Các loại trà thảo dược trên thị trường hiện nay được quảng cáo nguồn gốc thiên nhiên, có công dụng điều trị các bệnh xương khớp, trĩ, dạ dày, giảm cân, thậm chí phòng chống cả ung thư… Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, không được tùy tiện lạm dụng các loại trà thảo mộc.

Đa dạng các loại trà thảo mộc

Trên thị trường hiện nhiều loại “trà thảo mộc” có nguồn gốc trong nước và nước ngoài được kinh doanh, phân phối qua nhiều kênh thương mại khác nhau. Theo quảng cáo, các loại trà thảo mộc đều là cây thuốc, tiền chất, hoặc hoa, củ quả được sơ chế, sấy khô… có những công dụng khác nhau: Từ bổ gan, thận, dạ dày, lợi mật đến giảm béo, mịn da, dưỡng tóc. Thậm chí một số bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, trĩ, viêm đại tràng, cũng có thể chữa được bằng cách uống trà thảo mộc!

Cũng theo quan niệm dân gian, và thói quen sử dụng các loại trà từ nét văn hóa Việt Nam nên người tiêu dùng không ngần ngại, thậm chí rất dễ tính khi chọn mua những loại trà này về làm thức uống thường xuyên để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh các loại bệnh lý. Đặc biệt, thời gian này, tiết trời sang thu và vào đông thì những loại trà thảo mộc sẽ được rất ưa chuộng và sử dụng thường xuyên.


Trà thảo mộc có nguồn gốc từ thiên nhiên, quảng cáo chữa hàng loạt bệnh trên chợ mạng.

Tại một gian hàng có tên “Trà thảo mộc Nguyên Thái Trang” đăng bán rất nhiều loại trà gắn với tên gọi của các loại cây, cỏ thiên nhiên như trà cà gai leo, trà diệp hạ châu, trà lạc tiên, trà trinh nữ hoàng cung, trà ngư tinh thảo…

Theo tìm hiểu, hầu hết các loại trà tại gian hàng này được người bán giới thiệu có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên, được sơ chế đóng gói và đều có công dụng trị một loại bệnh nào đó. Ví dụ “trà dây đau xương” điều trị bệnh thoái hóa khớp, bệnh gout, viêm khớp, phong thất. “Trà ngư tinh thảo” điều trị trĩ nội, trĩ ngoại, chống táo bón… hay “trà linh chi” hỗ trợ điều trị chống ung thư, tăng tuổi thọ, giảm cholesterol… chính những quảng cáo này khiến người dùng nhầm tưởng những loại trà thảo mộc có công dụng như thuốc trị bệnh nên được nhiều người tin dùng.

Để tạo độ tin cậy là thảo mộc, nguồn gốc tự nhiên, các sản phẩm trà còn để thô sơ cây, củ, lá, hoa… và được phân loại từ bình dân đến cao cấp bán với giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng.


Nhiều sản phẩm đóng gói thô sơ, có đảm bảo an toàn?

Chị Nguyễn Thanh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị mắc chứng mất ngủ nhiều năm. Sau lần lên mạng tìm hiểu, chị Hà biết trà lá sen được quảng cáo điều trị dứt điểm bệnh mất ngủ, kể cả mất ngủ lâu năm. Vui mừng, chị Hà mua 1 liệu trình về dùng nhưng bệnh mất ngủ vẫn không tiến triển. Ngoài trà lá sen, chị Hà từng sử dụng trà nụ hoa, trà sơn mật, cũng được giới thiệu rất nhiều công dụng, chữa mất ngủ, nội tiết kém, tiêu mỡ, tiểu đường, bệnh tim mạch… Cho đến nay, sau gần 1 năm sử dụng, chị Hà cảm nhận được ưu điểm duy nhất là một thức uống ngon miệng thay nước lọc thông thường, còn cải thiện giấc ngủ hay thanh lọc cơ thể như thế nào thì chị chưa nhận thấy.

Tương tự, chị Nguyễn Ánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm văn phòng, được một người bạn giới thiệu loại trà hoa cúc, hoa hồng sấy khô có xuất xứ từ Đài Loan. Loại trà này sử dụng với đường phèn, chỉ cần thả vào nước nóng là sẽ tự nở ra những bông hoa màu sắc, hình dáng rất đẹp, uống có tác dụng dưỡng thể, thư thái tinh thần và thanh lọc… giá xấp xỉ 1 triệu đồng/1kg. Tuy nhiên, chị Ánh tỏ ra rất ái ngại vì không biết được chất lượng, đặc biệt, những loại trà này sẽ pha chế hoặc tẩm hương liệu gì, nếu sử dụng lâu dài có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không?

