Những ngày gần đây, nồng độ bụi PM2.5 ở nhiều nơi tại Hà Nội và Tp.HCM đã vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn quốc gia. Vậy ô nhiễm không khí gây nguy hiểm như thế nào, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Chất lượng không khí ở mức nguy hại tới sức khỏe

Sáng 1/10, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – đã có lý giải chính thức về đợt ô nhiễm không khí kéo dài ở hai thành phố Hà Nội, Tp.HCM.

Dẫn chứng số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Tài cho biết nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng từ ngày 12 – 17/9, sau đó giảm từ ngày 18 – 22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23 – 29/9.

Đặc biệt, trong các ngày liên tiếp từ 25 – 30/9, ghi nhận ở một số trạm quan trắc chất lượng không khí cho thấy chỉ số chất lượng không khí vượt ngưỡng 200, ở mức xấu, nguy hại tới sức khoẻ. Tuy nhiên, chất lượng không khí xuống ngưỡng xấu chỉ có tính thời điểm và chỉ có ở một số vị trí như trạm đo Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ và điểm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ. Riêng từ ngày 27 – 30/9 là “những ngày có nhiều trạm và nhiều giờ quan trắc chỉ số chất lượng không khí xấu nhất” tính trong khoảng từ ngày 12 – 30/9.

Nguyên nhân ô nhiễm do đâu?

Theo ông Tài, do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian từ 21 – 30/9, Hà Nội không có mưa, cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí tăng cao đột biến.

Bụi mịn nguy hiểm như thế nào?

Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, các hạt phân tử được tìm thấy trong tình trạng ô nhiễm có thể xâm nhập vào não người do hít thở không khí.

Magnetite là một dạng khoáng của sắt, chúng có khả năng dễ phản ứng và giải phóng các hạt phân tử khác, tạo ra các gốc tự do, gây ra mất cân bằng ôxy hóa trong các tế bào thần kinh, phá hủy và tiêu diệt tế bào thần kinh.

TS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM còn cho biết thêm: bụi mịn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde có thể gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư ở phổi.

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng liên tục cảnh báo về mối đe dọa từ ô nhiễm không khí với sức khỏe con người cao hơn nhiều so với những con số báo cáo. Đây chính là nguyên nhân làm hơn 3 triệu người tử vong sớm mỗi năm do đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, hô hấp, lão hóa não bộ, đe dọa hầu hết cộng đồng dân cư các thành phố lớn ở những nước đang phát triển và các nước chậm phát triển.

Nên làm gì để tránh bụi mịn?

Các chuyên gia y tế cho rằng người dân khó có thể lọc được hoàn toàn bụi mịn trong không khí khi lưu thông trên đường.

Theo đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể lực tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.

Người lớn và trẻ em nên đeo khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính,… và các khẩu trang có hình dáng phù hợp đảm bảo độ kín.

VNCPC (Tổng hợp)