ khi ấy suy nghĩ: “Chẳng có gì ngạc nhiên nếu là các công ty chế tạo vệ tinh, nhưng khi nghe về việc vệ sinh không gian, tôi bị ấn tượng và nghĩ rằng đó là một thử thách hấp dẫn”.

Ở đất nước còn chật vật tìm cách tăng trưởng số nhà lãnh đạo nữ như Nhật Bản, Ito giờ đây là cô gái hiếm hoi hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và đặc biệt, startup về vũ trụ.

Kể về lựa chọn của bản thân, cô nói trên Forbes Asia: “Hồi học trung học, tôi rất ấn tượng với phim “Independence Day” (Ngày Độc lập), bị choáng ngợp trước hình ảnh tuyệt đẹp và viễn tưởng của phi thuyền người ngoài hành tinh. Từ đó nảy sinh trong tôi mơ ước làm công việc liên quan đến vũ trụ, như phi hành gia hay chế tạo tên lửa. Tôi bước vào đại học với ý niệm chung về lĩnh vực này, rồi bắt tay nghiên cứu vệ tinh tại phòng thí nghiệm”.

Nhật Bản gần đây chứng kiến sự bùng nổ của các dự án khởi nghiệp trong ngành vũ trụ. Thành phần cấu tạo được thu nhỏ và ít tốn kém hơn trước khiến các vệ tinh giờ đây ra đời dễ dàng hơn. Quốc gia này mới đây đầu tư đến 1 tỷ USD vào các startup không gian, theo báo cáo của TechCrunch.

Tuy nhiên, giữa hầu hết nỗ lực phóng các vật thể vào không gian, Ito và Astroscale đi con đường ngược lại của một doanh nghiệp về vũ trụ. Phần lớn nhân sự công ty cũng “ngược dòng” so với công việc cũ từng đảm đương tại các tập đoàn đầu ngành.

Bên cạnh đó, quan điểm về các đối thủ của Astroscale khác biệt, theo lời Ito chia sẻ trên The Japan Times: “Mục đích chính của chúng tôi là giảm thiểu rác thải vũ trụ, vì vậy sẽ không xung đột với họ”.

Người đứng đầu hàng ngũ “lao công vũ trụ” thể hiện quyết tâm: “Vấn đề cần được giải quyết. Chúng tôi hiện chưa có khách hàng nhưng cố gắng giảm thiểu chi phí và sẽ cung cấp dịch vụ”.


“Vệ tinh gom rác” ELSA-d kéo mục tiêu về phía Trái Đất, khiến nó bị đốt cháy khi va chạm khí quyển. Ảnh: Astroscale.

Khách hàng tiềm năng Astroscale hướng đến là những công ty vận hành vệ tinh tư nhân, các cơ quan không gian quốc gia và Liên Hợp Quốc.

Startup lựa chọn Singapore để đặt trụ sở vì đây là quốc gia trung lập về chính trị. Mong muốn phạm vi kinh doanh mở rộng trên toàn cầu, Ito chia sẻ: “94% rác thải không gian đến từ các nước Mỹ, Nga và Trung Quốc, chúng tôi cần trung lập để làm việc với họ”.

Tuy nhiên, dịch vụ cũng vấp phải những hoài nghi. Thay vì thu gom mảnh vụn, ELSA-d có thể bị lợi dụng cho mục đích quân sự, như loại bỏ vệ tinh của một số quốc gia. Dẫu vậy, Ito khẳng định sẽ không để công nghệ công ty mình làm ra bị sử dụng một cách sai trái.

Theo Ngoisao.net