Tuy nhiên, không phải ai cũng có những suy nghĩ cẩn trọng như chị Ánh, bởi đại bộ phận người tiêu dùng hết sức chủ quan, chỉ nghe theo lời giới thiệu và thói quen sinh hoạt sẵn có, lời mách truyền miệng nên rất thường xuyên mua những loại trà thảo mộc dạng tự sơ chế, chế biến “gắn mác” thảo mộc tự nhiên, trà thảo mộc gia truyền về sử dụng mà không cân nhắc liều lượng, và những nguy cơ khác.

Uống trà thảo mộc không tùy tiện

Việc sử dụng trà làm thức uống thay nước theo y học cổ truyền khẳng định sẽ có tác dụng nhất định, hỗ trợ một số bệnh liên quan, tuy nhiên, đến nay vẫn có những quan điểm trái chiều, bởi những tác dụng không mong muốn do sử dụng với liều lượng và lâu dài các loại trà thảo mộc là tiền chất bào chế một số loại thuốc trong điều trị.

Bởi một số loại “trà thảo mộc” có tính chất dược lý nhưng do tên gọi chung là “trà” nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần đăng ký ở bộ phận an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không phải qua sự kiểm nghiệm của cơ quan quản lý dược. Trong hồ sơ tiêu chuẩn, hầu hết đều được gọi là trà, có công dụng hỗ trợ giảm cân, nhuận trường, thanh lọc, giải độc… còn những thành phần trong túi trà thì chẳng ai nhắc đến.

Trao đổi với báo chí, Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, trà dược liệu, hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ một loại chế phẩm dùng trà hoặc lấy trà làm chủ phối hợp với các vị thuốc. Còn hiểu theo nghĩa rộng, là chỉ một dạng thực – dược phẩm gồm một hay nhiều loại dược liệu hoặc thực phẩm được chế biến và sử dụng như trà uống hàng ngày nhưng kỳ thực không có chút lá trà nào trong thành phần.

Như vậy, trà dược liệu là một dạng thuốc thang đặc biệt sử dụng dưới dạng nước hãm (xung tễ) hoặc nước ngâm (bào tễ). Hiện nay, nhờ công nghệ phát triển, người ta còn bào chế trà dược hoà tan bằng cách đưa dung dịch trà thuốc đã xử lý theo quy trình pha chế thích hợp vào máy sấy phun sương làm khô thành dạng bột để dễ sử dụng và bảo quản.

Đến nay, người ta công nhận trà có một số tác dụng như: giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kích thích tiêu hoá, giảm mỡ máu, chống béo phì, cải thiện trí nhớ, chống viêm loét tiêu hoá, kháng khuẩn tiêu viêm, chống oxy hoá, giảm đường máu, dự phòng các bệnh lý mạch máu não, dự phòng hình thành sỏi tiết niệu, sỏi đường mật… “Về công dụng của các dược liệu khác, tuỳ lựa chọn, bào chế, liều dùng, cách dùng mà tạo nên tác dụng riêng biệt và nét đặc trưng của từng loại trà dược”, bác sĩ cho biết.

Theo bác sĩ, có những loại trà dược phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Vì vậy để trà dược phát huy hiệu quả cao nhất, cần sử dụng điều độ, không thái quá hay lạm dụng, tránh uống thường xuyên một loại trà đặc có thể ảnh hưởng xấu tới tiêu hoá, giảm khả năng hấp thụ sắt và vitamin B1… Khi dùng phải chú ý kết hợp hợp lý, tuỳ tính chất, thể chất và giai đoạn bệnh tật. Không nên uống trà dược ngay sau bữa ăn vì khi đến dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm protein trong thức ăn trở nên cứng…

Bác sĩ Toàn khuyến cáo, khi bị bệnh tốt nhất cần đi khám bệnh trước, trong và sau khi uống trà dược. Không nên chỉ đọc cách dùng sản phẩm mà không có chỉ định của thầy thuốc. Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà dược cũng phải thật cẩn thận, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Với người không có bệnh, tuỳ tiện uống nhiều trà dược có thể bị ngộ độc dược chất.

An Nguyên
https://vietq.vn/khong-tuy-tien-lam-dung-tra-thao-duoc-de-dieu-tri-ba-benh-d190862.html