Mỹ phẩm trở thành sản phẩm làm sạch cũng như làm đẹp da tuy nhiên không phải sản phẩm nào sử dụng nhiều cũng tốt.

Kem lót, kem nền chứa silicon

Silicon là thành phần quen thuộc xuất hiện trong khá nhiều loại mỹ phẩm. Với đặc tính là có cấu trúc phân tử lớn, silicon được dùng trong kem lót, kem nền nhằm làm đầy lỗ chân lông, kiềm dầu và chống thấm nước, giúp người dùng có được lớp makeup mịn màng và lâu trôi. Tuy nhiên, silicon lại là thành phần dễ gây tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện cho mụn hình thành. Vì vậy sau khi sử dụng mỹ phẩm có chứa silicon cần tẩy trang thật kỹ càng. Đối với những người có da nhạy cảm, dị ứng với silicon nên tránh dùng sản phẩm này.


Kem lì, tẩy tế bào chết, sáp dưỡng ẩm… là những sản phẩm mỹ phẩm không nên lạm dụng. Ảnh minh họa

Vaseline

Vaseline là loại sáp dưỡng ẩm từ dầu khoáng, có tác dụng rất tốt trong việc làm mềm vùng da bong tróc, nứt nẻ. Nó sẽ tạo lớp màng khóa ẩm, ngăn da bị mất nước nhưng đồng thời nó cũng không thực sự thấm vào da và còn ngăn da hấp thụ độ ẩm bên ngoài. Chính vì vậy vaseline chỉ giúp da bớt khô, bong tróc nhất thời chứ không mang đến hiệu quả nuôi dưỡng và nếu lạm dụng còn khiến da dễ nổi mụn và ngày càng khô hơn.

Tẩy tế bào chết hóa học

Tẩy tế bào chết hóa học thường chứa hai thành phần quen thuộc là AHA và BHA để lấy đi những tế bào xỉn màu, giúp da rạng rỡ, tươi sáng hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm này không được khuyến khích sử dụng hàng ngày. Tần suất lý tưởng là 1-2 lần mỗi tuần và nên dùng vào buổi tối. Sử dụng tẩy tế bào chết hóa học quá thường xuyên có thể làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, dễ gây kích ứng, bỏng rát, da khô, bong tróc, tăng độ nhạy cảm của da với mỹ phẩm hoặc môi trường.

Sản phẩm chứa retinoids

Retinoids là thành phần chống lão hóa được chuyên gia da liễu khuyên dùng nhờ khả năng sửa chữa, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa. Các thành phần thuộc nhóm retinoids thường có trong mỹ phẩm là retinol, tretinoin… giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo da, làm mờ nếp nhăn, xử lý mụn và các vấn đề do mụn như vết thâm, da sạm màu… Dù giúp cải thiện da hiệu quả, retinoids cũng mang đến nhiều tác dụng phụ như da bong tróc, mẩn đỏ, mẫn cảm hơn với ánh nắng mặt trời nếu sử dụng không đúng cách. Tần suất lý tưởng để dùng retinoids là 2-3 lần mỗi tuần vào buổi tối. Khi mới bắt đầu sử dụng nên chọn các sản phẩm có nồng độ thấp, quan sát phản ứng của da trước khi chuyển sang nồng độ cao hơn.

Dầu dưỡng da có kết cấu đặc

Massage da với dầu dưỡng chiết xuất từ thực vật giàu vitamin, chống oxy hóa như dầu dừa, dầu quả bơ, dầu ô liu… mang đến nhiều lợi ích cho da như sửa chữa hàng rào bảo vệ, bổ sung lượng dầu tự nhiên, cung cấp dưỡng chất cần thiết để da phục hồi và tái tạo. Tuy nhiên, các loại dầu này chỉ hợp với làn da khô, da mất nước, không dành cho da dầu, da mụn. Ngay cả với da khô, bạn cũng chỉ nên dùng dầu dưỡng 1-2 lần mỗi tuần để không gây bít tắc lỗ chân lông.

Sáp dưỡng ẩm

Các loại sáp dưỡng ẩm có thành phần là petroleum jelly giúp làm dịu những vùng da bị nổi mẩn, dị ứng nhưng không hoàn toàn thẩm thấu vào da. Nếu sử dụng quá nhiều, nó sẽ tạo thành vách ngăn trên bề mặt da, làm độ ẩm trên da không thể thoát ra ngoài, ngăn trở lưu thông oxy trên da, khiến da thô ráp. Chỉ nên dùng khi thấy da có dấu hiệu khô, nứt nẻ, không sử dụng hàng ngày.

Son kem lì

Son kem lì được đánh giá cao ở khả năng giữ màu. Đó là nhờ thành phần màu nhuộm và chất tạo độ lì trong son kem. Tuy nhiên, chính các chất này khiến môi khô, dễ bong tróc, nứt nẻ. Khi dùng son kem lì, không nên thoa hết lớp này đến lớp khác như dùng son thỏi mà chỉ nên thoa một lớp mỏng. Nếu muốn thoa lại son, hãy tẩy sạch lớp son cũ, thoa một lớp son dưỡng rồi mới thoa tiếp son kem lì. Buổi tối trước khi đi ngủ nên tẩy trang kỹ vùng môi để làm sạch hoàn toàn và bổ sung độ ẩm cho môi bằng kem dưỡng hoặc mặt nạ môi.

Lông mi giả

Lông mi giả giúp các chị em có hàng mi cong, phù hợp cho những dịp đặc biệt như tiệc tùng, đám cưới. Tuy nhiên, lông mi giả không phải món đồ làm đẹp nên sử dụng hàng ngày vì ngay cả loại được quảng cáo sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên cũng ảnh hưởng đến lông mi thật. Lớp keo gắn mi giả khiến mi thật bị gãy rụng, về lâu dài có thể khiến mi thật không mọc thêm được.

Dầu gội khô

Dầu gội khô là sản phẩm “cấp cứu” giúp chị em có mái tóc bồng bềnh khi không có thời gian gội sấy. Dù vậy, đây không phải là sản phẩm nên dùng thường xuyên. Dầu gội khô có thể gây mảng bám, tích tụ bụi bẩn trên da đầu, lâu dài khiến các nang tóc bị hư tổn, ảnh hưởng đến quá trình mọc tóc. Mảng bám tích tụ trên da đầu gây ra gàu, ngứa, viêm da, nấm tóc. Chỉ nên dùng dầu gội khô khi cần thiết và luôn nhớ gội đầu lại thật sạch ngay khi có thể.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhung-san-pham-my-pham-khong-nen-dung-nhieu-d203787.html