Tinh dầu tràm là sản phẩm mang lại nhiều công dụng, tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng nhất là cho trẻ nhỏ.

Tinh dầu tràm (dầu tràm gió) là loại tinh dầu chiết xuất từ lá, thân, cành cây của cây tràm lá dài, tên khoa học là Melaleuca leucadendra, thành phần chính gồm: Eucalyptol Cineol (Eucalyptol), α–Terminal, limonene. Loại tinh dầu này có mùi hương dễ chịu, do chứa chất khử trùng kháng khuẩn tự nhiên nên có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng, đầy hơi khó chịu, xoa dịu các vết côn trùng cắn, trị ho, lưu thông tuần hoàn máu não…

Đặc biệt nếu được chưng cất đúng chuẩn, bảo đảm là tinh dầu nguyên chất dầu tràm sẽ rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé sau khi sinh. Tuy nhiên, tinh dầu tràm chỉ phát huy hết công dụng và an toàn khi dùng đúng cách, do đó khi sử dụng tinh dầu tràm cho trẻ nhỏ cần đặc biệt lưu ý.

Tuyệt đối không bôi tinh dầu tràm lên vùng da nhạy cảm

Các loại tinh dầu tràm nguyên chất, hoạt tính tương đối mạnh, vì vậy, đối với các vị trí vùng da nhạy cảm như đầu, da mặt, cổ,… sản phẩm có thể gây dị ứng. Bởi thế, ở những vị trí này, ba mẹ không nên thoa trực tiếp tinh dầu lên da của bé. Với một số bé có da quá nhạy cảm cha mẹ nên xoa ít hơn, pha loãng trước hoặc bôi vào quần áo, khăn choàng cho bé.

Đối với các vị trí khác như lòng bàn chân, lưng và ngực, bạn có thể thoa tinh dầu tràm lên và massage nhẹ nhàng. Tuy nhiên, trong quá trình này, nếu da của bé xuất hiện nốt sưng đỏ hay mẩn ngứa thì bạn nên dừng lại nhanh chóng để tránh tổn thương cho da trẻ nhỏ.

Một điều đặc biệt cần nhớ là không nên thoa tinh dầu tràm lên vết thương hở của trẻ nhỏ. Hành động thoa tinh dầu lên vết thương hở sẽ khiến da bị kích ứng, dẫn đến các mô cơ bị tổn thương nặng hơn. Vết thương hở của trẻ sẽ khó lành, thậm chí còn lở loét, sưng mủ do nhiễm trùng da.


Dùng tinh dầu tràm cho trẻ cần đặc biệt lưu ý. Ảnh minh họa

Liều lượng sử dụng tinh dầu tràm phù hợp

Mỗi sản phẩm sẽ có liều lượng sử dụng nhất định, tránh lạm dụng quá nhiều sẽ khiến phản tác dụng. Trong trường hợp dùng tinh dầu tràm pha vào nước tắm cho trẻ nhỏ hoặc dùng để cho bé xông hơi, liều lượng an toàn được khuyến cáo là từ 3 đến 5 giọt. Còn nếu dùng để massage cho bé thì chỉ cần 1 giọt. Tương tự, khi cần thoa lên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc vị trí vết côn trùng cắn, liều lượng sử dụng cũng chỉ cần 1 giọt tinh dầu tràm. Việc sử dụng liều lượng quá mức khuyến cáo sẽ khiến tổn hại làn da mỏng manh của trẻ nhỏ.

Nên kiểm tra phản ứng trước khi dùng

Tuy thành phần tinh dầu tràm lành tính và an toàn, nhưng cũng không thể tránh khỏi một số trường hợp trẻ có cấu tạo da đặc biệt, dễ mẫn cảm với mọi thành phần. Vì vậy, để tránh trường hợp da bé bị kích ứng, đặc biệt đối với các bé chưa đến 12 tháng, ba mẹ cần lưu ý kỹ lưỡng khi dùng.

Trước khi cho trẻ sử dụng, phụ huynh có thể pha loãng 1 ít tinh dầu tràm với nước rồi nhỏ thử lên vùng da của bé. Nếu như vị trí đó xuất hiện nốt mẩn đỏ, sưng viêm, dị ứng da,… thì da trẻ có thể bị mẫn cảm với tinh dầu tràm. Vì thế, bạn không nên sử dụng cho bé để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngược lại, nếu da trẻ vẫn bình thường và không có bất kỳ dấu hiệu dị ứng gì, bạn có thể sử dụng tinh dầu tràm cho trẻ.

Dùng dầu tràm khi bé tắm

Với tác dụng kháng khuẩn, giữ ấm cơ thể, phòng cảm lạnh và các bệnh viêm đường hô hấp, dầu tràm được rất nhiều mẹ tin dùng để chăm sóc bé sơ sinh, nhất là ở khâu tắm cho bé. Vào mùa lạnh, mẹ có thể nhỏ một vài giọt dầu tràm vào nước tắm để phòng cảm lạnh cho con.

Điều mẹ cần lưu ý là dầu tràm có tính kháng khuẩn khá mạnh nên tùy thuộc vào lượng nước tắm mà chỉ nhỏ một đến hai giọt là vừa đủ, tránh làm cay mắt bé. Một lưu ý khác là sau khi tắm xong hãy dùng dầu tràm cho bé để thoa vào ngực, lòng bàn chân cho bé nhằm giữ ấm cơ thể con. Đặc biệt, ở phần lòng bàn chân được ví như lá phổi bên ngoài cơ thể trẻ, mẹ hãy massage thật ấm để phòng các bệnh về hô hấp cho bé trong mùa lạnh.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/luu-y-khi-su-dung-tinh-dau-tram-cho-tre-nho-d204204.html